Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Khủng hoảng Kazakhstan cho thấy Trung Quốc vẫn 'đến sau' tại Trung Á

Bất chấp những nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại Trung Á của Trung Quốc, cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan cho thấy Nga vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo khu vực này.

Khung hoang Kazakhstan anh 1

Trong nhiều năm, Nga và Trung Quốc đã có sự “phân công ngầm” ở khu vực Trung Á - nơi cả hai đều coi là “sân sau” chiến lược. Moscow giám sát an ninh trong khi Bắc Kinh giúp phát triển kinh tế khu vực.

Thế nhưng, bất chấp sức mạnh quân sự ngày càng tăng cùng những nỗ lực ghi dấu ấn của Trung Quốc tại khu vực, cuộc bạo loạn ở Kazakhstan - nền kinh tế lớn nhất Trung Á - gần đây tái khẳng định vị thế an ninh hàng đầu, không thể bàn cãi của Moscow.

Nga đã điều hàng nghìn binh sĩ tới Kazakhstan trong vòng vài giờ theo yêu cầu của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev vào ngày 5/1. Trong khi đó, chỉ đến hôm 10/1, Trung Quốc mới đề nghị hỗ trợ an ninh, trong một cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và nhà ngoại giao hàng đầu của Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi. Tại thời điểm này, cuộc khủng hoảng bước đầu đã qua đi và tình hình dần được kiểm soát.

Đến ngày 11/1, tổng thống Kazakhstan thông báo các binh sĩ trong lực lượng Nga sẽ bắt đầu rút trong vòng 2 ngày tới.

Khung hoang Kazakhstan anh 2

Quang cảnh tòa thị chính vào hôm 10/1, sau các cuộc bạo loạn vào tuần trước tại quảng trường trung tâm ở Almaty, Kazakhstan. Ảnh: AP.

Trung Quốc “lu mờ” trước Nga tại Trung Á

Trung Quốc đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào lĩnh vực dầu khí và khoáng sản tại Kazakhstan, cũng như phần còn lại của Trung Á trong thập niên qua.

Khu vực này rất quan trọng đối với tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh: Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” lần đầu tiên được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra ý tưởng trong chuyến thăm tới Kazakhstan năm 2013.

Trong tất cả nhà lãnh đạo Trung Á, ông Tokayev cũng có lịch sử quan hệ cá nhân thân thiết nhất với Trung Quốc: Ông biết nói tiếng Quan Thoại, và bắt đầu sự nghiệp chính trị với tư cách là nhà ngoại giao Liên Xô tại Bắc Kinh.

Bất chấp những điều này, ưu thế của Nga tại khu vực không thay đổi. Wall Street Journal đánh giá Trung Quốc không có khả năng quân sự hoặc tình báo để bảo vệ các đồng minh trong khu vực vào thời điểm họ cần.

“Trung Quốc thiếu các loại công cụ mà Nga sở hữu. Họ không các binh sĩ nhảy dù - những người sẵn sàng bay tới giúp đỡ và nói ngôn ngữ mà người dân địa phương có thể hiểu”, Alexander Gabuev, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Carnegie Moscow, cho biết.

Thậm chí, ông cho rằng an nguy các khoản đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh vào khu vực ngày càng phụ thuộc vào sự bảo vệ của Nga, điển hình như trong cuộc bạo loạn vừa qua tại Kazakhstan.

Tuy nhiên, việc Nga triển khai quân đội một cách công khai đến Kazakhstan có thể thúc đẩy Trung Quốc cạnh tranh với Nga trong các vấn đề an ninh khu vực những năm tới, Dean Cheng, chuyên gia về Trung Quốc tại Tổ chức Heritage Foundation cho biết.

“Trung Quốc chắc chắn sẽ phải bắt đầu đánh giá lại sự mong manh trong các khoản đầu tư kinh tế của họ”, ông nói. “Trước đây, họ nắm giữ con bài kinh tế và có thể khiến chính quyền địa phương ủng hộ họ. Bây giờ, họ phải nghĩ thêm về vấn đề an ninh, yếu tố có thể ảnh hưởng đến điều đó”.

Khung hoang Kazakhstan anh 3

Các phương tiện quân sự xếp hàng dài trước khi được đưa lên máy bay vận tải đến Kazakhstan. Ảnh: AP.

Hỗ trợ an ninh của Bắc Kinh cho Kazakhstan và các quốc gia Trung Á khác có thể chỉ giới hạn trong các lĩnh vực mà Trung Quốc vượt trội trên sân nhà, chẳng hạn như công nghệ giám sát, hệ thống nhận dạng khuôn mặt và thiết bị kiểm soát thông tin liên lạc có thể dập tắt các cuộc biểu tình trong tương lai.

“Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Kazakhstan để tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh, tăng cường hợp tác song phương chống lại sự can thiệp từ bên ngoài", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết hôm 10/1.

Các nhà chức trách Kazakhstan chưa đưa ra bình luận. Nếu được thực hiện, lời đề nghị này có thể đưa quân của cả Nga và Trung Quốc vào một quốc gia mà cả hai đều đang tranh giành ảnh hưởng.

