Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Toan tính của Mỹ khi nồng ấm hơn với các nước Thái Bình Dương

Mỹ tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương ngày 28-29/9, trong bối cảnh Washington đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ với khu vực này.

my thai binh duong anh 1

Trước hội nghị thượng đỉnh, Washington vướng phải nhiều tranh cãi khi danh sách khách mời không bao gồm Quần đảo Cook, Niue, New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp. Sau khi nhận được lời đề nghị từ các nhà lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương, 14 quốc đảo và vùng lãnh thổ khu vực chính thức tham dự Hội nghị.

Bên cạnh đó, sự kiện đặc biệt còn có sự góp mặt của các đồng minh của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là Australia và New Zealand.

Cuộc họp “đặc biệt” sau 150 năm

Theo một quan chức Nhà Trắng, tất cả nhà lãnh đạo tới hội nghị thượng đỉnh đều đồng ý với một bản tuyên bố gồm 11 điểm, trong đó có cả Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare - người đang tìm cách tăng cường quan hệ với Trung Quốc.

Nội dung hội nghị tập trung giải quyết một số mối quan tâm hàng đầu như biến đổi khí hậu, phục hồi sau đại dịch Covid-19, đánh bắt trái phép và đầu tư công nghệ.

Theo Guardian, Mỹ cũng sẽ hỗ trợ các quốc đảo, lãnh thổ Thái Bình Dương xây dựng và nâng cấp tuyến cáp ngầm để cải thiện mạng lưới truyền thông, đồng thời cũng tăng cường an ninh y tế khu vực nhằm phòng tránh dịch bệnh trong tương lai.

Trong bản “Lộ trình quan hệ Đối tác Mỹ - đảo Thái Bình Dương thế kỷ 21”, Washington công bố gói đầu tư hơn 810 triệu USD để mở rộng các chương trình hỗ trợ cho các quốc đảo.

my thai binh duong anh 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken tại hội nghị. Ảnh: Reuters.

Đồng thời, Nhà Trắng cũng sẽ đẩy mạnh quan hệ ngoại giao qua việc thành lập thêm các đại sứ quán, Reuters đưa tin. Đặc biệt, Mỹ sẽ công nhận Quần đảo Cook và Niue là các quốc gia có chủ quyền sau một số cuộc tham vấn sắp tới.

Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên do Nhà Trắng chủ trì với khu vực Nam Thái Bình Dương, vốn được coi là “sân sau” của Mỹ kể từ Thế chiến II.

Theo chuyên gia Gregory Poling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), hội nghị “có ý nghĩa biểu tượng quan trọng”, cho thấy Mỹ đang rất coi trọng quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương. Qua đó, Mỹ mong muốn các bên cùng nhau thúc đẩy môi trường Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Điều gì khiến Mỹ “quay đầu”?

Với vị trí địa chiến lược đặc biệt, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã trở thành không gian cạnh tranh chiến lược quan trọng giữa các nước lớn với không ít điểm nóng được hình thành. Trong đó, Nam Thái Bình Dương đang nhận nhiều sự chú ý và ưu tiên từ các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, Mỹ thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến khu vực Nam Thái Bình Dương thông qua các cuộc tiếp xúc cấp cao với tần suất gia tăng.

Có thể kể đến như Phó tổng thống Mike Pence tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea năm 2018, Ngoại trưởng Mike Pompeo tới thăm Liên bang Micronesia và có cuộc gặp với quan chức Quần đảo Marshall, Palau.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ thực sự đẩy mạnh quan hệ với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương thông qua việc thay đổi, điều chỉnh chiến lược và chính sách đối ngoại.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) ngày 13/7, Phó tổng thống Kamala Harris nhận định các quốc đảo Thái Bình Dương chưa có sự quan tâm và hỗ trợ mà vốn dĩ sẽ nhận được từ Mỹ.

Tuy nhiên, bà cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực, đồng thời hé lộ chính sách của Nhà Trắng về việc mở thêm đại sứ quán ở Toga, Kiribati và mở một diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương nhằm tăng cường hiện diện ngoại giao ở khu vực.

my thai binh duong anh 3

Phó Tổng thống Kamala Harris phát biểu tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) ngày 13/7. Ảnh: AFP.

Trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương năm 2022, Mỹ liên tục nhấn mạnh cam kết thắt chặt quan hệ hợp tác về nhiều mặt với các quốc đảo Thái Bình Dương, đồng thời ưu tiên thúc đẩy hoàn thiện Hiệp ước Liên kết tự do với các quốc gia liên kết tự do (FAS).

Cũng trong tháng 2/2022, Ngoại trưởng Antony Blinken đã có chuyến thăm đầu tiên tới Fiji.

