Sáng 23/12, Masan tổ chức lễ khánh thành nhà máy chế biến thịt heo tại Hà Nam sau 10 tháng thi công. Đến dự sự kiện có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Trần Thanh Mẫn và ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tổ hợp chế biến thịt của Masan được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, với tổng số vốn 1.000 tỷ đồng. Công suất của nhà máy vào khoảng 1,4 triệu con heo/năm; tương đương 140.000 tấn thịt heo/năm.
Sản phẩm của Masan được kiểm dịch đầy đủ trước khi bán ra thị trường. |
Với việc khánh thành nhà máy, Masan đã hoàn thành chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại nuôi heo kỹ thuật cao và tổ hợp chế biến thịt đạt tiêu chuẩn châu Âu. Như vậy, Masan có thể mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm thịt heo sạch, an toàn và giá cả hợp lý.
Đại diện Masan cho biết toàn bộ quy trình sản xuất của nhà máy theo công nghệ thịt mát từ châu Âu, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam được các chuyên gia châu Âu giàu kinh nghiệm trực tiếp vận hành, giám sát và kiểm nghiệm.
Thịt heo MeatDeli được đóng gói với công nghệ Oxy-fresh ngay tại nhà máy nhằm ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập và luôn được bảo quản xuyên suốt ở nhiệt độ 0-4 độ C từ nhà máy đến tận tay người tiêu dùng. |
Tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam cũng được đầu tư lớn cho hệ thống xử lý chất thải với công nghệ hàng đầu, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt loại A.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đánh giá cao sự ra đời của nhà máy Masan. Theo ông, nhà máy này sẽ giúp ngành nông nghiệp giải quyết một trong 2 khâu yếu nhất hiện nay là chế biến và thị trường.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự ra đời của nhà máy Masan. |
Nói về khâu yếu nhất của ngành hàng chăn nuôi heo thời gian qua, Bộ trưởng nhắc lại: Khâu tổ chức chế biến và phân phối lưu thông sản phẩm yếu là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng thừa heo từ cuối năm 2016 tới đầu năm 2017 nghiêm trọng mà hơn 10 năm mới gặp phải. Bên cạnh đó, chăn nuôi đang là tiềm năng vô cùng lớn của Việt Nam.
Tuy nhiên hiện nay, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của ngành chăn nuôi trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản lại đang rất thấp. Vì vậy, mục tiêu là trong 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản hiện nay, phải có hình bóng, khối lượng tăng dần về xuất khẩu của ngành chăn nuôi.
Mục tiêu của ngành nông nghiệp hiện tại là tăng tỷ trọng xuất khẩu ngành chăn nuôi. |
Vì vậy, để củng cố ngành chăn nuôi nói chung, đặc biệt là chăn nuôi lợn, không còn cách nào khác là phải tập trung cải thiện 2 khâu yếu nhất: Chế biến và phân phối lưu thông.
Trong năm 2017 và 2018, một số doanh nghiệp với dự án rất lớn đã tập trung đầu tư vào khâu khó nhất của chăn nuôi lợn, đó là khâu tổ chức chăn nuôi theo chuỗi, gắn với dây chuyền công nghệ giết mổ hiện đại, có chế biến sâu.
Trong đó, dự án của Masan tại Hà Nam là một điển hình với quy mô công suất lớn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng nếu khắc phục tốt khâu chế biến bằng công nghệ, tiêu chuẩn hiện đại, chăn nuôi lợn vẫn có thể duy trì đà phát triển tốt, đồng thời cung cấp được sản phẩm phù hợp cho xã hội, tiến tới xuất khẩu.
Hiện tại, Masan Nutri-Science vận hành 12 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên toàn quốc theo tiêu chuẩn Global GAP. Tổng công suất đến cuối năm 2018 đạt hơn 3 triệu tấn/năm. Masan Nutri-Science phát triển hệ thống phân phối lớn với hơn 4.500 đại lý.
Masan cũng đang vận hành trang trại nuôi heo kỹ thuật cao tại Nghệ An theo tiêu chuẩn Global GAP với công suất cho ra 230.000 heo thịt mỗi năm với tổng đầu tư trên 1.400 tỷ đồng trên tổng diện tích gần 200 ha.
Trong ngày 23/12, Masan giới thiệu sản phẩm “thịt mát” Meat Deli - lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Sản phẩm thịt mát MeatDeli được bán tại 37 siêu thị của hệ thống Vinmart tại Hà Nội và 3 cửa hàng riêng của MeatDeli.