Vào đầu tháng 12 năm 1948, Patricia Highsmith, 27 tuổi quê ở Texas, là một tiểu thuyết gia mới vào nghề, nhận một công việc thời vụ mùa Giáng sinh, bán hàng trong gian hàng đồ chơi trẻ em tại cửa hàng bách hóa Bloomingdale's, trên đại lộ Lexington ở khu Manhattan, New York.
Công việc ở Bloomingdale’s mà cô ghê tởm chỉ kéo dài có hai tuần nữa. Nhưng có một cuộc gặp gỡ trong gian hàng đồ chơi chỉ kéo dài vài phút đã ám ảnh Highsmith suốt đời.
Carol gặp Therese ở cửa hàng bách hóa. Ảnh: Phim Carol. |
Tiểu thuyết về tình yêu bị xã hội ngăn cấm bán gần một triệu bản
Đó chỉ là “một giao dịch bán hàng thông thường” với một “người phụ nữ tóc vàng mặc áo khoác lông thú” ở ngoại ô đang tìm một món quà cho con mình. Nhưng cuộc gặp gỡ đã khiến Highsmith cảm thấy kỳ quặc, đầu óc cô choáng váng, gần như ngất xỉu, nhưng đồng thời cũng cảm thấy phấn chấn, như thể “đã nhìn thấy một khải tượng”. Trở về căn hộ của mình sau giờ làm việc, cô sốt sắng vạch ra một câu chuyện lấy cảm hứng từ trải nghiệm của mình.
The Price of Salt ấn bản bìa mềm của Bantam |
Năm 1952, The Price of Salt được xuất bản. Câu chuyện bắt đầu từ cuộc gặp gỡ của hai người phụ nữ trong cửa hàng bách hóa, cô gái bán hàng 19 tuổi, Therese Belivet, yêu một khách hàng 30 tuổi đã có gia đình, Carol Aird. Khi nhà xuất bản Coward-McCann in lần đầu tiên, Highsmith lấy bút danh Claire Morgan.
Năm sau, nhà xuất bản Bantam cho ra mắt ấn bản bìa mềm giá 35 xu với ảnh bìa hai người phụ nữ quyến rũ chạm vào nhau, trong khi người đàn ông bị vứt bỏ đứng nhìn từ xa một cách bất lực và với dòng quảng cáo lố bịch: Tiểu thuyết về tình yêu bị xã hội ngăn cấm. Ấn bản bìa mềm này đã bán được gần một triệu bản trước khi đổi tên thành Carol vào năm 1990. Năm 2015, người ta một lần nữa lại nói về cuốn tiểu thuyết sau khi Carol được chuyển thể thành phim.
Với diễn xuất đỉnh cao của nữ minh tinh Cate Blanchett, bộ phim Carol của đạo diễn Todd Haynes đã nhận được hơn 290 đề cử trong ngành điện ảnh và giới phê bình, cùng hơn 100 giải thưởng và danh hiệu. Người ta quảng bá đây là bộ phim về đồng tính nữ, một câu chuyện tình yêu lãng mạn, và việc truyền thông theo hướng này đã đem đến thành công cho bộ phim. Nhưng Carol không chỉ có tình yêu đồng tính, nếu chỉ nhìn thấy tình yêu trong Carol thì chúng ta đã đánh giá thấp bộ phim, và Highsmith không viết Carol để giãi bày quan điểm tình yêu.
Phục vụ thị hiếu thẩm mỹ và hệ tư tưởng của tầng lớp trung lưu
Ở một góc độ khác, việc chuyển thể tiểu thuyết Carol thành phim mang tính chất chủ nghĩa tiêu dùng nhiều hơn, nhằm phục vụ thị hiếu thẩm mỹ và hệ tư tưởng của “tầng lớp trung lưu”.
Ngay từ những cảnh quay mở đầu về những con đường mùa thu trong màn mưa ở New York, không khí của bộ phim đã gợi tả một nền điện ảnh thập niên 50 quá vãng, nhưng mặt khác, những cảnh khỏa thân, khiêu dâm lại mang cho người xem một cảm giác đương đại rõ ràng.
Mối quan hệ giữa hai nhân vật Carol và Therese dựa trên khẩu vị. Therese chỉ là một cô gái ở tầng lớp thấp hơn, nhưng cô có gu thẩm mỹ: đọc tiểu thuyết của Joyce, nghe những đĩa hát tao nhã, và chơi ảnh - đây chính là điều mà các tạp chí thời trang phụ nữ cổ vũ.
