Trong những tháng qua, Moscow đã làm tất cả để chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Hơn 100.000 quân tới áp sát Ukraine - bao gồm cả biên giới giữa nước này và Belarus. Và đến ngày 24/2, ông Putin thực sự hành động.
Cuộc xung đột hiện nay sẽ định hình tương lai của Ukraine. Ngoài ra, chiến sự cũng sẽ quyết định vị thế của Moscow trên bản đồ an ninh châu Âu, cũng như di sản mà Tổng thống Putin để lại sau hơn 20 năm cầm quyền.
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu của xung đột đến từ yếu tố địa chính trị, đặc biệt là quan hệ “tay ba” giữa Nga, Ukraine và phương Tây.
Nguồn gốc xung đột
Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh có thể coi là nguồn gốc của xung đột hiện nay. Với việc đối thủ lớn nhất - Liên Xô - tan rã, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể tiến hành mở rộng về hướng đông. Hàng loạt quốc gia Đông Âu trở thành thành viên NATO.
Thậm chí, khối này còn kết lập ba nước Baltic - Estonia, Latvia, Lithuania - vốn là một phần của Liên Xô cũ.
Do tình hình chính trị nội bộ và những lo ngại từ Nga, Ukraine không trở thành thành viên của khối. Nước này cũng sẽ không gia nhập NATO trong tương lai gần - bản thân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định điều này. Do đó, phương Tây không có nghĩa vụ bảo vệ Kyiv khi Nga tấn công.
Một tòa nhà bốc cháy ở thành phố Chuguiv, tỉnh Kharkiv, miền Đông Ukraine, ngày 24/2. Ảnh: AFP. |
Tuy vậy, hợp tác quốc phòng và tình báo giữa Kyiv với Washington nói riêng và phương Tây nói chung không ngừng được củng cố trong thời gian qua.
“Ông Putin và điện Kremlin hiểu rằng Ukraine sẽ không trở thành một phần của NATO”, ông Ruslan Bortnik, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính trị Ukraine, nói với Vox. “Tuy vậy, Ukraine đã trở thành ‘thành viên không chính thức’ của NATO”.
Từ nhiều năm qua, Moscow tỏ ra lo ngại với xu hướng “làm thân” với Liên minh châu Âu (EU) và NATO của Kyiv, đặc biệt sau khi cựu Tổng thống Mỹ George Bush lên tiếng ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO năm 2008.
“Đây là một sai lầm”, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Steven Pifer tuyên bố. “Điều này khiến người Nga ‘nổi giận’”.
Một Ukraine trong NATO sẽ dẫn tới việc khối quân sự của phương Tây “tiến thêm một bước” tới sát lãnh thổ Nga. Đây là điều Moscow không thể chấp nhận.
Năm 2014, cuộc biểu tình “Euromaidan” ở thủ đô Kyiv dẫn tới việc Tổng thống Viktor Yanukovych - người có xu hướng mềm mỏng hơn với Nga - bị người biểu tình thân phương Tây lật đổ.
Ngay sau đó, Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea. Lực lượng ly khai thân Nga cũng nổi dậy giành quyền kiểm soát một bộ phận hai tỉnh Donetsk và Luhansk vào năm đó. Hành động này đã đẩy Ukraine tới gần phương Tây hơn.
Tháng 12 vừa qua, khi những thông tin về sự tập trung quân sự của Nga gần biên giới với Ukraine được tiết lộ, Nga đề đạt nguyện vọng về an ninh của mình đối với NATO.
Theo đó, khối này phải dừng việc mở rộng về hướng đông, cam kết không kết nạp Ukraine và các quốc gia Liên Xô cũ khác, cũng như rút lực lượng ở Trung và Đông Âu.
Tuy vậy, các cuộc đàm phán giữa Nga với các nước phương Tây tháng một vừa qua không đem lại kết quả.
Suy nghĩ của ông Putin
Dù các phân tích của giới quan sát quốc tế chủ yếu đề cập tới vấn đề chiến lược, yếu tố lịch sử và chủ nghĩa dân tộc cũng có thể là một nhân tố thúc đẩy ông Putin hành động.
Trong bài phát biểu trước người dân Nga nhằm công nhận hai nhà nước cộng hòa tự xưng miền Đông Ukraine hôm 21/2, ông Putin tuyên bố: “Ukraine chưa bao giờ có một truyền thống ổn định như một nhà nước thực thụ”.
Giới chức Ukraine xem xét một quả tên lửa rơi xuống thủ đô Kyiv ngày 24/2. Ảnh: Reuters. |
Theo quan điểm của Moscow, một chính quyền thân phương Tây tại Kyiv là điều “không thể chấp nhận” trên một vùng lãnh thổ vốn của người Nga.
“Ukraine có thể vẫn là một quốc gia có chủ quyền (trong mắt Moscow - PV) chừng nào họ có một chính quyền thân thiết với Nga”, bà Seva Gunitsky, chuyên gia về Nga tại Đại học Toronto, Canada, nhận định.
“Đối với chúng ta, Ukraine không chỉ là một nước láng giềng. Đây là một phần không thể tách rời của lịch sử, văn hóa và không gian tín ngưỡng của chúng ta”, ông Putin tuyên bố hôm 21/2.
Ngoài ra, ông Putin có thể cho rằng Mỹ đã suy yếu - thể hiện qua những vấn đề nội bộ hay cuộc rút lui tại Afghanistan. Ông cũng có thể kết luận phương Tây đang chia rẽ khi các nước thành viên NATO tỏ ra bất đồng về Afghanistan hay liên minh AUKUS.
Năm 2019, ông Volodymyr Zelensky đắc cử tổng thống Ukraine với lời hứa khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình về căng thẳng tại miền Đông nước này.
Ban đầu, Moscow nhận định một người không có kinh nghiệm chính trị như ông Zelensky có thể cởi mở hơn với quan điểm của Moscow. Tuy vậy, dưới sức ép của Moscow, ông Zelensky quay sang phương Tây để tìm kiếm sự giúp đỡ, thậm chí công khai tuyên bố nguyện vọng gia nhập NATO.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu IRI tại Ukraine, tỷ lệ người Ukraine muốn gia nhập EU và NATO cũng có xu hướng tăng trong những năm qua. Do đó, Moscow có thể cảm thấy các nỗ lực chính trị và ngoại giao sẽ “không đi đến đâu”.
“Giới tinh hoa an ninh Nga cảm thấy cần hành động ngay. Nếu không, hợp tác quốc phòng giữa NATO và Ukraine sẽ càng thêm sâu rộng và phức tạp”, nhà nghiên cứu Sarah Pagung tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức nhận định.