Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Toàn cảnh vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga

Việc chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cường kích Su-24 của Nga là điều có thể lường trước sau một thời gian dài căng thẳng giữa hai bên, từ khi Nga không kích IS ở Syria.

Sự cố xảy ra như thế nào?

Ngày 24/11, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hai chiến đấu cơ F-16 tuần tra dọc biên giới nước này đã bắn rơi một máy bay chưa rõ quốc tịch vì nó vi phạm không phận. Máy bay bốc cháy và rơi xuống khu vực đồi núi phía bắc tỉnh Latakia, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nơi có lãnh địa của người Syria gốc Thổ (Turkmen).

Ảnh chụp từ video chiếu trên kênh truyền hình Turkish TV cho thấy máy bay với đám cháy ở đuôi. Ảnh: EPA/Haberturk TV Channel
Chiếc máy bay lao xuống mặt đấu trong lửa. Ảnh: Reuters/Haberturk TV Channel
Hình ảnh phi công nhảy dù được phóng to. Ảnh: TurkPressMedia

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận máy bay bị bắn rơi là Su-24. "Chiếc Su-24 của phi đội máy bay Nga vừa rơi xuống Syria do bị bắn từ mặt đất", đại diện bộ Quốc phòng nói. Moscow khẳng định, máy bay Su-24 lúc đó ở trong không phận Syria tại độ cao 6.000 m.

Trong khi đó, phiến quân đối lập ở Syria đăng tải một video cho thấy viên phi công Nga đang nằm bất động. Thủ lĩnh của nhóm này thậm chí tuyên bố viên phi công đã thiệt mạng.

Sau chiếc Su-24, Ankara cho biết một máy bay thứ hai tiếp tục xâm phạm không phận nước này nhưng họ không bắn hạ nó.

Trực thăng cứu nạn của Nga bị bắn nổ

Trực thăng Nga nổ tung vì trúng tên lửa của phiến quân Syria Cầu lửa thổi bùng lên sau khi tên lửa của nhóm phiến quân Syria đánh trúng trực thăng Nga. Nó đang trên đường tìm kiếm phi công Su-24 bị chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ngày 24/11.
Phi công Su-24 Nga kể về phút giáp mặt F-16 Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sputnik

Nga điều trực thăng rà soát khu vực Su-24 rơi để tìm các phi công mất tích. Quân đội Nga cũng chặn các tín hiệu kết nối không dây tại khu vực tìm kiếm các phi công.

Đài quan sát Nhân quyền Syria thông báo, nhóm phiến quân Syria đã bắn hạ một trực thăng Nga bằng tên lửa chống tăng ngay sau khi ép nó hạ cánh tại một khu vực do chính phủ kiểm soát tại tỉnh Latakia.

Ít nhất 10 người trên trực thăng khi nó trúng tên lửa của nhóm phiến quân, nhưng tất cả đã được sơ tán trước khi máy bay bốc cháy. 18 biệt kích Syria và 6 chiến binh của tổ chức Hezbollah tìm thấy phi công Murakhtin ở khu vực nằm sâu 4 km trong lãnh thổ Syria 12 giờ sau khi máy bay rơi.

Thông tin trái ngược từ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga

Việc chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 của Nga là sự cố nghiêm trọng nhất giữa Nga với các nước thành viên NATO trong nửa thế kỷ qua. Ankara và Moscow lần lượt đưa ra những bằng chứng trái ngược nhau để biện minh cho hành động của họ.

Vạch màu đỏ là đường bay của chiếc Su-24 theo lời của Nga, trong khi vạch màu tím là đường bay "xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ". Đồ họa: New York Times
Thông tin từ Thổ Nhĩ Kỳ Thông tin từ Nga
Phi cơ S-24 của Nga bị bắn do vi phạm không phận 17 giây. Máy bay hoàn toàn chưa xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Phi công trên chiến đấu cơ F-16 đã cảnh báo máy bay Nga 10 lần trong vòng 5 phút nhưng không nhận được phản hồi. Phi công sống sót sau khi nhảy dù khỏi Su-24 khẳng định không có bất kỳ cảnh báo nào.
Đây không phải hành động chống lại bất cứ nước nào mà là động thái nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, nằm trong khuôn khổ luật giao chiến. Máy bay không đe dọa an ninh Thổ Nhĩ Kỳ. Bắn máy bay là "hành động gây hấn" và là "một cuộc mai phục" được lên kế hoạch từ trước.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói họ không biết phi cơ bị bắn hạ là của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ tuyên bố của Ankara, cho rằng phi cơ Nga có những dấu hiệu nhận biết riêng và dễ dàng nhìn thấy.

