Hôm 2/9, bộ trưởng Tài chính các nước G7 đã nhất trí về kế hoạch xây dựng mức giá trần với dầu mỏ Nga, cho rằng điều này sẽ “xây dựng và khuếch đại phạm vi của các biện pháp trừng phạt hiện có".
Các quan chức nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi ban hành giới hạn giá dầu. Ngoài ra, việc áp mức giá trần có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào những thị trường nhập khẩu dầu của Nga như Ấn Độ hay Trung Quốc.
Cho đến nay, chưa có quốc gia nào ngỏ ý tham gia sáng kiến của G7, và Moscow đã cảnh báo sẽ trả đũa bất kỳ nước nào tham gia bằng cách giữ lại các lô hàng dầu xuất khẩu.
Kế hoạch của G7
Các nước G7 đã nhất trí hoàn tất “lệnh cấm toàn diện” nhắm vào các dịch vụ giúp vận chuyển sản phẩm dầu mỏ và dầu thô của Nga bằng đường biển.
Những dịch vụ này, bao gồm bảo hiểm vận tải biển, chỉ được cho phép nếu dầu từ Nga được bán với giá bằng hoặc thấp hơn mức được quy định bởi “liên minh các quốc gia”. Ý tưởng này được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ủng hộ mạnh mẽ.
Việc áp giá trần có mục đích buộc Nga phải chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường không áp lệnh cấm dầu mỏ Nga, bao gồm nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Với phương Tây, điều này sẽ làm giảm áp lực giá dầu tăng mạnh, đồng thời khiến Nga hạn chế về nguồn thu.
Lãnh đạo các nước G7 gặp nhau hồi tháng 5. Ảnh: Reuters. |
Những nhà nhập khẩu muốn có bảo hiểm từ G7 hay Liên minh châu Âu (EU) hoặc muốn dùng các dịch vụ vận chuyển giúp sức cho dầu Nga sẽ phải tuân thủ mức giá trần.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết kế hoạch này sẽ liên quan đến việc thiết lập một mức giá trần với dầu thô và hai mức giá trần đối với dầu tinh chế.
Ảnh hưởng lên các lệnh trừng phạt hiện có
Việc đặt ra mức giá trần không thay thế những lệnh cấm vận của các nước G7 đối với dầu nhập từ Nga, mà nó sẽ có hiệu lực song hành. Động thái mới nhất về việc áp giá trần sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 với dầu thô và ngày 5/2/2023 với sản phẩm tinh chế.
Quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài sẽ ra hướng dẫn áp dụng giá trần với dầu Nga tại thị trường Mỹ, dù giá cụ thể sẽ không được công bố cho đến gần ngày quy định có hiệu lực.
Mục tiêu của Washington là để nhiều quốc gia ngoài G7 đồng ý cùng tham gia áp giá trần dầu mỏ. Dù vậy, các quan chức nhấn mạnh kể cả khi các chính phủ khác không thống nhất về mức giá chung, các nước vẫn sẽ yêu cầu Moscow hạ giá bán, khi các nước G7 mua dầu với giá thấp.
“Khi nói chuyện với các nước khác, họ nói với tôi rằng Nga đang ráo riết tìm cách chốt những hợp đồng dài hạn với giá thấp vào lúc này”, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói.
Trong khi đó, nếu EU muốn áp mức giá trần, các thành viên phải đồng ý điều chỉnh gói trừng phạt thứ 6 có bao gồm lệnh cấm dầu thô Nga. EU cũng sẽ phải sửa đổi lệnh cấm đối với các dịch vụ bảo hiểm.
Điều gì đang xảy ra với xuất khẩu dầu từ Nga?
Xuất khẩu dầu của Nga đã giảm khoảng một triệu thùng/ngày kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo sản lượng dầu từ Nga có thể giảm 3 triệu thùng/ngày. Nhưng hiện tại, sản lượng của Moscow vẫn ổn định nhờ thị trường Ấn Độ.
