Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chiến lược bí ẩn của ông Putin trong vấn đề Ukraine

Thông điệp mâu thuẫn của Điện Kremlin trong vấn đề Ukraine khiến các quan chức phương Tây bối rối. Đây dường như là chiến lược của ông Putin để giành thắng lợi trong đàm phán.

cang thang Ukraine anh 1

Tổng thống Nga Vladimir V. Putin đã dành nhiều tháng để điều động khoảng 100.000 quân đến gần biên giới với Ukraine. Nhưng Điện Kremlin nói rằng họ không có ý định tiến hành bất cứ cuộc tấn công nào.

Động thái tiếp theo của Nga là gì? Theo New York Times, không ai có thể đoán trước được, ngoại trừ ông Putin, và đó có thể là một chiến lược của Moscow.

Tuần này, bức màn bí ẩn xung quanh ý định của tổng thống Nga ngày càng dày thêm, sau khi nhà ngoại giao nước này liên tục đưa ra một loạt thông điệp trái ngược nhau chỉ trong vài ngày diễn ra cuộc đàm phán cấp cao về an ninh với Mỹ.

Cụ thể, ngay sau khi tuyên bố các cuộc đàm phán là "sâu sắc", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei A. Ryabkov đã cảnh báo việc phương Tây không đáp ứng các yêu cầu của nước này có thể khiến "an ninh của cả lục địa châu Âu" gặp nguy hiểm.

Những bình luận liên tục đổi chiều từ phía Nga thậm chí khiến các nghiên cứu, chuyên “giải mã” ông Putin phải “chao đảo".

“Từ góc độ là chuyên gia, điều duy nhất mà tôi có thể nói là: ‘Ai mà biết được (ý định của ông Putin)’”, Fyodor Lukyanov, nhà phân tích chính sách đối ngoại nổi tiếng của Nga, người đứng đầu một hội đồng tư vấn cho Điện Kremlin, nói.

cang thang Ukraine anh 2

Nga và Mỹ có cuộc hội đàm chính thức vào hôm 10/1 tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: Denis Balibouse.

Khó lường

Theo các nhà phân tích Nga cũng như giới chức Mỹ, ông Putin có khả năng sẽ không đưa ra một quyết định hay một tuyên bố cụ thể. Ông thích giữ phương Tây ở thế “bấp bênh".

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 13/1 cho biết đàm phán “đi vào ngõ cụt” và tuyên bố sẽ thực thi “các biện pháp cần thiết” nếu những đòi hỏi của Moscow không được đáp ứng.

Hai ngày trước đó, phát ngôn viên của ông Putin, Dmitri S. Peskov, nói với các phóng viên: “Hiện tại, chưa có gì chắc chắn để nói về bất cứ kết quả nào".

Chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh" mà ông Putin áp dụng trong những tháng gần đây cho thấy khả năng tận dụng tình hình căng thẳng và tính chất không thể đoán trước để tìm kiếm lợi ích của nhà lãnh đạo Nga.

Bên cạnh nền kinh tế trì trệ, Nga đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ các tình huống biến động ở ít nhất 4 khu vực biên giới, giáp Belarus, Kazakhstan, Ukraine và Nam Caucasus.

Trong nhiều năm, ông Putin đã lo lắng về sự mở rộng của NATO ở phía đông và sự ủng hộ của Mỹ trước phong trào thân phương Tây lên cao. Bằng cách tạo ra một cuộc khủng hoảng an ninh mới, có nguy cơ làm phức tạp chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden, ông Putin đã thành công trong việc đưa vấn đề này lên bàn đàm phán với Washington.

“Lần đầu tiên sau 30 năm, Mỹ đã đồng ý thảo luận những vấn đề mà cách đây một năm không thể thảo luận được”, Tatiana Stanovaya, người sáng lập công ty phân tích chính trị R.Politik, cho biết.

New York Times đánh giá ông Putin đang theo đuổi một chiến lược của riêng mình: Đưa ra nhiều động thái trong “cuộc chơi chính trị" với các hướng khác nhau, khiến cho người ta phải suy đoán. Điều này cho phép ông ấy lựa chọn chiến thuật phù hợp nhất khi các sự kiện tiến triển.

“Ông Putin cho rằng người Mỹ sẽ chỉ chú ý đến những mối nguy hiểm cụ thể, tức thời", Dmitri Trenin, Giám đốc trung tâm Carnegie Moscow, nói. "Vì vậy, ông ấy đã sử dụng công cụ là sự căng thẳng và mối đe dọa mang tính không thể đoán trước”.

cang thang Ukraine anh 3

Hình ảnh vệ tinh cho thấy một căn cứ quân sự của Nga ở Yelnya vào tháng 11/2021. Ảnh: Maxar.

Một số nhà phân tích nhận định ngay cả những người trong nội bộ của Tổng thống Putin có khả năng cũng không biết nhà lãnh đạo Điện Kremlin đang dự tính như thế nào, bao gồm cả ông Ryabkov - người dẫn đầu phái đoàn Nga tại cuộc đàm phán Geneva (Thụy Sĩ) tuần này. Họ cũng không biết ông Putin sẽ muốn Mỹ nhượng bộ đến mức độ nào trước khi xoa dịu cuộc khủng hoảng.