Tiếp đó vào tháng 4/2022, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết Mỹ sẽ cử đoàn đại biểu do Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink và điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell tới thăm và làm việc với Fiji, Papua New Guinea và Solomon.

Gần đây nhất, Tổng thống Mỹ đã chủ trì hội nghị với các quốc đảo Thái Bình Dương tại Nhà Trắng.

Các động thái ngoại giao của Mỹ gần đây được cho là dấu hiệu cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc, đặc biệt là sau sự kiện Trung Quốc ký kết thỏa thuận khung về hợp tác an ninh với quần đảo Solomon.

Trong khi khu vực này bị Mỹ “bỏ quên”, Trung Quốc đã từng bước xác lập sự hiện diện cùng với những đề xuất cung cấp tài trợ về kinh tế và đầu tư cho cơ sở hạ tầng, qua đó tìm kiếm cơ hội tiếp cận các cảng quan trọng nhằm phục vụ về mặt chiến lược.

Theo các thông tin rò rỉ về bản dự thảo thỏa thuận giữa Trung Quốc và Solomon, tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép qua lại và thực hiện hoạt động tiếp tế hậu cần cũng như triển khai “lực lượng thích hợp” để bảo vệ nhân viên và các dự án của Trung Quốc xung quanh Solomon.

Foreign Affairs nhận định thỏa thuận này đã tạo cơ hội cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Để giải quyết những lo ngại từ hành động của Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu của mình - Mỹ sẽ cần quyết liệt hơn nữa để kéo các quốc đảo Thái Bình Dương về phía mình hơn. Theo đó, vấn đề đặt ra cho Mỹ hiện nay là phải hành động như thế nào và thiết lập chính sách ra sao.

Nước đi nào của Mỹ trong tương lai?

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ngày 28-29/9, hơn 10 lãnh đạo khu vực Nam Thái Bình Dương đã tham dự “Hội nghị các nhà lãnh đạo quần đảo Thái Bình Dương lần thứ 12” tại Honolulu. Tại đây, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh các vấn đề cần ưu tiên thảo luận trong cuộc họp tới với Mỹ và bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ hỗ trợ nhằm giải quyết các vấn đề nổi cộm.

Trong đó, các chủ đề trên bao gồm biến đổi khí hậu, đa dạng hóa nền kinh tế và chiến lược Thái Bình Dương Xanh.

Theo Guardian, nếu các quốc đảo, lãnh thổ Thái Bình Dương muốn Mỹ tập trung hợp tác để giải quyết các vấn đề bức thiết như biến đổi khí hậu, thì dường như chính quyền Joe Biden muốn dành sự ưu tiên nhiều hơn đối với việc ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

my thai binh duong anh 4

Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm chỗ đứng ở Nam Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters.

Những nỗ lực thắt chặt quan hệ với Nam Thái Bình Dương gần đây của Mỹ là nhằm theo đuổi mục tiêu mở rộng và tái ký kết các thỏa thuận đã được khởi động Quần đảo Marshall, Micronesia và Palau từ khoảng năm 1980.

Trong đó, các hiệp ước này cho phép Mỹ quyền xây dựng các căn cứ quân sự để đổi lấy những hỗ trợ về kinh tế. Dự kiến, các hiệp ước với Quần đảo Marshall và Micronesia sẽ hết hiệu lực vào năm 2023 và Palau vào năm 2024.

Tiến sĩ Sourrabh Gupta thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Mỹ - Trung Quốc nhận định Mỹ sẽ cử các nhà ngoại giao cấp cao để kết nối lợi ích giữa hai bên, đồng thời duy trì cam kết với khu vực. Cuối cùng, Mỹ sẽ tập hợp các đồng minh ở khu vực dưới tư cách đối tác để xây dựng năng lực cho các quốc đảo Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, kế hoạch thực hiện và quan hệ với phía Nam Thái Bình Dương có duy trì được hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực duy trì của cam kết của Mỹ vào giải quyết những vấn đề gây lo ngại hàng đầu cho các nhà lãnh đạo khu vực này.

Mỹ lần đầu công bố chiến lược Thái Bình Dương

Mỹ vừa công bố chiến lược quốc gia đầu tiên dành cho các quốc đảo Thái Bình Dương, sau khi hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo các nước này kết thúc.

Ông Biden lần đầu họp thượng đỉnh với các quốc đảo Thái Bình Dương

Tổng thống Biden hôm 29/9 cho biết Mỹ cam kết sẽ tăng cường sự hiện diện tại Thái Bình Dương và hợp tác sâu rộng hơn với các quốc đảo trong khu vực để giải quyết vấn đề khí hậu.

Các quốc đảo Thái Bình Dương dậy sóng trước thượng đỉnh với Mỹ

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương sắp diễn ra, một số tài liệu bị rò rỉ cho thấy các quốc đảo không đồng ý dự thảo do Mỹ đề xuất.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm