Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Toan tính của Mỹ khi 'cởi trói' cho tên lửa Hàn Quốc

Hàn Quốc sau hơn 4 thập kỷ đã có thể chế tạo tên lửa vươn tới Bắc Kinh, nhờ bước đi mới của Mỹ.

Trong hàng thập kỷ, Mỹ từng kiểm soát nghiêm ngặt tầm bắn và trọng tải của tên lửa đạn đạo Hàn Quốc, do lo ngại Seoul có thể đơn phương leo thang căng thẳng với Trung Quốc, Triều Tiên, và Nga.

Nhưng vào tháng 5, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gỡ bỏ giới hạn cuối cùng đối với chương trình tên lửa của Hàn Quốc. Đây là thay đổi mấu chốt vì khi không còn bị giới hạn tầm bắn dưới 800 km, tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc trên lý thuyết có thể vươn tới Bắc Kinh, Moscow, hoặc bất cứ nơi nào khác, Wall Street Journal viết ngày 11/6.

Sau thời gian dài kêu gọi, Seoul đã lấy lại toàn quyền tự quyết về vũ khí phi hạt nhân.

Washington có lợi khi đồng minh được vũ trang tốt hơn

Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên mở rộng kho vũ khí hạt nhân và Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự. Không muốn đưa vũ khí của mình áp sát và chọc giận các nước khác, Mỹ có thể muốn đồng minh thân cận phát triển công nghệ giúp nước ấy tự tăng cường khả năng ngăn ngừa quân sự trong khu vực.

Việc có đồng minh được vũ trang tốt hơn sẽ có lợi cho Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh Washington ngày càng mâu thuẫn với Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Điều này cũng sẽ gây thêm áp lực cho Trung Quốc khi tham gia ngoại giao về vấn đề Triều Tiên, các chuyên gia an ninh nhận xét.

“Hàn Quốc từ trước đã có thể trực tiếp chống lại mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên”, Oh Miyeon, giám đốc viện chính sách Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), nhận định. “Vì thế, động thái gỡ bỏ giới hạn tên lửa có ý nghĩa đối với an ninh khu vực vượt ra ngoài eo biển Triều Tiên”.

ten lua Han Quoc anh 1

Tên lửa từng được Không quân Hàn Quốc sử dụng được trưng bày trong Bảo tàng Tưởng niệm Chiến tranh Triều Tiên tại Seoul. Ảnh: AP.

Lệnh giới hạn tên lửa đối với Hàn Quốc được Mỹ đặt ra từ năm 1979. Ban đầu, tên lửa Hàn Quốc chỉ được phép có tầm bắn dưới 180 km, khoảng cách không đủ vươn tới Bình Nhưỡng nếu được bắn từ biên giới chung. Trọng tải tối đa là khoảng nửa tấn, ít hơn trọng tải tên lửa của Đức trong Thế chiến II.

Những giới hạn này không thay đổi trong hơn 20 năm cho tới khi Mỹ lần lượt cho phép Hàn Quốc tăng tầm bắn tối đa lên khoảng 300 km vào năm 2001 và 800 km vào năm 2012.

Các vụ thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên vào năm 2017 khiến chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gỡ bỏ giới hạn về trọng tải với tên lửa Hàn Quốc. Cuối năm 2020, Washington tiếp tục cho phép Seoul phát triển tên lửa không gian dùng nguyên liệu rắn. Loại tên lửa này có khả năng hỗ trợ do thám quân đội.

Vấn đề gỡ bỏ hoàn toàn giới hạn về tầm bắn được Hàn Quốc và Mỹ trao đổi vào cuối nhiệm kỳ của ông Trump, theo các nguồn thạo tin. Nhưng quá trình trao đổi chững lại do hai quốc gia mải tranh luận về chia sẻ chi phí quân đội, xuất phát từ việc ông Trump đòi Hàn Quốc trả nhiều hơn.

Chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Biden nhậm chức với lời hứa khôi phục liên minh với các nước, Mỹ ký thỏa thuận 5 năm về số 28.500 lính Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc. Sau đó, trong chuyến thăm tháng 5 của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tới Nhà Trắng, hai nước thông báo việc gỡ bỏ hạn chế cuối cùng.

