Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Tổ hợp chế biến triệu đô và tham vọng thống lĩnh thị trường của Masan

Với việc đưa vào vận hành nhà máy chế biến thịt heo lớn nhất Việt Nam, Masan thể hiện rõ tham vọng thống lĩnh thị trường trong nước bằng sản phẩm chất lượng và giá cả hợp lý.

Masan anh 1Masan anh 2

Với việc đưa vào vận hành nhà máy chế biến thịt heo lớn nhất Việt Nam, đạt tiêu chuẩn châu Âu, Masan đang thể hiện rõ tham vọng thống lĩnh thị trường trong nước bằng sản phẩm chất lượng, an toàn và giá cả hợp lý.

Tháng 4/2017 có lẽ là khoảng thời gian khó quên của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường. Khi đó, lần đầu tiên Việt Nam xảy ra khủng hoảng thừa thịt heo. Lượng dư thừa nhiều đến mức nhiều địa phương kêu gọi người người, nhà nhà tiêu thụ thịt heo. Người nông dân nhiều nơi khóc ròng khi chứng kiến sản phẩm mình làm ra giá rẻ mạt, thậm chí còn không bằng rau quả.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chắc hẳn là người sốt ruột nhất với cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ này. Trước kia, những cuộc khủng hoảng thừa như thanh long, dưa hấu, chuối… chỉ xảy ra ở quy mô nhỏ, ở địa phương nhỏ lẻ, và ở lĩnh vực trồng trọt là chủ yếu. Tuy nhiên, khủng hoảng lợn đã xảy ra trên cả nước với mức độ phức tạp.

Đích thân bộ trưởng đã trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp với các bộ ngành, doanh nghiệp để tháo gỡ. Ông cũng tự mình xuống vận động nhiều doanh nghiệp, địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ thịt.

Sau cuộc khủng hoảng này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra 2 khâu yếu nhất dẫn đến khủng hoảng thịt heo chính là chế biến và tìm thị trường tiêu thụ. Không chế biến sâu thì không có sản phẩm tốt, không thể xuất khẩu. Không có thị trường tiêu thụ, kể cả xuất khẩu thì cũng không giải quyết được đầu ra, cũng như tạo ra giá trị gia tăng lớn.

Nhà máy chế biến thịt của Masan với công suất 1,4 triệu con heo/năm đã góp phần giải quyết 2 khâu yếu nhất mà bộ trưởng từng chỉ ra và tạo bước ngoặt cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Masan anh 3Masan anh 4

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2018, sản lượng thịt heo của Việt Nam ước đạt khoảng 2,8 triệu tấn, trong đó gần như toàn bộ được tiêu thụ trong nước. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có sản lượng thịt heo hàng đầu thế giới. Mỗi năm nước ta cũng chỉ xuất đi một lượng thịt heo rất nhỏ (khoảng 20.000 tấn), mà chủ yếu là heo sữa.

Sản lượng thịt heo lớn, nhưng Việt Nam chưa thể xuất khẩu. Lý giải điều này, đại diện Cục Chăn nuôi (thuộc Bộ NN&PTNT) cho rằng nguyên nhân chính nằm ở chỗ thịt heo Việt Nam nhiều nhưng chưa đạt chuẩn để xuất đi nước ngoài.

Thịt heo là một sản phẩm đặc biệt, liên quan đến tiêu chuẩn thú y, kiểm dịch động vật… Do đó, nhiều nước đòi hỏi rất khắt khe. Ngoài ra, thói quen tiêu dùng chủ yếu của heo lợn Việt Nam lại là heo tươi, ngay sau giết mổ. Trong khi đó trên thế giới, phải là thịt mát. Thịt heo sau khi giết mổ được làm lạnh nhanh để đảm bảo tâm thịt đạt 0-4 độ C để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển, sau đó sẽ được duy trì nhiệt độ vàng 0-4 độ C trong quá trình pha lóc, vận chuyển và đến tay người tiêu dùng.

Masan anh 5Cũng chính hạn chế việc đáp ứng “chuẩn” nên thịt heo của Việt Nam rất khó tìm được thị trường tiêu thụ ở nước ngoài. Nhu cầu tiêu thụ thịt heo trên thế giới đã lên đến 110 triệu tấn vào năm 2017. Cạnh Việt Nam là Trung Quốc, mỗi năm tiêu thụ khoảng 55-57 triệu tấn thịt heo. Đây là tiềm năng rất lớn để Việt Nam có thể phát triển ngành chăn nuôi.

