Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tôi luôn dè sẻn… sách mới với con 

Mỗi lần đưa con đi hiệu sách, tôi chỉ mua một quyển sách tranh hoặc một bộ 4-6 truyện tranh phù hợp với lứa tuổi, hoặc có khi không mua quyển nào.

Nhiều phụ huynh nghĩ, mua nhiều sách cho con thì lâu dần con cũng thích đọc sách. Nhưng từ trải nghiệm của bản thân, xung quanh, tôi nhận ra rằng, để con thực sự yêu thích sách thì trong một thời gian nhất định, hãy để con và sách được có thời gian bên nhau. Từ đó, kỷ niệm xuất hiện và “nhớ về nhau”.

Từ khi con còn nhỏ tôi đã cho con tiếp xúc các loại sách phù hợp với lứa tuổi. Đồng thời, thường cho con đi nhà sách. Định kỳ 2 tuần hoặc 1 tháng tôi mới mua sách cho con. Nhưng mỗi lần ra về tôi chỉ mua một quyển sách tranh hoặc một bộ 4-6 truyện tranh phù hợp với lứa tuổi, hoặc có khi không mua quyển nào.

Tôi vẫn còn nhớ, khi con dưới 1 tuổi, bộ mà con tôi gắn bó một giai đoạn là 4 sách Ehon của Nhật Bản: "Chào mặt trăng"; "Giày nhỏ đi thôi"; "Tay xinh đâu nhỉ"; "Cùng lau cho sạch nào". Con đang học phân biệt các bộ phận trên cơ thể và học nói qua các hình ảnh, nên rất thích thú với bộ truyện tranh lớn, ít chữ này.

Khi con hơn 1 tuổi thì tôi lại chọn bộ sách có nhiều chữ và màu sắc hơn. Ví dụ như bộ “Những người bạn ngộ nghĩnh”, gồm 8 quyển. Khi mua về, tôi cất 7 quyển đi, chỉ giới thiệu với con một quyển trong vòng 1, 2 tuần. Vì trong 2 tuần này, con còn xem lại những sách cũ nữa. Thậm chí, tôi để ý trẻ rất thích xem đi xem lại nhiều lần. Có những cuốn sách nhỏ, con thích giở đi giở lại đến vài tháng.

Khi con lớn hơn một chút, biết lắng nghe một câu chuyện và biết kể lại theo trí nhớ thì con và sách càng “cần có thời gian đủ lâu” bên nhau. Lúc này khi đọc sách cho con, cha mẹ thường sẽ gặp rất nhiều câu hỏi từ con.

Ví dụ, cuốn sách “Khóc buồn nhưng không bao giờ gục ngã” đã để lại trong trí nhớ con tôi từ khi 3 tuổi đến bây giờ. Cuốn sách này tôi dành thời gian để con làm quen khoảng 1 tháng thì mới mua quyển mới. Trong thời gian này, câu hỏi tôi nhận được thường là: Gục ngã là gì hả mẹ? Vì sao bà già lại chết đi? Thần chết là ai…

Với cách nghiền ngẫm này, khi đọc những cuốn sách khác, con đều ghi nhớ, rút ra bài học cho mình. Đôi khi, gặp những tình huống tương tự trong cuộc sống, con có thể lấy câu chuyện đã đọc để áp dụng, để ứng xử.

Khi con lớn hơn chút nữa, con sẽ nhớ về quyển sách đã được đọc trong hoàn cảnh nào, xuất hiện ra sao... sẽ là kỷ niệm khó quên đấy.

An Mai

Bạn có thể quan tâm