Đơn kiện của Ukraine tới Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) lập luận rằng tuyên bố về tội diệt chủng là không đúng sự thật, và là sự biện minh của Moscow cho hành vi tấn công Ukraine, theo Reuters.
Các phiên điều trần sẽ bắt đầu lúc 10h, theo giờ Hà Lan - nơi đặt trụ sở của ICJ (tức 16h giờ Hà Nội), trong đó Ukraine trình bày trước. Nga sẽ trả lời tòa án vào ngày 8/3.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã nói rằng "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Moscow là cần thiết "để bảo vệ những người bị bắt nạt và diệt chủng" - nghĩa là những người có ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Nga ở miền Đông Ukraine.
Vụ kiện đã được đệ trình lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), xoáy vào một hiệp ước năm 1948 về ngăn chặn nạn diệt chủng, được cả hai quốc gia ký kết. Hiệp ước xác định ICJ là cơ quan giải quyết tranh chấp giữa các bên ký kết.
Ukraine và Nga sẽ đối mặt tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về vấn đề diệt chủng. Ảnh: UNIAN. |
Tuần trước, ban điều hành của Hiệp hội Quốc tế Học giả về Tội ác diệt chủng nói rằng ông Putin đã "sử dụng sai thuật ngữ 'diệt chủng'".
Chủ tịch hiệp hội Melanie O'Brien nói với Reuters: “Hoàn toàn không có bằng chứng cho thấy có nạn diệt chủng đang diễn ra ở Ukraine”.
ICJ có thể ra lệnh nhanh "các biện pháp tạm thời" trong vài ngày hoặc vài tuần để ngăn tình hình trở nên tồi tệ hơn ở Ukraine, trước khi xem xét sâu hơn vụ kiện hoặc liệu họ có quyền tài phán hay không.
Ukraine đã tìm kiếm các biện pháp tạm thời từ tòa án vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea. ICJ khi đó ra lệnh cho cả hai bên không làm trầm trọng thêm tranh chấp.
Dù phán quyết của ICJ có giá trị ràng buộc và các quốc gia thường tuân theo, nhưng tòa án này không có biện pháp trực tiếp để thực thi những phán quyết đó.