Nga vẫn là ưu tiên hàng đầu

Bắc Kinh phần lớn đã đứng sang một bên khi Moscow nỗ lực duy trì vai trò lịch sử của mình với tư cách là cường quốc chính trị, có ảnh hưởng lớn đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trong khu vực. Ngược lại, Nga chấp nhận ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc thông qua các khoản đầu tư vào thương mại và cơ sở hạ tầng.

Ở một mức độ nào đó, Nga và Trung Quốc đang có cùng mong muốn chung là hạn chế ảnh hưởng của phương Tây tại khu vực này.

Nhưng các nhà phân tích chính trị coi Trung Á là một khu vực mà các lợi ích có thể xung đột khi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục mở rộng, với việc Bắc Kinh ngày càng quan tâm đến an ninh ở nước này. Trước đây, họ đã nêu ý tưởng thành lập các công ty an ninh tư nhân để bảo vệ tài sản của Trung Quốc ở Kazakhstan, một động thái có thể khiến Điện Kremlin "phật lòng".

Từ khi Liên Xô tan rã, Moscow luôn đưa ra những sáng kiến để "giữ" Trung Á trong tầm ảnh hưởng của mình như việc thành lập Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - liên minh quân sự do Nga dẫn đầu, gồm Kazakhstan, Belarus, Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Hôm 5/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã kêu gọi tổ chức này hỗ trợ chống lại "các nhóm khủng bố được đào tạo chuyên nghiệp ở nước ngoài" trong bạo loạn.

Trong thông điệp gửi tới nhà lãnh đạo Kazakhstan sau đó, ông Uông bày tỏ Trung Quốc ủng hộ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đảm nhận vai trò giải quyết khủng hoảng hiện nay ở Kazakhstan.

SCO bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Pakistan và 4 nước Trung Á. Mặc dù không có khuôn khổ thể chế, quân sự như CSTO, các thành viên của tổ chức vẫn trao đổi thông tin tình báo và thực hiện huấn luyện chống khủng bố chung.

Khung hoang Kazakhstan anh 4

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã kêu gọi CSTO hỗ trợ giải quyết bạo loạn. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy Nga vẫn chứng tỏ là ưu tiên hàng đầu của quốc gia Trung Á khi cuộc khủng hoảng diễn ra.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nỗ lực triển khai cảnh sát vũ trang tới các vùng hẻo lánh của Tajikistan, nơi nối liền Afghanistan với khu vực phía tây Tân Cương, và tăng cường cung cấp vũ khí cho một số quốc gia Trung Á.

Thế nhưng, Nga có sự hiện diện quân sự lớn hơn nhiều ở khu vực Trung Á như tại Tajikistan, đặc biệt là kể từ khi Taliban tiếp quản Kabul vào tháng 8 năm ngoái. Nước này cũng duy trì quân đội ở Kyrgyzstan.

Mặc dù tất cả quốc gia Trung Á, ở các mức độ khác nhau, đều cảnh giác với Nga - cường quốc từng chiếm đóng phần lớn khu vực này vào cuối thế kỷ XIX - sự nghi ngờ với Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn.

Cho đến nay, không có chính quyền Trung Á nào công khai chỉ trích Bắc Kinh vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền nhưng đây vẫn là một vấn đề gây chấn động dư luận, đặc biệt là ở Kazakhstan.

George Voloshin, một nhà phân tích sinh tại công ty tư vấn Aperio Intelligence, cho biết những lo ngại này có thể sẽ hạn chế mức độ hợp tác an ninh công khai giữa Kazakhstan và Trung Quốc trong tương lai.

“Trung Quốc có một hình ảnh gây tranh cãi ở Kazakhstan. Với Nga, họ có một quá khứ khó khăn cùng chủ nghĩa dân tộc đã hiện hữu trong hơn 30 năm qua, nhưng nhìn chung thái độ đối với Nga vẫn tích cực hơn ”, ông Voloshin nói.

Trên thực tế, quyền lực mềm của Nga ở Trung Á vẫn khá phổ biến nhờ mối quan hệ lịch sử và những lợi thế về ngôn ngữ.

“Mọi người có thể đoán được Nga muốn gì. Khi nói đến Trung Quốc, người dân có nỗi sợ hãi lớn hơn nhiều”, ông cho biết thêm.

Cơ hội lớn của Tổng thống Putin

Cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan có thể gây rối loạn khu vực nhưng cũng là thời cơ để Tổng thống Vladimir Putin tái khẳng định sức mạnh và ảnh hưởng của Nga.

Kazakhstan chìm trong biểu tình, các ngân hàng dừng hoạt động

Ngân hàng Trung ương Kazakhstan ngày 6/1 yêu cầu các ngân hàng trong nước và sàn giao dịch chứng khoán dừng hoạt động giữa lúc chiến dịch ổn định tình hình được triển khai.

Minh An

Theo Wall Street Journal

Bạn có thể quan tâm