Mãi yêu con được xếp trong giá sách của gia đình tôi sau một lần đi mua sách theo thói quen ở Nhã Nam. Tôi cũng không biết đây là tác phẩm tranh kinh điển. Đến khi đọc xong, tôi đã phải giấu đi những giọt nước mắt với con trai 3 tuổi rồi tự tìm hiểu về xuất xứ của cuốn sách.
Mãi yêu con hấp dẫn tôi, bởi những bức tranh tình cảm về sự gắn bó mẹ con. Ôm con vào lòng, chỉ cho con từ những bức tranh đầu tiên, tôi nhập vai:
"Con ơi yêu con mãi mãi,
Thương con chẳng thể xa rời,
Chừng nào trái tim còn đập
Con là riêng của mẹ thôi”.
Người mẹ ôm con vào lòng, chăm sóc, nâng niu. Ảnh chụp lại sách. |
Ngôn từ êm dịu, có phần tha thiết, khiến giọng đọc của tôi cũng cuốn theo. Con trai tôi nhìn những bức tranh và rất yên lặng lắng nghe. Tôi nghĩ đến tháng ngày ôm con vào lòng, đọc cho con những câu truyện tranh bằng cả tấm lòng và sự hiểu biết về ngôn từ.
Cũng như người mẹ này, từ khi còn bé, người mẹ ôm con vào lòng và hát ru bằng cả tình yêu thương ngập tràn.
Đi vào bằng lời ru và lặp lại cũng bằng những chân thành, gần gũi theo từng chặng đường con qua, đó là khi con lớn dần, những lúc con không nghe lời, vô tâm, dù bề ngoài giận dữ và cứng rắn.
Mỗi buổi tối, người mẹ vẫn khẽ gõ cửa phòng, ôm con vào lòng và hát ru những lời ca đầy tình thương. Tôi cũng nghĩ đến mình. Tối đến, sau câu chuyện, tôi thường ôm con, trò chuyện, giúp con đi vào giấc ngủ ngon hơn.
Đến khi con trưởng thành, sống riêng ở nơi khác, người mẹ vẫn lái xe vượt đêm tối đến thăm con... Tôi chợt nghĩ đến mẹ của mình, khi bà ở xa đến giúp tôi những tháng ngày sinh con, con mọn…
Đến đây, con trai bé bỏng 3 tuổi của tôi nói rằng: "Thế khi lớn, con không ở nhà mẹ nữa à? Không, con không muốn đâu…".
Khi người mẹ ốm, lời kể như vỡ oà với điệp khúc yêu thương là lời ru của người con trai đã trưởng thành dành cho mẹ. Anh đã hát ru bài mà mẹ anh thường ru mình mỗi tối:
"Mẹ ơi con yêu mẹ mãi,
Thương mẹ chẳng thể xa rời,
Chừng nào trái tim còn đập
Mẹ là riêng của con thôi".
Người con trai ôm mẹ vào lòng khi mẹ đã già yếu. Ảnh chụp lại sách. |
Và, về nhà hôm ấy, con trai chợt nhận ra nhiều điều. Anh vào phòng, ôm con gái bé nhỏ vào lòng và ru bé bằng những câu hát anh thường được nghe.
Chợt, những giọt nước mắt của tôi xuất hiện, nhớ về câu nói “nước mắt chảy xuôi” mà người Việt vẫn hay nhắc tới lòng hiếu thuận của con cái.
Lời ru Mãi yêu con như một điệp khúc yêu thương từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã giúp tôi vững tin trong hành trình đồng hành cùng con bên trang sách này.
Gấp cuốn sách này, con trai tôi rối rít: “Vì sao mẹ khóc?”. Tôi thành thật: "Cuốn sách làm mẹ khóc".
Bất giác, con cầm cuốn sách vứt mạnh sang chỗ khác: “Cuốn sách không tốt, cuốn sách làm mẹ khóc. Con không thích”.
Tôi nói với con: "Mẹ xúc động vì cuốn sách hay quá". Và rồi, câu chuyện “Vì sao khi xúc động lại khóc”, “Vì sao con lớn rồi mẹ vẫn thăm con?”… tiếp tục được hai mẹ con trò truyện.
Cuốn sách Mãi yêu con xứng đáng là tác phẩm tranh kinh điển, kể từ khi xuất bản lần đầu năm 1986 đến nay, đã bán được hơn 15 triệu bản trên toàn thế giới.
Lời của tác giả Mỹ Robert Munsch được Việt hoá qua tranh của Thùy Dương để phù hợp độc giả Việt Nam.
Cuốn sách đã thực sự chạm đến trái tim làm mẹ của tôi và truyền đi cảm xúc chân thành, ấm áp nhất đến con trai của mình.