Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra ở Washington. Ảnh: AP. |
Cam kết trên của Tổng thống Mỹ Joe Biden được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra tại Washington từ ngày 28 đến ngày 29/9, AP đưa tin.
"Một phần lớn lịch sử của thế giới chúng ta sẽ được viết ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong những năm tới. Và các quốc đảo ở Thái Bình Dương có tiếng nói quan trọng trong việc định hình tương lai. Đó là lý do tại sao chính quyền của tôi ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác với quốc gia của các vị”, ông Biden phát biểu khi bắt đầu cuộc họp với nhà lãnh đạo các nước tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Biden trước đó cam kết bổ sung 810 triệu USD viện trợ mới cho các quốc đảo Thái Bình Dương trong thập kỷ tới, bao gồm 130 triệu USD cho những nỗ lực ngăn chặn tác động của biến đổi khí hậu.
“Chúng ta đang nhìn thấy những hậu quả của biến đổi khí hậu trên toàn thế giới rất rõ ràng, kể cả ở Mỹ. Và tôi biết quốc gia của các vị cảm nhận được điều đó rõ ràng thế nào”, Tổng thống Biden nói.
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương. Ảnh: AP. |
Trong tuyên bố chung được đưa ra tại hội nghị, Mỹ “cam kết giải quyết các mối quan ngại hiện có về môi trường, sức khỏe người dân và các mối quan tâm về phúc lợi khác của Cộng hòa Quần đảo Marshall”.
Trong số các sáng kiến mới mà Nhà Trắng công bố có kế hoạch yêu cầu Quốc hội Mỹ chi 600 triệu USD trong 10 năm để hỗ trợ phát triển kinh tế, thúc đẩy các nỗ lực chống chịu với biến đổi khí hậu khí hậu cho nghề cá Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, Washington cho biết sẽ thành lập một phái bộ khu vực của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ tại Suva, Fiji. Nhà Trắng cũng nhắc lại kế hoạch đã thông báo trước đó về việc mở các đại sứ quán ở Quần đảo Solomon, Tonga và Kiribati.
Hội nghị thượng đỉnh bắt đầu vào ngày 28/9 với việc nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương gặp mặt các quan chức cấp cao của Washington như Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry.
Theo CNN, sau cuộc gặp với ông Biden, các nhà lãnh đạo cũng sẽ gặp mặt Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và các thành viên khác của Quốc hội Mỹ vào ngày 29/9.