Mâu thuẫn trong thông điệp

Trong cuộc đàm phán hôm 10/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov từng nói với các phóng viên rằng ông không đưa ra tối hậu thư, nhưng lại nhấn mạnh “điều bắt buộc" là Mỹ cần đảm bảo Ukraine không bao giờ gia nhập NATO. Ông cho biết Nga không áp đặt thời gian cụ thể, nhưng nước này cần phương Tây đưa ra "phản ứng nhanh" trước các yêu cầu của mình.

Và trong khi ông Ryabkov nói rằng "không có lý do gì để lo sợ về một kịch bản leo thang" ở Ukraine, ông cũng cảnh báo phương Tây vẫn chưa hiểu được mức độ nguy hiểm nếu từ chối các yêu cầu của Moscow.

Thông điệp mâu thuẫn tiếp tục được đưa ra từ phía Nga vào hôm 11/1, khi người phát ngôn Điện Kremlin, ông Peskov, phản bác lại những đánh giá tích cực mà ông Ryabkov đưa ra về cuộc đàm phán Nga - Mỹ một ngày trước đó.

“Hiện tại, chúng tôi không thấy bất kỳ lý do chính đáng nào cho sự lạc quan”, ông nói trong cuộc họp báo.

Vấn đề trong chiến lược mơ hồ của ông Putin là đôi khi nó khiến các nhà ngoại giao Nga gặp khó trong việc duy trì một thông điệp xuyên suốt, mạch lạc.

Thậm chí, các nhà phân tích lưu ý rằng ông Ryabkov, từ khía cạnh ngoại giao, rất có thể không biết Điện Kremlin đang cân nhắc những lựa chọn quân sự nào.

Môi trường khép kín mà ông Putin cố gắng thiết lập xung quanh mình để hạn chế sự lây nhiễm của Covid-19 khiến những người thân tín nhất với ông cũng buộc phải trải qua nhiều ngày cách ly, trước khi được phép vào cùng phòng thảo luận. Điều này càng làm giảm kết nối của nhà lãnh đạo Nga với thế giới bên ngoài.

“Không ai biết chắc chắn 100% liệu ông Putin có sẵn sàng cho chiến tranh hay không”, bà Stanovaya nói.

cang thang Ukraine anh 4

Ông Putin cùng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei K. Shoigu tại Moscow. Ảnh: Mikhail Metzel.

Trong khi ông Ryabkov và các quan chức Nga khác phủ nhận việc nước này có kế hoạch xâm lược Ukraine, thì phát ngôn của ông Putin tại hai cuộc họp báo hồi tháng 12/2021 dường như không có ý như vậy.

Thay vào đó, ông đã cảnh báo về một "phản ứng kỹ thuật quân sự" không xác định nếu Nga không đạt được những gì họ muốn.

“Chúng tôi cần những cam kết mang tính ràng buộc pháp lý và lâu dài” nhằm giảm bớt sự hiện diện của NATO ở Đông Âu, ông Putin nói vào tháng 12/2021.

Tuy nhiên, trong khi ông Putin có thể đã thành công trong việc khiến Mỹ đồng ý đối thoại, bà Stanovaya và những người khác cảnh báo rằng tại thời điểm này, chỉ riêng các cuộc đàm phán là không đủ đối với nhà lãnh đạo Nga. Cuộc đàm phán hôm 10/1 đã đi vào bế tắc khi hai bên không thể thương lượng về tham vọng mở rộng của NATO.

Dù vậy, ông Lukyanov cho biết thực tế là các cuộc đàm phán không “sụp đổ” ngay lập tức. Điều đó có nghĩa cả hai bên có thể nhìn thấy một số con đường - mà người ngoài cuộc chưa thấy - để đạt được một kết quả khả thi.

Về những gì Nga sẽ làm tiếp theo, ông Lukyanov nói rằng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ông Putin, vị lãnh đạo có quyền lực tối cao trong việc ra quyết định chính sách đối ngoại ở Nga.

Ông Lukyanov nhấn mạnh không có cá nhân nào có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ông Putin.

“Ông Putin nhận được nhiều nguồn thông tin khác nhau”, ông Lukyanov nói. "Nhưng những người cung cấp nó không tạo ra ảnh hưởng gì và họ cũng không biết mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào".

Khủng hoảng Kazakhstan cho thấy Trung Quốc vẫn 'đến sau' tại Trung Á

Bất chấp những nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại Trung Á của Trung Quốc, cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan cho thấy Nga vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo khu vực này.

Mỹ và Nga đàm phán bế tắc

Nga và Mỹ gặp bế tắc trong cuộc đàm phán hôm 10/1 về tham vọng mở rộng của NATO, giữa lúc căng thẳng tăng cao và phương Tây cáo buộc Điện Kremlin lên kế hoạch xâm lược Ukraine.

Minh An

Bạn có thể quan tâm