Trước khi xung đột Ukraine nổ ra, Ấn Độ hầu như không nhập dầu của Nga. Nhưng kể từ tháng 7, New Delhi đã nhập khoảng một triệu thùng/ngày khi Moscow giảm giá dầu thô.
Việc Nga duy trì khả năng xuất khẩu đã khiến giá dầu thế giới giảm từ 120 USD/thùng trong tháng 6 xuống còn 95 USD/thùng, ngang với mức giá trước khi có chiến sự.
Nga hiện sản xuất hơn 10% nguồn cung dầu toàn cầu, do đó các quan chức Mỹ và châu Âu lo ngại việc tiếp tục trừng phạt dầu mỏ từ Moscow có thể khiến giá dầu thế giới tăng trở lại.
Rủi ro từ áp giá trần
Trước mức giá trần, Nga có thể quyết định xuất khẩu ít dầu hơn.
Dù sản lượng xuất khẩu khí đốt Nga giảm, doanh thu từ mặt hàng này vẫn tăng theo đà tăng của giá khí đốt. Do vậy, Moscow có thể áp dụng cách thức tương tự với dầu mỏ: Giảm sản lượng, nhưng vẫn kiếm về được doanh thu lớn nhờ giá tăng.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ tin rằng việc giảm sản lượng dầu sẽ kìm hãm năng lực sản xuất của Nga. Đóng cửa các nhà máy dầu có thể gây hại đến hồ chứa.
Giá dầu đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian qua, sau khi liên tục phá kỷ lục. Ảnh: Bloomberg. |
Khi Liên Xô tan rã, sản lượng dầu của Nga đã giảm từ 10 triệu thùng/ngày xuống còn 6 triệu thùng/ngày, và phải mất hơn 20 năm để Moscow khôi phục lại mức như cũ.
Việc xuất khẩu của Nga cũng sẽ gặp thách thức nếu họ không tìm được đủ tàu chở dầu sẵn sàng vận chuyển mà không cần bảo hiểm từ phương Tây. Các nước G7 đang nắm trong tay hơn 90% dịch vụ bảo hiểm vận tải biển toàn cầu, trong khi việc Nga xuất khẩu khoảng 8 triệu thùng dầu/ngày sẽ đòi hỏi lượng lớn tàu thuyền.
Lập trường từ bên bảo hiểm
Việc cho phép cung cấp bảo hiểm cho một lô hàng dưới mức giá trần đồng nghĩa với việc lệnh trừng phạt này không phải biện pháp cấm hoàn toàn dịch vụ bảo hiểm mà Anh và EU từng nhất trí hồi tháng 5.
Tuy vậy, với việc G7 nhất trí áp mức giá trần, phạm vi tác động sẽ được mở rộng và bao trùm phần lớn thị trường bảo hiểm vận chuyển, khiến việc lách lệnh cấm sẽ khó khăn hơn.
Dù vậy, giới lãnh đạo ngành bảo hiểm vẫn lo ngại về việc kết hợp cùng lúc hai biện pháp áp mức giá trần và cấm bảo hiểm. Họ lo mình có thể bị động khi áp dụng bảo hiểm lên các lô hàng có giá vượt mức trần.
Một nhân viên cấp cao thuộc công ty bảo hiểm Lloyd's ở London nói các bên cần hiểu rằng phía công ty bảo hiểm không thông thạo giá mua bán dầu.
"Lúc này nếu tự dưng yêu cầu bên bảo hiểm phải nhúng tay vào để có được thông tin ấy, người ta sẽ đơn giản là không cung cấp bảo hiểm vì họ sẽ quá lo ngại", người nhân viên này nói. Thay vào đó, công ty bảo hiểm sẽ yêu cầu các bên chuyên mua bán dầu đưa ra cam kết tuân thủ mức giá trần, người này nói.