Tỷ phú J. P. Getty, năm 1964. Nguồn: stentnecko. |
Những người trẻ muốn làm ra 1 triệu đôla ngày nay có nhiều lĩnh vực kinh doanh để lựa chọn theo đuổi trong sự nghiệp. Một cá nhân thường sẽ định hướng nghề nghiệp dựa trên sở trường đặc biệt của bản thân, các mối quan tâm, bối cảnh gia đình, kinh nghiệm và quá trình đào tạo mà họ trải qua.
Một nhà sản xuất nhạy bén sẽ nhận ra nhu cầu ngày càng lớn về những sản phẩm mới và được cải tiến. Người có năng khiếu buôn bán sẽ nhìn thấy tiềm năng trong việc kinh doanh bán sỉ hoặc bán lẻ. Những người khác thì nhận ra họ có thể kiếm được cả gia tài từ việc cung cấp những dịch vụ mới và tốt hơn cho công chúng.
Nói một cách đơn giản và ngắn gọn: Người nào nghĩ ra được phương thức kinh doanh hoặc sản xuất bất kỳ thứ gì có thể giúp người khác làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí hơn sẽ nắm được cả tương lai và gia tài trong tay.
Đừng hiểu nhầm ý tôi. Việc xây dựng doanh nghiệp và kiếm được 1 triệu đôla không hề đơn giản. Nó đòi hỏi sự nỗ lực chăm chỉ - cực kỳ chăm chỉ. Đã là ông chủ thì bạn khó có thể làm việc từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều và chỉ đi làm năm ngày một tuần.
“Tôi đã nghiên cứu về cuộc đời của những người nổi tiếng,” cựu Tổng thống Harry S. Truman phát biểu, “và tôi nhận ra những người đạt đến đỉnh cao thành công là những người làm việc với năng lượng, lòng nhiệt thành và sự cần cù”. Không có công thức nào đảm bảo bạn sẽ đạt được thành công trong kinh doanh. Tuy nhiên, tôi tin rằng có một số nguyên tắc thiết yếu mà nếu chịu khó tuân thủ, cơ hội thành công của một doanh nhân sẽ tăng lên rất nhiều.
Những nguyên tắc này đã được tôi áp dụng xuyên suốt sự nghiệp của mình - và chúng cũng được những doanh nhân mà tôi quen biết làm theo. Những nguyên tắc này đã phát huy tác dụng với chúng tôi và chắc chắn cũng sẽ hiệu nghiệm với bạn.
1. Chỉ có một con đường duy nhất và gần như không có trường hợp ngoại lệ nào để kiếm được một số tiền lớn trong kinh doanh, đó chính là tự thành lập doanh nghiệp của riêng mình. Những người muốn dấn thân vào thương trường nên chọn lĩnh vực mà bản thân am hiểu. Tất nhiên, không ai có thể biết hết mọi thứ ngay từ đầu, nhưng chúng ta không nên bắt đầu khi chưa tích lũy được một nền tảng kiến thức vững chắc về ngành nghề dự định kinh doanh.
2. Doanh nhân không bao giờ được xa rời mục tiêu chính của doanh nghiệp: sản xuất những sản phẩm và cung cấp những dịch vụ tốt và đa dạng hơn cho nhiều người hơn ở mức giá thấp hơn.
3. Chi tiêu thận trọng vô cùng quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp. Doanh nhân cần tuân thủ kỷ luật chặt chẽ để thực hành tiết kiệm bất cứ nơi nào có thể, cả trong cuộc sống cá nhân lẫn kinh doanh. “Hãy kiếm tiền trước - rồi nghĩ tới việc tiêu tiền sau” là triết lý tuyệt vời nhất cho những ai muốn thành công.