Nhận thấy điểm yếu này, Bộ NN&PTNT đã liên tiếp kêu gọi nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào khâu chế biến sâu trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là thịt heo. Từ đó mới có thể có sản phẩm tốt, xuất khẩu được ra nước ngoài, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đi đầu trong số này chính là Masan. Ngay từ cuối năm 2016, kế hoạch xây dựng một chuỗi khép kín chu trình sản xuất thịt heo sạch đạt tiêu chuẩn thế giới đã được tập đoàn này xây dựng và triển khai. Bước đầu tiên là xây dựng trang trại nuôi heo sạch rộng tới 200 ha tại Quỳ Hợp (Nghệ An).

Trang trại được đưa vào vận hành sản xuất trang trại S2 (giai đoạn 1) vào tháng 12/2017 và đang thực hiện giai đoạn 2 với trang trại S1. Khi cả 2 trang trại đi vào hoạt động hoàn chỉnh sẽ cung cấp sản lượng khoảng 230.000 con heo thịt/năm. Nguồn thức ăn chăn nuôi cho trang trại này cũng được Masan chủ động làm chủ, đáp ứng tiêu chuẩn Global GAP để cho ra sản phẩm heo sạch.

Masan anh 6

Kinh phí đầu tư cho 2 giai đoạn là hơn 1.400 tỷ đồng trên tổng diện tích gần 200 ha. Masan cũng dành khoản ngân sách lên đến 200 tỷ đồng để đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải hiện đại tại trang trại chăn nuôi heo kỹ thuật cao MNS Farm (Nghệ An). Nước thải sau xử lý của trang trại đạt loại A và có thể tái sử dụng 70% lượng nước tuần hoàn, đồng thời cung cấp cho trang trại sử dụng. Hệ thống phát điện từ nguồn biogas cũng có thể đáp ứng nguồn điện cho hoạt động của trang trại.

Khi đã chủ động được heo sạch, Masan đầu tư nhà máy chế biến thịt heo với số vốn 1.000 tỷ đồng tại Hà Nam. Công suất của nhà máy vào khoảng 1,4 triệu con heo/năm; tương đương 140.000 tấn thịt heo/năm. Dây chuyền thiết bị đồng bộ, tiên tiến nhất hiện nay do Marel - công ty hàng đầu thế giới về thiết bị giết mổ, chế biến thịt của Hà Lan cung cấp. Toàn bộ quy trình sản xuất theo công nghệ thịt mát từ châu Âu, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam được các chuyên gia châu Âu giàu kinh nghiệm trực tiếp vận hành, kiểm soát. Nhà máy sẽ được vận hành theo tiêu chuẩn BRC - tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về an toàn thực phẩm.

Với việc khánh thành nhà máy, Masan đã hoàn thành chuỗi sản xuất thịt sạch khép kín theo tiêu chuẩn châu Âu. Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group nói rằng có nhà máy chế biến là mảnh ghép hoàn chỉnh cho chuỗi tích hợp 3F (feed - farm - food). Từ đây Masan có thể hiện thực hoá mục tiêu mang lại thực phẩm sạch, đảm bảo dinh dưỡng cho người tiêu dùng.

Masan anh 7Masan anh 8

Xuất khẩu heo tiểu ngạch sang Trung Quốc là một trong những hy vọng của nông dân khi thị trường tiêu thụ trong nước gặp khó khăn. Nhiều người cũng chứng kiến hàng chục xe chở heo phải đổ bỏ do không thể xuất khẩu theo kênh đó.

Tuy nhiên, câu chuyện nuôi heo và tiêu thụ của người nông dân ở đây có thể sẽ thay đổi hoàn toàn, chứng kiến “bước ngoặt” với sự ra đời của nhà máy chế biến hiện đại của Masan ở Hà Nam. Lãnh đạo nhà máy cho biết trong tương lai xa mong muốn hướng dẫn người dân có thể chăn nuôi đạt chuẩn, tạo nguồn cung cho nhà máy chế biến và có thể xuất khẩu.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, sự cạnh tranh về các mặt hàng nông sản xuất khẩu trên thị trường quốc tế ngày càng khốc liệt, và thịt heo cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Vì vậy, định hướng chung là sẽ khuyến khích những doanh nghiệp có tiềm lực lớn, tập trung vào chuỗi giá trị trong chăn nuôi heo khép kín từ con giống, sản xuất thức ăn tới tổ chức chăn nuôi, nhà máy dây chuyền chế biến hiện đại, tổ chức phân phối sản phẩm.

