Trong vụ kiện lên ICJ, vốn có thể kéo dài nhiều năm, phía Ukraine yêu cầu thẩm phán ra phán quyết buộc Nga "từ bỏ chiến dịch quân sự ngay lập tức", theo AP.
Phía Nga cho rằng chiến dịch này "nhằm ngăn chặn và trừng phạt tội diệt chủng" ở hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk, miền Đông Ukraine.
David Zionts, luật sư trong nhóm pháp lý của Ukraine, gọi tuyên bố của Nga là "lời nói dối kỳ cục".
Vẫn chưa rõ liệu Nga có tuân thủ yêu cầu của ICJ hay không. Nếu một quốc gia không tuân theo lệnh của tòa án, các thẩm phán của ICJ có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hành động. Tuy nhiên, Nga là một trong năm thành viên thường trực và có quyền phủ quyết.
Trong phiên điều trần ngày 7/3, các luật sư Ukraine cáo buộc Nga "sử dụng chiến thuật bao vây thời Trung cổ" trong cuộc tấn công.
Phía Nga không tham gia phiên điều trần ở ICJ ngày 7/3. TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng tòa án Liên Hợp Quốc không có quyền tài phán với "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Moscow.
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), có trụ sở tại The Hague (Hà Lan), đôi khi được gọi là Tòa án Thế giới.
Tòa án Công lý Quốc tế tại The Hague, Hà Lan. Ảnh: ICJ. |
Đơn yêu cầu Nga dừng tấn công Ukraine liên quan đến một việc mà Ukraine đã đệ trình dựa trên Công ước về Diệt chủng - có điều khoản cho phép các quốc gia đưa những tranh chấp lên Tòa án Thế giới.
Tuy nhiên, thành công của yêu cầu mà Ukraine đưa ra sẽ phụ thuộc vào việc tòa án có chấp nhận vụ việc này có "thẩm quyền xét xử sơ bộ" hay không.
Ngày 1/3, Thẩm phán người Mỹ Joan E.Donoghue, chủ tịch tòa án, đã gửi thông điệp đến Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, viện dẫn khoản 4, Điều 74 Luật Tòa án, nói rằng các bên phải chú ý trong hành động, để phán quyết của tòa án phù hợp với tình hình thực tế, và với lập trường của hai bên (Nga và Ukraine).