Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học giành Nobel Hòa bình

Giải Nobel Hòa bình năm nay thuộc về Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), một tổ chức của Liên Hợp Quốc, vì những nỗ lực to lớn của họ trong việc giải trừ vũ khí hóa học trên thế giới.

Hôm nay Ủy ban Nobel Na Uy thông báo, OPCW - tổ chức đang giám sát quá trình hủy kho vũ khí hóa học của chính phủ Syria, nhận giải Nobel Hòa bình 2013.

"Giải trừ vũ khí là tâm nguyện lớn của Alfred Nobel, người sáng lập giải Nobel. Ủy ban Nobel Na Uy đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc giải trừ vũ khí hạt nhân thông qua nhiều giải thưởng trước đây. Bằng cách trao giải Nobel Hòa bình 2013 cho OPCW, ủy ban sẽ đóng góp vào nỗ lực loại trừ vũ khí hóa học", Ủy ban Nobel Na Uy lập luận.

OPCW ra đời vào năm 1997 để thực thi Công ước Cấm vũ khí hóa học mà các nước ký vào năm 1993. Trụ sở của OPCW nằm tại Hague, Hà Lan. Trong thời gian gần đây, OPCW thu hút sự chú ý của dư luận do các thanh sát viên của họ đã tới Syria để điều tra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thành phố Damascus hồi tháng 8 khiến vài trăm người chết.

Hai thanh sát viên vũ khí hóa học của OPCW làm việc tại Syria vào ngày 28/8. Ảnh: AFP.

Đây là năm thứ hai liên tiếp Nobel Hòa bình thuộc về một tổ chức. Năm ngoái Liên minh châu Âu đã nhận giải Nobel Hòa bình 2012 vì đóng góp vào những nỗ lực hòa bình và hòa giải, dân chủ và nhân quyền tại châu Âu trong 6 thập niên qua.

Ủy ban Nobel Na Uy sẽ trao giải Nobel Hòa bình tại thành phố Oslo, Na Uy vào ngày 10/12. Trị giá của giải là 1,25 triệu USD.

Đài truyền hình NRK của Na Uy đã tiết lộ thông tin về việc OPCW đoạt Nobel Hòa bình một giờ trước khi thông báo của Ủy ban Nobel Na Uy xuất hiện.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, con người đã sử dụng vũ khí hóa học ở quy mô lớn. Công ước Geneva 1925 cấm các nước sử dụng vũ khí hóa học, nhưng không cấm sản xuất hay tàng trữ chúng. Đức Quốc xã sử dụng vũ khí hóa học để tàn sát dân thường và đối phương trong Thế chiến thứ hai. Từ sau Thế chiến thứ hai, nhiều nước và những kẻ khủng bố thường xuyên sử dụng vũ khí hóa học. Công ước Cấm vũ khí hóa học 1993 - một văn kiện cấm cả việc sản xuất lẫn tàng trữ vũ khí hóa học - bắt đầu có hiệu lực từ năm 1997. Từ đó, OPCW đã thanh sát và phá hủy vũ khí hóa học trên khắp thế giới để thực thi công ước. Tới nay 189 nước đã tham gia Công ước Cấm vũ khí hóa học.

Thái Dương

Bạn có thể quan tâm