“Chúng tôi có thông tin rằng chính phủ Nga đang chuẩn bị di tản thành viên gia đình (của các nhà ngoại giao) khỏi Đại sứ quán Nga ở Ukraine vào cuối tháng 12/2021 và đầu tháng 1/2022”, một quan chức Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Một tuần trước những cuộc đàm phán ngoại giao về vấn đề Nga dồn quân sát biên giới với Ukraine, các quan chức Mỹ và Ukraine đã quan sát thấy hành động khác thường: Moscow đang rút dần người khỏi đại sứ quán nước này ở thủ đô Kyiv.
Theo một quan chức an ninh cấp cao của Ukraine, vào ngày 5/1, 18 người - chủ yếu là vợ và con của các nhà ngoại giao Nga - đã lên đường trở về Moscow trong chuyến xe kéo dài 15 giờ.
Vài ngày sau, thêm 30 người rời đi từ Kyiv và Lãnh sự quán Nga tại thành phố Lviv, miền Tây Ukraine. Các nhà ngoại giao tại hai lãnh sự quán khác của Nga đã được thông báo chuẩn bị rời Ukraine, quan chức an ninh này cho New York Times biết trong điều kiện ẩn danh vì liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.
Đại sứ quán Nga tại thủ đô Kyiv, Ukraine tháng 4/2021. Ảnh: Andrei Ratmirov/TASS. |
Sự chuẩn bị cho chiến tranh?
"Làm thế nào để diễn giải những cuộc 'di tản' và các tính toán phía sau của Tổng thống Nga Vladimir V. Putin?", New York Times đặt vấn đề. Các quan chức Mỹ và Ukraine cho rằng việc Nga rút người khỏi đại sứ quán một phần phục vụ mục đích tuyên truyền, một phần để chuẩn bị cho cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai, một phần là đánh lạc hướng, cũng có thể là cả ba.
Khả năng cao là Nga biết giới chức Mỹ và Ukraine đang theo dõi sát hành động của nước này.
Nga cũng bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào chính phủ Ukraine hồi tuần trước, cũng như các báo cáo từ Microsoft và chính phủ Mỹ phát hiện một dạng phần mềm độc hại có tính phá hoại cao ẩn trong hệ thống mạng của chính phủ và tư nhân tại Ukraine.
Hàng loạt chuyến tàu chở đầy xe tăng, tên lửa, cùng binh lính của Nga đang tiến về khu vực phía tây, rõ ràng là hướng đến biên giới với Ukraine. Tổng thống Belarus Aleksandr G. Lukashenko hôm 17/1 thông báo rằng các lực lượng và khí tài của Nga đã bắt đầu đến nước này để tiến hành tập trận chung tại hai địa điểm: miền Tây Belarus - khu vực gần hai thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania, cùng với đó là vùng dọc theo biên giới với Ukraine - một con đường xâm lược khả dĩ khác.
Ở Kyiv, các quan chức Ukraine lo ngại lực lượng Nga đến Belarus để tập trận sẽ đóng quân vô thời hạn ở đó, khiến Ukraine có thể bị tấn công từ phía đông, phía nam, và giờ là phía bắc.
Nga và Belarus từng tập trận chung ở vùng Nizhny Novgorod của Nga hồi tháng 9/2021. Ảnh: Vadim Savitskiy/AP. |
Tại Washington, các quan chức Mỹ cho biết họ vẫn đánh giá ông Putin chưa đưa ra quyết định xâm lược và tin rằng tổng thống Nga đang cân nhắc dựa trên hàng loạt các yếu tố khác nhau. Trong số đó có việc làm thế nào để đối phó với các đòn trừng phạt mà phương Tây đang đe dọa nhắm vào hệ thống tài chính và nền kinh tế Nga, cũng như làm sao để các yêu sách an ninh của Nga thu hút đủ sự chú ý.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nói thêm rằng ông Putin có thể đã đi đến kết luận việc Mỹ và các nước khác trang bị vũ khí cho Ukraine có khả năng làm mất lợi thế quân sự của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 17/1 thông báo trong một bài phát biểu trước Quốc hội rằng nước này sẽ bắt đầu cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí chống tăng hạng nhẹ để phòng thủ. Sự lo ngại này có thể khiến ông Putin hành động sớm hơn dự tính.
Thông điệp của Nga
Có thể Nga đang cố gắng nói với Mỹ và các đồng minh phương Tây nên nghiêm túc xem xét các yêu sách an ninh của nước này. Đó là không cho phép Ukraine gia nhập NATO, rút quân đội, vũ khí hạt nhân cùng các loại vũ khí hạng nặng khác khỏi những quốc gia từng thuộc Khối Warsaw trước đây (tổ chức quân sự do Liên Xô dẫn đầu để đối trọng với NATO trong thời Chiến tranh Lạnh).
Việc di tản cũng có thể là chỉ dấu cho thấy Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công, tuy nhiên đó là chỉ dấu duy nhất cho nguy cơ trên. Thực tế, lực lượng Nga dồn quân sát biên giới với Ukraine đã không tăng với tốc độ như các quan chức Lầu Năm Góc đã dự kiến một tháng trước. Họ từng nhận định có đến 175.000 quân Nga đóng quân ở biên giới, tuy nhiên các ước tính mới nhất cho thấy quân số Nga chỉ dao động từ 77.000 đến 100.000, tùy theo cách tính.
Giới chức quân sự, tình báo Mỹ và châu Âu nhận định ông Putin có thể đang đợi mùa đông đến để đưa thiết bị hạng nặng qua biên giới dễ dàng hơn. Hoặc ông ấy tăng quân theo từng bước để đạt được lợi thế trên bàn đàm phán. Ông Putin muốn một cam kết có giá trị pháp lý từ chính quyền Joe Biden và NATO về các yêu sách an ninh của Nga.
Dù các quan chức Mỹ tin rằng ông Putin chưa quyết định về nước đi tiếp theo, giới chức ở Kyiv vẫn đang chuẩn bị cho kịch bản nếu chiến tranh nổ ra. Nó có thể xảy ra dưới hình thức một cuộc xâm lược toàn diện, quan chức an ninh Ukraine cho biết. Hoặc Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công mạng vào hệ thống năng lượng của Ukraine - lớn hơn nhiều so với những cuộc tấn công hồi năm 2015 và 2016 - kết hợp với leo thang quân sự ở miền Đông Ukraine, nơi lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đang cố thủ.
Tòa nhà Bộ Ngoại giao Ukraine ở thủ đô Kyiv. Tin tặc đã để lại một tin nhắn trên trang web của bộ bằng ba ngôn ngữ trong cuộc tấn công mạng hôm 14/1. Ảnh: Reuters. |
Không ai ngoài các nhà lãnh đạo ở Điện Kremlin biết về những diễn biến sắp tới.