[…] Tôi nhận ra hầu hết mọi người đều có thể phân loại thành bốn nhóm. Nhóm đầu tiên là những người làm việc tốt nhất khi họ làm việc cho chính mình - hay nói cách khác, khi họ sở hữu và điều hành công việc kinh doanh riêng.
Những người này không muốn làm thuê cho bất kỳ ai. Họ khao khát độc lập. Họ không hề quan tâm đến sự ổn định mà các công việc hưởng lương mang lại. Họ muốn tạo lập sự an toàn cho riêng mình và tự tay gây dựng tương lai. Nói ngắn gọn, họ muốn là ông chủ của chính mình và sẵn lòng chấp nhận những trách nhiệm và rủi ro đi kèm.
Nhóm tiếp theo là những người không muốn một mình dấn thân vào thương trường nhưng lại gặt hái được nhiều thành tích nhất, đôi khi là những kết quả phi thường khi làm thuê cho người khác và được chia sẻ lợi nhuận. Nhóm này lại chia thành nhiều tập hợp con khác nhau. Từ những người bán hàng đẳng cấp thích ăn chia theo hoa hồng - có thu nhập tỷ lệ thuận với doanh thu họ tạo ra, không có mức sàn hay mức trần, cho tới những giám đốc giỏi giang nhất trong kinh doanh.
Nhóm thứ ba là những người chỉ muốn nhận lương mỗi tháng và không muốn phải mạo hiểm. Họ làm việc tốt nhất khi làm thuê cho người khác cùng mức lương ổn định. Những người thuộc nhóm này là những nhân viên giỏi, tận tâm và đáng tin cậy. Họ trung thành với ông chủ, hài lòng với mức lương cố định và hy vọng định kỳ được tăng lương. Họ không có sự độc lập, mạnh dạn, tự tin và động lực như những cá nhân nằm trong hai nhóm đầu.
Cuối cùng là nhóm làm việc cho người khác nhưng có thái độ với ông chủ như thái độ của nhân viên bưu cục đối với Bưu cục. Tôi không hề có ý gièm pha các nhân viên bưu cục, những người luôn làm việc tốt và chăm chỉ. Chỉ có điều, họ không được thúc đẩy bởi bất kỳ nhu cầu hay khao khát nào để tạo ra lợi nhuận cho ông chủ của mình.
Việc ngành bưu điện thua lỗ đã gần như trở thành truyền thống và chính phủ liên bang phải thường xuyên can thiệp để hỗ trợ. Tôi ngờ rằng không có nổi 1/10 nhân viên bưu cục quan tâm đến việc Bưu cục có lợi nhuận hay đang bị thâm hụt ngân sách. Nhưng rõ ràng, thái độ ấy có thể giết chết bất kỳ doanh nghiệp nào trên thị trường.
Tuy vậy, hiện nay, có quá nhiều người nắm giữ hoặc muốn nắm giữ vị trí quản lý trong công ty nhưng mang thái độ giống hệt những nhân viên bưu cục. Họ không thực sự quan tâm tới việc công ty có lời hay thua lỗ, miễn là tiền lương của họ được chi trả đúng hạn. Tôi đã gặp vô số trường hợp như vậy - trong đó có cả những người tốt nghiệp các trường quản trị kinh doanh hàng đầu. Không thể tin nổi là họ thậm chí còn không thể đọc được bảng cân đối kế toán và cũng không thể đưa ra một định nghĩa đúng về khái niệm “lợi nhuận”.
Dù những người này mang chức vụ cao cấp thế nào, họ cũng không hơn gì những nhân viên bưu cục. Họ cảm thấy rất ít hoặc gần như không có trách nhiệm với chủ doanh nghiệp hoặc các cổ đông. Họ chỉ quan tâm đến nhu cầu cá nhân. Nhìn bề ngoài, một số người có vẻ sở hữu những bằng cấp quan trọng về quản lý. Hiển nhiên, họ thông minh và có kinh nghiệm.
Nhưng thậm chí một người không có IQ 180 vẫn có thể trở thành một doanh nhân hay giám đốc giỏi. Và như Roger Falk đã chỉ ra trong cuốn sách tuyệt hay của mình, The Business of Management (tạm dịch: Nghề quản lý), nhiều người đáng lẽ ra phải có 10 năm kinh nghiệm nhưng thật ra lại chỉ có một năm kinh nghiệm lặp lại 10 lần.
