Số liệu liên quan 2 tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận vừa được Tổng Cục đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT.
Trong 8 năm đầu khai thác, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) cơ bản đáp ứng năng lực thông hành. Tuy nhiên, sau khi dừng thu phí, lượng xe qua đây tăng cao, xe tải chạy dàn ngang dưới tốc độ tối thiểu gây cản trở lưu thông; nhiều xe dồn vào làn đường khẩn cấp. Tốc độ chạy trung bình hiện chỉ 60-70 km/h (trước đó là 100 km/h).
Nơi nhập làn xe tại điểm đầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện hữu, tại nút giao Thân Cửu Nghĩa. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Còn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, có hơn 650.000 lượt xe lưu thông, trung bình 18.600 lượt xe mỗi ngày. 20 vụ va chạm giao thông được ghi nhận trên tuyến, trong đó một vụ nghiêm trọng.
Tổng Cục đường bộ nhận định sau khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương, lưu lượng xe qua đây tiếp tục tăng sẽ gây quá tải nghiêm trọng.
Đơn vị này kiến nghị Bộ GTVT xem xét, nghiên cứu đầu tư mở rộng 2 tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận trước năm 2030.
Hồi tháng 7, Sở GTVT đã tham mưu UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo hình thức PPP. Sau đó, 3 doanh nghiệp là Liên danh Cienco 6, Coteccons, Thuận Việt cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép được chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo khả thi dự án theo phương thức PPP.
Ở giai đoạn 1, cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã được đầu tư tuyến chính 6 làn xe, trong đó có 2 làn dừng khẩn cấp; tuyến nối Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm đã đầu tư 6 làn, với 2 làn xe hỗn hợp. Đồng thời, tuyến cao tốc đã giải phóng mặt bằng theo mặt cắt ngang quy hoạch, rất thuận lợi cho việc đầu tư mở rộng sau này.
Đối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2), mới đây, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất mở rộng lên quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 32,25 m; tổng mức đầu tư khoảng 9.504 tỷ đồng.
Từ đầu tháng 8 đến nay, Zing ghi nhận ít nhất 6 sự cố tai nạn trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, khiến phương tiện bị hư hỏng nặng và gây ùn tắc kéo dài. Ngày 11/8, một tài xế xe 4 chỗ còn bị vỡ kính xe trong lúc di chuyển, nghi do có người ném đá vào đường cao tốc.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương là một trong những tuyến đường "bát nháo" và nhiều tai nạn giao thông nhất cả nước. Mật độ giao thông trên tuyến đường này vốn đã cao do nằm ở cửa ngõ TP.HCM, lại thêm việc được lưu thông miễn phí (Nhà nước đã ngừng thu phí cao tốc từ năm 2019) khiến cho lưu lượng phương tiện ngày càng tăng.