Nguồn gốc căng thẳng

Dòng sự kiện

 

Lịch sử bất hòa

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quân đội lớn thứ 2 trong NATO, và Nga có lịch sử căng thẳng lâu dài. Sự đối đầu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hình thành rõ nét nhất từ thế kỷ 16 với sự nổi lên của hai đế chế hùng mạnh. Đế chế Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ và Sa Hoàng Nga từng trải qua giai đoạn chiến tranh từ năm 1877 đến 1878. 

Vào giai đoạn lịch sử thế giới hiện đại, Thế chiến I dẫn đến sự sụp đổ của Đế chế Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, gây ra chuyển biến chính trị lớn ở cả hai nước. Lúc đầu, mối quan hệ giữa Liên bang Xô viết và Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ dưới quyền cai trị của Tổng thống Mustafa Kemal được cải thiện.

Mâu thuẫn cũ chưa được giải quyết, xung đột mới xuất hiện. Moscow và Ankara có lập trường trái ngược về cuộc nội chiến tại Syria.

Song Công ước Montreux về chế độ các eo biển năm 1936 một lần nữa khiến quan hệ hai nước gặp sóng gió khi Thổ Nhĩ Kỳ quy định việc di chuyển tàu hải quân của các nước không giáp với Biển Đen qua hai eo biển Bosporus và Dardanelles.

Trong thế chiến II, khi Liên bang Xô Viết phải chịu mũi dùi công kích dữ dội từ phe phát xít, Thổ Nhĩ Kỳ lại tỏ thái độ trung lập. Thậm chí nước này còn cho tàu chiến của Đức đi qua eo biển, khiến chính quyền Moscow nổi giận.

Suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh kéo dài 45 năm, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga luôn ở hai đầu chiến tuyến. Việc Ankara gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 1952 khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một tường thành chống lại Liên Xô đến Địa Trung Hải. 

Năm 1962, căng thẳng giữa hai nước lại một lần nữa lên tới đỉnh điểm khi Thổ Nhĩ Kỳ là nơi Mỹ lắp tên lửa hạt nhân trong cuộc đối đầu với Liên Xô liên quan tới cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ giữa hai quốc gia dần được cải thiện. Nhiều bản hợp đồng kinh tế được ký.

Tuy nhiên, mâu thuẫn cũ chưa được giải quyết, xung đột mới xuất hiện. Moscow và Ankara có lập trường trái ngược về cuộc nội chiến tại Syria.

Đồ họa: Guardian

Bất đồng về tình hình Syria

Từ năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã muốn thay đổi chính phủ ở Syria. Kế hoạch bất thành, Ankara và Washington đều quay sang hỗ trợ lực lượng đối lập vũ trang ở Syria, bao gồm cả nhóm tiền thân của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong khi đó, Nga nhiều lần nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của ông Bashar al-Assad trong việc chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm cũng như trong cuộc chiến chống khủng bố.

Vụ việc chiến đấu cơ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 của Nga rõ ràng là kết quả tất yếu của sự khác biệt về lập trường giữa Nga và NATO.

Mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là tốt đẹp cho tới thời điểm Moscow phát động chiến dịch không kích lực lượng nổi dậy ở Syria từ cuối tháng 9/2015. Không chỉ nhằm mục tiêu không kích IS, chiến đấu cơ Nga còn bị cáo buộc oanh tạc lực lượng chống đối chính quyền Assad, một đồng minh lâu năm của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga cũng phát động chiến dịch không kích lực lượng nổi dậy ở khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nhóm phiến quân gốc Thổ hoạt động và gây ảnh hưởng. Nó như giọt nước làm tràn ly. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ từng triệu tập đại sứ Nga tới để yêu cầu chấm dứt không kích lực lượng mà Tổng thống Recep Tayyip Erdogan gọi là “những người anh em của chúng ta”.

