“Chúng tôi có thông tin Nga đã cài cắm một nhóm đặc nhiệm từ trước để thực hiện chiến dịch tại miền Đông Ukraine”, Financial Times dẫn lời một quan chức Mỹ ngày 14/1. “Những đặc vụ này được đào tạo dùng kỹ thuật tác chiến đô thị và thuốc nổ để phá hoại chính các lực lượng thân Nga”.
Chiến thuật “cờ giả” được thiết kế để che giấu nguồn gốc thực sự của hành động gây hấn.
Theo vị quan chức, những “hoạt động phá hoại” và “các chiến dịch thông tin” nói trên sẽ được dùng để cáo buộc “Ukraine đang lên kế hoạch tiến đánh lực lượng thân Nga ở miền Đông nước này”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 14/1 cũng viện dẫn kết quả tình báo cho thấy Nga đang thực hiện chiến dịch tung thông tin sai lệch trên mạng xã hội nhằm tô vẽ Ukraine là phía gây hấn, theo Reuters.
“Chúng tôi lo ngại chính phủ Nga đang chuẩn bị tấn công Ukraine nếu không đạt được mục tiêu qua ngoại giao”, bà Psaki nói.
Binh sĩ Nga tham gia buổi diễn tập quân sự Zapad trong năm 2021 do Nga cùng tổ chức với Belarus. Ảnh: Reuters. |
Vị quan chức Mỹ nói những tín hiệu trên có thể báo hiệu trước động thái quân sự của Nga trong khoảng thời gian từ giữa tháng 1 đến tháng 2, theo Financial Times.
Lực lượng tình báo quốc phòng của Ukraine cũng nêu lên những cảnh báo tương tự.
Cùng ngày 14/1, Ukraine cho biết nước này đã là mục tiêu của “một cuộc tấn công mạng diện rộng”. 70 trang web của chính phủ đã ngừng hoạt động, bao gồm website của một số bộ, ngân hàng nhà nước, nền tảng dịch vụ công.
“Hỡi người dân Ukraine, mọi dữ liệu cá nhân của bạn đã bị đăng tải lên trên mạng công khai”, một tin nhắn do hacker đăng trên website ngoại trưởng Ukraine viết. “Mọi thông tin của bạn đã được công khai, hãy chờ đợi kết quả xấu nhất”.
Trung tâm Truyền thông Chiến lược Ukraine cáo buộc Nga đứng sau cuộc tấn công mạng nói trên nhưng vẫn lưu ý rằng các điều tra viên chưa chính thức đưa ra kết luận cuối cùng.
Đợt tấn công mạng diễn ra sau các cuộc thương lượng căng thẳng giữa Nga và Mỹ, NATO cùng đồng minh phương Tây.