Masan anh 9

Các doanh nghiệp này không chỉ đủ sức cạnh tranh để chiến thắng ở thị trường nội địa, mà còn đặt mục tiêu trong thời gian ngắn nhất có thể xuất khẩu được thịt heo.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng bản thân Masan không thể tự sản xuất đủ nguyên liệu cho nhà máy chế biến tại Hà Nam. Để khắc phục hạn chế này, tập đoàn cần tiến hành liên kết chăn nuôi cùng người dân trên cả nước, cũng như tìm ra phương thức đúng đắn khi liên kết sản xuất.

“Sự hợp tác, quy hoạch chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp không chỉ đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch trong nước, mà còn hỗ trợ rất lớn cho xuất khẩu. Việc ‘4 nhà’ cùng vào cuộc, trong đó Nhà nước đi đầu tàu là điều cần thiết để xây dựng vùng nguyên liệu”, ông nói.

Masan anh 10Masan anh 11

Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group, người Việt chưa đạt khẩu phần protein cần thiết theo tiêu chuẩn thế giới, hiện chỉ khoảng 40 kg thịt/người/năm, ít hơn so với Trung Quốc, Hàn Quốc hay châu Âu lần lượt là 20-25-35 kg/người/năm.

Trong khi đó, người tiêu dùng Việt cũng đang phải chi trả đắt 1,5-2 lần cho các sản phẩm thịt cùng loại và tiêu chuẩn so với người Mỹ, trong khi thu nhập tính theo PPP chỉ bằng 1/10. Vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đang đe doạ cuộc sống người dân.

Masan anh 12

Với nhà máy tại Hà Nam, Masan mong muốn đưa ra thị trường sản phẩm thịt mát Meat Deli với cam kết sạch, an toàn với người tiêu dùng. Đặc biệt thị trường Việt Nam từ trước đến nay được nhận định là không có thịt mát. Người tiêu dùng chỉ được tiếp cận với thịt nóng, hay còn gọi là thịt tươi, không qua xử lý, thường bán ở chợ và thịt đông lạnh.Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá sự có mặt của thịt mát Masan trên thị trường, kể từ ngày 23/12, được coi là một "cuộc cách mạng" về thịt, Masan cũng không giấu tham vọng của mình đối với thị trường dù màu mỡ nhưng đang bị bỏ ngỏ.

Ông Matthys Van der Lely, Tổng giám đốc ngành thịt Tập đoàn Masan Nutri - Science (MNS), cho biết 98% thị trường thịt đang được cung cấp bởi các nhà sản xuất nội địa, chỉ 2% còn lại là nhập khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngoại cũng chủ yếu tham gia vào phần thịt chế biến sẵn, như xúc xích chẳng hạn. Còn thịt chưa qua chế biến, hơn 90% thịt được tiêu thụ qua kênh phân phối là các chợ truyền thống.

Do đó, Masan có cơ sở để có thể chiếm lĩnh được thị trường béo bở này. Theo tính toán, thị trường thịt Việt Nam có trị giá khoảng 10,2 tỷ USD. Ông Matthys hy vọng Masan có thể chiếm lĩnh được 10% thị trường thịt.

Masan anh 13

Với kết quả này, Masan có thể trở thành “ông lớn” trong ngành thực phẩm Việt Nam. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của Masan Group đạt 27.451 tỷ đồng, việc đưa ra thị trường dòng thịt mát và được người tiêu dùng chấp nhận hứa hẹn sẽ đóng góp vào tiềm năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Masan Group trong thời gian tới.

Sản phẩm thịt mát Meat Deli đáp ứng theo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 12429:2018) về Thịt mát do Bộ Nông Nghiệp & PTNT đề xuất và Bộ KHCN công bố vào ngày 16/10. Sản phẩm hiện được bán tại 36 siêu thị thuộc hệ thống Vinmart và tại 3 cửa hàng bán lẻ của Meat Deli. Độc giả tìm hiểu thêm thông tin tại đây.

Hiếu Công - Hà Mỹ Giang

Đồ họa: Anh Nguyễn

Bạn có thể quan tâm