Đứng trên quan điểm Hollywood mà nói, việc truyền bá một tư tưởng tình yêu theo cách kể chuyện này là một kiểu đúng đắn, không những không có bất kỳ áp lực nào mà còn có thể nhận được nhiều lời khen ngợi, điều này có lợi rất lớn cho doanh thu phòng vé và hợp ý người tiêu dùng đẳng cấp.
Trong số các chiến dịch quảng bá cho bộ phim Carol, điều được nhắc đến nhiều nhất là trang phục trong phim, một bộ sưu tập nghệ thuật thời trang Mỹ những năm 1950. Thời trang trong phim cũng đã trở thành chủ đề bàn tán của hầu hết khán giả xem phim, người ta chú ý đến chiếc áo khoác lông chồn của nhân vật nữ chính hơn cả bản thân câu chuyện. Các tạp chí đời sống phụ nữ thi nhau giới thiệu thời trang và phong cách của Carol.
Thời trang và phong cách sống của Carol được người xem bàn luận. Ảnh: phim Carol. |
Xin đừng quên, các tạp chí này là kinh thánh về chủ nghĩa tiêu dùng của tầng lớp trung lưu, đưa chủ nghĩa tiêu dùng ăn sâu vào tâm thức của nhiều phụ nữ. Nó nói với cánh chị em nhiều điều: mặc gì mới được coi là thời trang, ăn mặc như thế nào vào dịp nào, kết hôn với một người đàn ông giàu có thì thế nào, sống trong ngôi nhà nào, lái loại xe nào, và thậm chí cả những cuốn sách nên đọc để được coi là thành công, làm thế nào để có cuộc sống hạnh phúc…
Những nghiên cứu thành công và kỹ thuật tẩy não theo phương pháp MLM (multi-level marketing) này đã được đóng gói cẩn thận theo khẩu vị tiêu dùng, và dần trở thành một hệ tư tưởng vững chắc giúp ổn định tầng lớp trung lưu và tầng lớp “khao khát trở thành tầng lớp trung lưu”.
Bloomingdale’s - Ngôi đền của chủ nghĩa tiêu dùng
Thực tế ngày nay chủ nghĩa tiêu thụ đã ăn sâu và đang phát triển trên khắp thế giới. Điều thú vị là phim Carol tái hiện khung cảnh cửa hàng bách hóa Frankenberg's, nơi Therese làm việc. Trên thực tế, nguyên mẫu của cửa hàng bách hóa trong tiểu thuyết là Bloomingdale’s ở New York, một trong những cửa hàng bách hóa lâu đời nhất trên thế giới và là ngôi đền lý tưởng của chủ nghĩa tiêu dùng.
Kể từ những năm 1940, Bloomingdale’s đã khéo léo sử dụng các phương thức quảng cáo khác nhau, chẳng hạn như biến trung tâm mua sắm thành nơi biểu diễn, tổ chức các bữa tiệc tối, hoạt động nghệ thuật và mời các ngôi sao đến hiện trường... Triết lý “Khách hàng là Thượng đế” đúng với Bloomingdale’s. “Thượng đế” của họ chính là Hoàng gia Anh, Vua Monaco và những người tiêu dùng “đặc biệt có tiền”.
Theo tư duy logic tư bản tiêu dùng, ngày nay Bloomingdale’s đã tương tác chặt chẽ với chương trình thực tế trên TV, thúc đẩy phong cách sống và các giá trị mang hương vị Upper East Side của New York, nhằm thu hút làn sóng người tiêu dùng khao khát một cuộc sống thượng lưu xa hoa.
Kyle Chandler và Cate Blanchett trong phim Carol |
Nếu nhìn từ quan điểm này, thì phim Carol sẽ trông giống như một chương trình quảng cáo cho cửa hàng bách hóa. Câu chuyện không chỉ diễn ra trong hang ổ của chủ nghĩa tiêu dùng, mà hương vị nó bán cũng được đưa vào phim và do đó việc phim thu hút được khán giả là điều đương nhiên.
Carol là nỗi ám ảnh của Highsmith đối với tầng lớp thượng lưu, với chủ nghĩa tiêu dùng, như bà đã viết trong lời nói đầu, cuốn tiểu thuyết được lấy cảm hứng từ cái nhìn thoáng qua của một phụ nữ làm việc ở Bloomingdale’s.