Hàn Quốc có thể tăng khả năng giám sát Triều Tiên

Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ dùng quyền tự quyết vũ khí mới có để cải thiện vệ tinh quân đội - lĩnh vực cần dùng công nghệ tương tự tên lửa đạn đạo, theo các cựu quan chức quân đội Hàn Quốc và chuyên gia an ninh. Quốc gia này không theo đuổi hạt nhân vì Seoul vẫn là nước ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

“Mục tiêu này phù hợp với cuộc cạnh tranh lớn với Trung Quốc, và cũng phù hợp chính sách hợp tác nhiều hơn với đồng minh để cạnh tranh với Trung Quốc của chính quyền ông Biden”, một giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hankuk (Hàn Quốc) nhận định.

Trước động thái gỡ giới hạn tên lửa cho Hàn Quốc của Mỹ, chính quyền Triều Tiên không đưa ra tuyên bố chính thức mà có cách phản ứng nhẹ nhàng hơn: Đăng tải bài viết của một nhà phê bình quan hệ quốc tế trên kênh truyền thông nhà nước. Theo nhà phê bình này, động thái gỡ bỏ giới hạn tên lửa của Mỹ sẽ kích hoạt cuộc đua vũ trang.

ten lua Han Quoc anh 2

Tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2 và Hyunmoo-3 được trưng bày tại sự kiện năm 2017, kỷ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang Hàn Quốc tại Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Đối với Hàn Quốc, theo đuổi hỏa lực quân sự mạnh hơn là một màn đi trên dây. Năm 2017, Seoul từng chọc giận Trung Quốc vì lắp đặt hệ thống phòng vệ tên lửa Mỹ trên đất Hàn Quốc.

Tuy nhiên, dù không ủng hộ thay đổi trên, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không quá bực bội, theo Tong Zhao, viện sĩ cao cấp tại viện chính sách Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua có trụ sở tại Bắc Kinh.

“Với Trung Quốc, tên lửa Hàn Quốc do Seoul kiểm soát là mối đe dọa thấp hơn so với tên lửa Mỹ do Washington điều khiển”, ông Zhao nói.

Bốn năm trước, sau khi giới hạn trọng tải được gỡ bỏ, Hàn Quốc đã phát triển tên lửa hỗ trợ đầu đạn nặng 2 tấn, trong khi vẫn tuân thủ tầm bắn tối đa 800 km. Công nghệ này có thể dễ dàng được điều chỉnh để khiến tên lửa bay xa hơn nữa, thông qua cách gắn đầu đạn nhẹ hơn, các chuyên gia vũ khí nhận định.

Không bị giới hạn về tầm bắn, Hàn Quốc có thể tạo ra mạng lưới vệ tinh quân sự cho phép Seoul không còn phải dựa dẫm vào công nghệ Mỹ để giám sát Triều Tiên, các cựu quan chức quốc phòng Hàn Quốc nhận định.

“Việc cho phép gia tăng mức độ những gì mà chúng tôi đã và đang làm không gây hại vì điều này có nghĩa gia tăng tầm nhìn và tình báo”, Kim Byung-joo, một vị tướng lục quân Hàn Quốc 4 sao đã về hưu kiêm nhà lập pháp tại Seoul, cho biết.

Triều Tiên chỉ trích Mỹ 'hai mặt'

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên sáng ngày 31/5 đăng bài viết có nội dung chỉ trích Mỹ “hai mặt” vì chấp thuận bãi bỏ giới hạn tầm bắn của tên lửa đạn đạo Hàn Quốc.

Hàn Quốc sẽ xích gần với Bộ Tứ để đối phó Trung Quốc?

Khả năng Hàn Quốc gia nhập Bộ Tứ, cùng Mỹ, Australia, Nhật và Ấn Độ, sẽ là chủ đề thảo luận khi Tổng thống Joe Biden tiếp người đồng cấp Moon Jae In tại Nhà Trắng cuối tuần này.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm