Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ lần đầu công bố chiến lược Thái Bình Dương

Mỹ vừa công bố chiến lược quốc gia đầu tiên dành cho các quốc đảo Thái Bình Dương, sau khi hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo các nước này kết thúc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hôm 27/9. Ảnh: AP.

“Chiến lược quốc gia này, chiến lược đầu tiên của chính phủ Mỹ dành cho các quốc đảo Thái Bình Dương, cùng phản ánh và thúc đẩy (cam kết của Mỹ với khu vực - PV)”, website Nhà Trắng thông báo hôm 29/9 khi công bố Chiến lược Thái Bình Dương (PPS) của Mỹ.

Theo thông báo, PPS sẽ tăng cường quan hệ đối tác giữa Mỹ và 15 quốc đảo Thái Bình Dương thông qua nhiều biện pháp, bao gồm việc tăng số phái đoàn ngoại giao Mỹ ở đây từ 6 lên 9, mở lại cơ quan viện trợ USAID ở Fiji…

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ lần đầu bổ nhiệm đại sứ tới Diễn đàn các Quốc đảo Thái Bình Dương (PIF), cũng như thúc đẩy liên kết giữa PIF với các tổ chức đa phương khác như ASEAN và QUAD.

Cùng ngày, Mỹ và 14 quốc đảo lớn ở Thái Bình Dương đã ký kết thỏa thuận Đối tác Mỹ - Thái Bình Dương gồm 10 điểm, bao gồm các cam kết về tăng cường hành động chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế và hợp tác an ninh, theo Bloomberg.

chien luoc cua My anh 1

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương. Ảnh: AP.

Thỏa thuận này có tinh thần và phạm vi tương tự thỏa thuận mà Trung Quốc trước đó từng cố đạt được với các nước Thái Bình Dương vào hồi tháng 5 nhưng không thành, ABC đánh giá. Lãnh đạo PIF hồi tháng 7 cho biết Bắc Kinh không cho họ đủ thời gian tham vấn về thỏa thuận.

Thỏa thuận trên là động thái gần nhất của Mỹ nhằm ứng phó sức ảnh hưởng len lỏi của Trung Quốc tại khu vực các quốc đảo Thái Bình Dương - nơi vốn thường bị coi là sân sau trên biển của Mỹ kể từ sau Thế chiến II.

Trước khi các nước nhất trí với PPS, chính quyền Quần đảo Solomon từng thể hiện sẽ từ chối ký kết thỏa thuận này, theo ABC. Mỹ sẽ xây thêm đại sứ quán tại Quần đảo Solomon và tổ chức đào tạo lực lượng chấp pháp nước này, theo nội dung PPS.

Trước đó, trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương, ông Biden thông báo sẽ dành ra 810 triệu USD để thực hiện các chương trình hỗ trợ cho khu vực này. Theo Politico, khoản tiền này nhằm xua tan nghi ngờ về cam kết của chính quyền ông Biden đối với PPS.

Mỹ, Australia và New Zealand đang tăng cường hoạt động ngoại giao với các quốc đảo Thái Bình Dương sau khi bị bất ngờ trước việc Quần đảo Solomon ký kết thỏa thuận an ninh bí mật với Trung Quốc hồi tháng 4.

Ông Biden lần đầu họp thượng đỉnh với các quốc đảo Thái Bình Dương

Tổng thống Biden hôm 29/9 cho biết Mỹ cam kết sẽ tăng cường sự hiện diện tại Thái Bình Dương và hợp tác sâu rộng hơn với các quốc đảo trong khu vực để giải quyết vấn đề khí hậu.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm