Trao đổi với Zing.vn, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - tác giả cuốn sách Bàn về Quốc hội, nhận định tinh thần bao trùm của Cách mạng Tháng Tám là “Độc lập, Tự do, Dân chủ”. Và bây giờ chúng ta vẫn đi theo tinh thần đó.
72 năm trước, ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên bố với thế giới về tinh thần độc lập tự do của Việt Nam.
Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Trước đó, mở đầu bản tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng. |
Tiếp đó Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là nói lên nền tảng tư tưởng của một nhà nước pháp quyền, coi trọng pháp quyền. Đó là một chính phủ xây dựng để bảo vệ quyền tự do của con người. Bởi tự do của con người là tạo hóa ban cho chứ không phải nhà nước ban cho.
"Xác lập một chính quyền của dân"
- Ngày 3/9/1945, một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Chính phủ lâm thời với 15 thành viên gồm 13 bộ trưởng, 2 ủy viên. Ông đánh giá thế nào về quy mô của chính phủ lâm thời này?
- Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ.
Chính phủ lâm thời rất nhỏ gọn gồm 13 bộ, 15 thành viên người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quy mô của chính phủ lâm thời cũng chính là hình ảnh của mô hình "nhà nước nhỏ, xã hội lớn".
Hàng vạn nhân dân thủ đô đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, Hà Nội ngày 5/1/1946. |
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ lâm thời và Chính phủ liên hiệp kháng chiến nhanh chóng chuẩn bị tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội.
Việc tổ chức bầu cử được sắp xếp từ 9/1945 và tới 6/1/1946, cuộc tổng tuyển cử diễn ra trên cả nước.
Tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại.
Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ.
Thông điệp về chính phủ liêm chính, kiến tạo
- 72 năm trước cũng như trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu vấn đề “Cần – Kiệm – Liêm – Chính”. Gần đây chúng ta nói nhiều về chính phủ “Liêm chính - Kiến tạo”. Vậy thế nào là chính phủ liêm chính, kiến tạo?
- Khái niệm phổ biến trên thế giới là nhà nước kiến tạo phát triển trong đó có chính phủ, chứ không hẳn chính phủ kiến tạo phát triển trong một nhà nước.
Khái niệm Nhà nước kiến tạo được đưa ra từ cuối thế kỷ XX. Trước hết, Nhà nước phải tạo ra được hệ thống khuyến khích để các nguồn lực của xã hội được tập trung đầu tư cho các mục tiêu phát triển.
Nhà nước cần tìm mọi cách để cung cấp các dịch vụ công chất lượng, giá rẻ cần thiết cho sự phát triển năng lực người dân và bảo đảm điều kiện cho việc làm ăn của các doanh nghiệp. Nhà nước phải biết tạo ra cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên và để thu hút được người tài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Quốc hội đầu tiên ra mắt cử tri tại Hà Nội, tháng 2/1946. Ảnh: Tư liệu. |
Chính phủ cách mạng lâm thời 1945 tiếp nối tư tưởng pháp quyền mà Tuyên ngôn độc lập đã nêu rõ, đó là coi trọng quyền của người dân. Hiến pháp năm 1946 đã nêu rõ việc “Đảm bảo các quyền tự do dân chủ” và "Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”.
Hiến pháp năm 2013 đã nêu lại nguyên tắc của Hiến pháp 1946. Trên nền tảng Hiến pháp 2013, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp chính sách đầy ấn tượng về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo.
Trong thời gian vừa qua, Thủ tướng đã có nhiều cố gắng định hướng hoạt động của Chính phủ nhằm kiến tạo phát triển cho đất nước. Thúc đẩy cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh; trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp; thúc đẩy chương trình xây dựng nhà ở xã hội.
- Mặc dù thông điệp về chính phủ kiến tạo đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên nhiều lần nhưng cũng chính người đứng đầu Chính phủ nói về thực trạng giấy phép con, giấy phép cháu. Thực trạng giấy phép con tràn lan có đối lập với tư tưởng chính phủ kiến tạo?