Nguy cơ về cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và những cựu thù Chiến tranh Lạnh, không chỉ gồm Thổ Nhĩ Kỳ mà cả Mỹ tại khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ là điều từng được cảnh báo trước. Vụ việc chiến đấu cơ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 của Nga rõ ràng là kết quả tất yếu của sự khác biệt về lập trường giữa Nga và NATO trong cuộc chiến tại Syria và ẩn sâu trong đó là những căng thẳng âm ỉ.​

Cuộc chiến ngôn từ và trả đũa

Chỉ trích qua lại

Tổng thống Nga Vladimir Putin tức giận sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi phi cơ Nga. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan kiên quyết không xin lỗi Nga vụ bắn rơi Su-24 và cho rằng Moscow vu khống Ankara đồng lõa Nhà nước Hồi giáo. Ảnh: Reuters

Ngay sau sự việc hôm 24/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin giận dữ nói việc Su-24 bị bắn rơi "như cú đâm từ sau lưng và được thực hiện bởi những kẻ đồng lõa với khủng bố".

Phản ứng trước thái độ quyết liệt từ Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nói những lời chỉ trích của người đồng nhiệm Nga là “không thể chấp nhận”. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Erdogan cảnh báo ông Putin “đừng đùa với lửa”.

Ông Erdogan tuyên bố nước này không xin lỗi về hành động bắn rơi chiến đấu cơ, gọi Moscow là kẻ vu khống khi cáo buộc Ankara đồng lõa với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Do sự việc liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ nên khối NATO phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tỏ ý ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ và bác bỏ thông tin của Nga rằng chiếc Su-24 không xâm phạm lãnh thổ. "Chúng tôi đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ và ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của đồng minh NATO", ông Stoltenberg nói. 

Trong khi đó, phát ngôn viên quân đội Mỹ nói việc máy bay Nga bị bắn rơi là vấn đề mà Ankara và Moscow cần giải quyết với nhau. Mỹ khẳng định nước này không liên quan đến vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga.

"Đây là sự cố giữa chính quyền Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Đó không phải vấn đề liên quan đến các hoạt động của liên minh do Mỹ dẫn đầu. Chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo vẫn tiếp tục như kế hoạch và chúng tôi đang không kích ở cả Iraq và Syria", Reuters dẫn lời ông Steve Warren, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết.

Nga trả đũa

Quan hệ Nga- Thổ Nhĩ Kỳ leo thang căng thẳng sau khi Su-24 bị bắn rơi. Ảnh: AP

Một ngày sau vụ việc, giới chức cả hai nước bác bỏ khả năng xảy ra đối đầu trực diện hoặc chiến tranh. "Chúng tôi sẽ không phát động chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ", phía Nga tuyên bố.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã đình chỉ mọi liên lạc quân sự với phía Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời quyết định điều tàu chiến cùng tuần dương hạm trang bị hệ thống phòng không tới bờ biển Latakia, Syria. Song song đó, Nga cũng triển khai hệ thống phòng không tầm xa S-400 tối tân tới căn cứ không quân Hmeymim ở Syria. Hai loại vũ khí này nhằm phá hủy mọi mục tiêu nguy hiểm đối với các máy bay Nga khi không kích IS. 

Nga cũng đã gia tăng mạnh mẽ các cuộc không kích vào khu vực phe đối lập kiểm soát tại tỉnh Latakia và nhắm vào đoàn xe chở hàng cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ tại thị trấn biên giới Azzaz của Syria. Ít nhất 7 lái xe thiệt mạng. Thị trấn này là đầu mối tập kết hàng tiếp viện từ Thổ Nhĩ Kỳ cho phe nổi dậy Syria đang chiến đấu với lực lượng chính phủ tại thành phố Aleppo gần đó.

Người Nga ném trứng và đá vào Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ Nhiều người Nga tức giận ném trứng, đá, cà chua vào Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Moscow và đồng thời hô vang “kẻ giết người” sau khi Ankara bắn rơi Su-24 của Nga hôm 24/11.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hủy chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 25/11, đồng thời khuyến cáo người Nga không nên tới Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm này.

Trong khi đó, hàng trăm người dân Nga tụ tập trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Thủ đô Moscow, tức giận ném trứng, đá, phẩm màu bên trong và hô khẩu hiệu “kẻ giết người”.