4. Không bao giờ phớt lờ hoặc bỏ qua những cơ hội đầu tư chính đáng. Mặt khác, doanh nhân cũng luôn phải chế ngự những cám dỗ hoặc sự mù quáng để khởi động những chương trình mở rộng khi chưa tìm được lý do thích đáng và có kế hoạch kỹ càng. Tăng trưởng khiên cưỡng có thể giết chết mọi doanh nghiệp, dù lâu năm hay mới ra đời.
5. Doanh nhân phải tự điều hành công ty mà mình thành lập. Anh ta không thể kỳ vọng nhân viên sẽ tư duy hay hành động tốt như mình. Bởi nếu vậy, họ sẽ không còn là nhân viên của anh ta nữa. Khi “sếp sòng” ủy thác quyền hạn hay trách nhiệm, anh ta phải giám sát cấp dưới một cách cẩn thận và sâu sát.
6. Doanh nhân phải luôn nhạy bén trước các giải pháp mới để cải thiện sản phẩm và dịch vụ, cũng như tăng sản lượng và doanh số. Anh ta cũng nên biết cách lợi dụng những giai đoạn phát đạt để tìm ra hướng nâng cao công nghệ sản xuất và giảm thiểu chi phí. Bản chất con người thường ít để tâm đến vấn đề tiết kiệm khi kinh doanh đang phất lên.
Tuy nhiên, thực ra đó mới đúng là thời điểm để anh ta bình tĩnh xem xét hệ thống của mình một cách khách quan, nhờ đó tiết kiệm những chi phí quan trọng mà không phải hy sinh chất lượng hay hiệu suất làm việc. Nhiều doanh nhân thường chỉ đợi đến khi “mất mùa” mới làm những điều này. Kết quả là anh ta rơi vào trạng thái hoảng loạn và cắt giảm nhầm chi phí.
7. Một doanh nhân phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro - mất mát về vốn, danh tiếng và các khoản vay khi anh ta đánh giá những rủi ro là ngang bằng với thành công đạt được về sau. Nhưng đã vay thì phải trả đúng hạn. Mức xếp hạng tín nhiệm tồi tệ chắc chắn sẽ là dấu chấm hết cho sự nghiệp của anh ta.
8. Một doanh nhân phải biết khám phá những chân trời mới và những thị trường chưa có người khai thác hoặc khai thác chưa đúng mức. Như tôi vừa nói ở trên, gần như cả thế giới đều muốn mua sản phẩm và công nghệ sản xuất của Mỹ; vậy nên, các doanh nhân thời hiện đại nên chú tâm tới thị trường nước ngoài.
9. Sở hữu một sản phẩm hoặc dịch vụ tốt là cách nhanh chóng và hiệu quả nhất để xây dựng niềm tin của khách hàng và mở rộng quy mô. Uy tín luôn là điều đáng được trân trọng – và trong những trường hợp tiến thoái lưỡng nan, hãy đưa ra quyết định dựa trên quyền lợi của khách hàng. Nên duy trì một chính sách dịch vụ hào phóng. Công ty nào được khách hàng tin cậy sẽ gặp ít khó khăn hơn trong việc phủ kín danh sách đặt hàng và duy trì điều đó liên tục.
10. Dù người làm kinh doanh có kiếm được bao nhiêu triệu đôla đi chăng nữa, anh ta cũng luôn phải xem sự giàu có của mình như một phương tiện để cải thiện điều kiện sống ở khắp mọi nơi. Anh ta phải nhớ rằng mình có trách nhiệm với xã hội, nhân viên, các cổ đông – cũng như với công chúng. Bạn có muốn kiếm được 1 triệu đô-la không?
Hãy tin ở tôi, bạn có thể - nếu nhận ra những cơ hội và tiềm năng vô hạn quanh mình, đồng thời áp dụng những nguyên tắc này và làm việc chăm chỉ. Lời nhắc nhở mà tôi muốn dành cho những người trẻ tham vọng, đó là mọi cơ hội lấp lánh đều có thể trở thành mỏ vàng.