Rất nhiều nhân viên bưu cục dành hàng năm trời, thậm chí là hàng thập kỷ cố gắng đạt đến nấc thang sự nghiệp cao nhất để rồi tự hỏi vì sao họ thất bại. Họ không thể hiểu vì sao họ không được giao những công việc quan trọng nhất hoặc không thể trở nên giàu có. Lý do thất bại ư? Thực ra đều nằm ở tư tưởng của họ mà thôi.
Tỷ phú J. P. Getty. Nguồn: everand. |
Dù có thích hay không, luôn tồn tại một thứ được gọi là “tinh thần triệu phú”. Tư tưởng này giúp một cá nhân tiến xa hơn trên con đường dẫn tới thành công, dù là khi khởi nghiệp kinh doanh hay làm việc cho người khác.
Nói ngắn gọn, “tinh thần triệu phú” vượt trên ý thức về giá cả và lợi nhuận. Người ta thường tìm thấy nó ở những người thuộc hai nhóm đầu tôi nhắc tới trước đó, nhưng lại hiếm khi xuất hiện ở nhóm thứ ba. Nhóm thứ ba thường chỉ muốn làm nhân viên cấp thấp hoặc cấp trung trong một tổ chức kinh doanh.
“Tinh thần triệu phú” gần như không xuất hiện ở nhóm thứ tư. Thật không may, những người này thường bị ảo tưởng nặng nề về giá trị của bản thân - họ là những người làm ít nhất và đòi hỏi nhiều nhất. Họ xem công ty mà mình làm việc giống như một kho hàng vô tận, nơi chất đầy những món hàng béo bở có thể thoải mái tận dụng, hơn là một nơi mà họ mắc nợ sự trung thành và cố gắng xây dựng nó lớn mạnh hơn.
Từng có nhiều lần để cố gắng ngụy biện cho sự thất bại của nhóm này, tôi thường viện lý do họ không có được những lợi thế mà tôi có trong cuộc sống, rằng họ không được học hành đầy đủ như tôi, chưa được đi đây đi đó nhiều như tôi cũng như chưa có nhiều kinh nghiệm thương trường như tôi. Sau đó, tôi dần nghiệm ra rằng nếu gắn các quyền lợi cá nhân của họ vào công việc, những người mù mờ này sẽ trở nên tinh tường, nhạy bén như những nhà tài phiệt thành công nhất. […]
Gần đây, tôi bắt gặp thái độ rất quen thuộc từ một vị giám đốc điều hành trẻ, người phàn nàn một cách đầy cay đắng rằng ngân sách của bộ phận anh ta bị cắt giảm 20.000 đôla.
“Việc cắt giảm có hạ thấp hiệu quả của bộ phận anh hay giới hạn các hoạt động vận hành không?”, tôi hỏi.
“Không, tôi đoán là không”, anh ta đáp lại sau một thoáng suy nghĩ.
“Vậy tại sao anh lại phàn nàn?”, tôi thắc mắc.
“Chúng tôi đã có thể tìm thấy thứ gì đó để đầu tư!” là câu trả lời của vị giám đốc điều hành này.
“Anh phải nghĩ lớn và tiêu tiền để làm ra tiền!”.
Tôi rất vui vì người đàn ông này không nằm trong đội ngũ nhân viên của tôi. Nếu không, tôi hẳn đã dừng cuộc nói chuyện và sa thải anh ta ngay lập tức.
Tôi đã nghe người ta bàn tán về quan niệm “Anh phải nghĩ lớn và tiêu tiền để làm ra tiền” rất nhiều lần từ hồi mới bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Tôi cho rằng không một quan niệm kinh doanh nào lại bị hiểu sai đến thế. Tôi đồng ý rằng bất kỳ ai khao khát thành công và giàu có từ việc kinh doanh đều phải có óc tưởng tượng và tầm nhìn xa. Họ cũng phải sẵn sàng đầu tư - và chấp nhận rủi ro - về tiền bạc, nhưng chỉ khi khoản chi tiêu đó hợp lý và rủi ro được tính toán sao cho món tiền bỏ ra là xứng đáng.
Theo tôi, đối với một người có tinh thần triệu phú thì nghĩ nhỏ quan trọng hơn là nghĩ lớn - tức là người đó để ý đến những chi tiết nhỏ nhất và không bỏ lỡ một cơ hội cắt giảm chi phí nào trong doanh nghiệp của anh ta hoặc của ông chủ anh ta.