Moscow tuyên bố sẽ siết chặt kiểm soát thực phẩm nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ vì lý do không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Ngày 26/11, Sở di trú Nga bắt 39 doanh nhân Thổ Nhĩ kỳ vì nhập cảnh trái phép, đồng thời tạm dừng chế độ miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 1/2016.

Trong khi đó, Ankara khẳng định việc Moscow trả đũa kinh tế là "cảm tính" và "không thích hợp". Ngày 28/11, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày khuyến cáo người dân phải hoãn tất cả các chuyến du lịch không khẩn cấp đến Nga.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 29/11, Tổng thống Putin đã có động thái cứng rắn nhất với Thổ Nhĩ Kỳ, khi ông ký sắc lệnh áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại nước này. Quyết định trừng phạt của Putin có hiệu lực ngay lập tức.

Khó thổi bùng chiến tranh hạt nhân

Về quan hệ song phương, Ankara - Moscow có mối giao hảo tích cực trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, mọi chuyện xấu đi kể từ cuối tháng 9 khi Nga bắt đầu không kích IS ở Syria và dẫn đến hàng loạt sự cố với Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình tiếp tục tụt dốc sau khi máy bay Nga bị bắn rơi, gây tác động nghiêm trọng tới cả hai quốc gia. Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, Ankara đang đẩy quan hệ song phương vào “thế bế tắc”.

Bối cảnh địa chính trị ở Trung Đông hiện nay phức tạp nhưng chưa đến mức nguy hiểm.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) nhận định với Zing.vn việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga nhằm 4 mục đích chính: thứ 1 là cảnh báo Nga; thứ 2 là củng cố lòng tin với các đồng minh Trung Đông; thứ 3 là tác động tới nội bộ Nga, nhằm kích động phong trào phản đối chiến dịch dội bom IS ở trong nước; cuối cùng là chia rẽ Nga - Iran khi vụ tấn công xảy ra đúng thời điểm Tổng thống Vladimir Putin đang công du Tehran. 

“Thổ Nhĩ Kỳ không dám đơn phương thực hiện vụ bắn rơi máy bay Nga. Có thể họ đã được bật đèn xanh hoặc được chống lưng bởi một nước trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an, nhận định.

Nga điều tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-400 đến căn cứ ở Syria để tiêu diệt mọi mối đe dọa với các máy bay nước này. Ảnh: RT

Vụ việc cũng khiến căng thẳng trong khu vực leo thang, đẩy tình hình tới thế khó có thể lường trước. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý chính là việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau vụ việc, thay vì sử dụng mã phóng vũ khí hạt nhân. 

Thổ Nhĩ Kỳ có thể được một nước NATO chống lưng để bắn rơi máy bay Nga

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Theo CNN, nếu điều này xảy ra trong thời Chiến tranh Lạnh, nó sẽ đẩy tình hình tới sát mép vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, bối cảnh địa chính trị ở Trung Đông hiện nay phức tạp nhưng chưa đến mức nguy hiểm.

Frants Klintsevich, Phó Trưởng ban quốc phòng trong Thượng viện Nga, cho rằng, dù mối quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang ở mức căng thẳng,  một cuộc đối đầu trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là "vô lý và không thể được chấp nhận". “Điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ NATO có thể phải can dự nhằm hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên của khối này”, ông Klintsevich nói. 

Theo chuyên gia phân tích người Brazil, Pepe Escoba, các tướng lĩnh NATO "không ngu ngốc tới mức để người khác kéo vào cuộc chiến với Nga", còn Moscow sẽ không để NATO có cớ gây chiến.

Sau khi Nga triển khai hệ thống S-400, trang web tin tức tình báo DEBKAfile (Israel) cho biết Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng chiến dịch không kích Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Những cuộc tấn công của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhằm vào các mục tiêu IS tại Iraq vẫn diễn ra. Thổ Nhĩ Kỳ hiện rất thận trọng, tránh điều các chuyến bay tới gần biên giới Syria.

Tống Hoa - Hải Anh - Minh Anh

Dựng trang & Đồ họa: Tiên Trần

Bạn có thể quan tâm