Hôm 18/11, các thẩm phán của Tòa Thượng thẩm Hong Kong ra phán quyết tuyên bố lệnh cấm che mặt là vi hiến, đòn mới giáng vào chính quyền đang tìm cách khống chế các cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực trong hơn 5 tháng qua tại đặc khu hành chính của Trung Quốc.
Đơn khiếu nại đến từ 25 nghị sĩ đối lập, thách thức lệnh cấm do đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga ban hành theo luật khẩn cấp của Hong Kong vào tháng trước.
Người biểu tình đeo mặt nạ trong một cuộc tụ tập ở Hong Kong. Ảnh: SCMP. |
Đây là lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ luật ra đời vào thời Hong Kong còn là thuộc địa Anh được đem ra áp dụng, dựa trên lập luận về "mối nguy từ công chúng", theo South China Morning Post.
Lệnh cấm quy định bất cứ ai đều không được mang "đồ che mặt" trong các cuộc tụ tập ở nơi công cộng mà "có thể cản trở việc nhận diện". Người vi phạm có thể đối diện mức án lên đến một năm tù và khoản phạt 25.000 dollar Hong Kong (3.187 USD).
Động thái gây tranh cãi của chính quyền hôm 4/10 đã khiến người biểu tình giận dữ, dẫn đến làn sóng phản kháng mới. Một số người biểu tình cố tình thách thức lệnh cấm bằng cách mang mặt nạ, hóa trang tại các cuộc tụ tập và cảnh sát đã bắt giữ hàng trăm người bị cho là vi phạm lệnh cấm.
Các thẩm phán nói lệnh cấm "vượt quá những gì là cần thiết một cách hợp lý để đạt được mục đích thực thi pháp luật, điều tra và truy tố những người biểu tình bạo lực, ngay cả trong tình hình hỗn loạn đang xảy ra ở Hong Kong, và nó không tạo ra được sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích xã hội được thúc đẩy và việc can thiệp vào các quyền được bảo vệ".
Họ cũng cho rằng lệnh cấm không phù hợp vì "độ rộng đáng kể" của nó và "thực tế là không có giới hạn nào đối với các tình huống mà một sĩ quan cảnh sát có thể thực thi quyền lực trong phạm vi đó".
Cho đến ngày 7/11, cảnh sát đã bắt giữ 247 người đàn ông và 120 người phụ nữ bị cho là vi phạm lệnh cấm. Trong số đó, 24 người đã bị truy tố và quá trính xét xử vẫn đang diễn ra.