- Giữ bảo đảm quyền tự do và hạn chế quyền tự do là cuộc đấu tranh. Trong trường hợp này thì các giấy phép con là hạn chế quyền tự do của người dân. Ví dụ, giấy phép trong kinh doanh là hạn chế quyền kinh doanh, giấy phép trong đi lại là hạn chế quyền đi lại.
Hiến pháp 2013 quy định rất rõ “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế ở mức độ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”. Còn nếu có giấy phép con nào nêu lý do để “tăng cường quản lý” đều không nằm trong 4 điều kiện đó.
Hiến pháp 2013 đã nêu quyền con người chỉ có thể bị hạn chế bằng luật, các loại giấy phép do các bộ ban hành nếu trái luật thì không có hiệu lực. Vì vậy, để thực sự trở thành Chính phủ kiến tạo, cần loại bỏ những điều hạn chế quyền tự do của con người.
Sự hài lòng của người dân là thước đo công việc
- 72 năm trước, Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền thuộc về nhân dân, "của dân, do dân và vì dân". Nhưng ngày nay, người dân vẫn gặp những câu chuyện như gặp khó khi "xác nhận giấy chứng tử ở phường"... Ông có suy nghĩ gì về điều này?
- Việc người dân “bị hành” ở cấp phường, xã không còn là chuyện gì cá biệt. Đó là một thực tế khi anh có quyền sẽ nảy sinh ra tình trạng lạm quyền. Để giải quyết tình trạng này, cần tách bạch hành chính công vụ và chính trị.
Chính trị là Đảng, là Quốc hội, là Chính phủ. Dưới đó là các cơ quan quyền lực công và các cơ quan công vụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt các đại biểu Hội đồng nhân dân khóa đầu tiên của Hà Nội. Người nhắc nhở “Hội đồng nhân dân phải hết sức gần gũi, quan tâm đến đời sống của nhân dân, thực hành Cần – Kiệm – Liêm – Chính, luôn nghĩ mình là đầy tớ của nhân dân và ra sức phục vụ nhân dân”, Hà Nội ngày 4/1/1958. Ảnh: Tư liệu. |
Các cơ quan quyền lực công thực thi pháp luật. Cơ quan quyền lực công chỉ làm theo luật chứ không bị lệ thuộc vào các “lệnh miệng”. Không có chuyện xử dân nặng, xử quan nhẹ. Ví dụ bộ trưởng vượt đèn đỏ mà không phạt bộ trưởng, sẽ khiến cho pháp luật không được thực thi, khó bắt người dân tuân thủ.
Các cơ quan cung cấp dịch vụ công phải là bộ máy phục vụ người dân. Chúng ta cần tạo ra cơ chế khuyến khích xuôi chứ không phải khuyến khích ngược như bây giờ. Khuyến khích xuôi là nếu anh làm lợi cho dân 1 thì được hưởng 1, nếu làm lợi cho dân 10 thì được hưởng 10. Nhưng hiện đang có tình trạng cán bộ thực thi công vụ gây khó cho dân để mong có phong bì bôi trơn. Gây khó 1 thì được 1, gây khó 2 lại được 2…
Thứ hai, chúng ta cần tạo ra chế độ trách nhiệm hành chính chứ không phải chế độ trách nhiệm chính. Ví dụ, khi cấp trên giao cho ông giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhiệm vụ giải quyết ách tắc giao thông tại thủ đô nếu không hoàn thành anh sẽ mất chức. Với áp lực đó, người đứng đầu Sở Giao thông vận tải thủ đô buộc phải chọn người tài để giải quyết nhiệm vụ chứ không phải chọn “nhất thân, nhì quen”. Từ đó sẽ không còn hệ lụy con ông cháu cha, không con hệ lụy người chỉ lo lấy lòng được đề bạt lên vị trí cao hơn.
Và cuối cùng, chúng ta phải tạo ra cơ chế dân bầu ra người phục vụ mình như đề án “dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND phường để dân giám sát trực tiếp”. Quá trình cơ quan cấp trên đề bạt, khen thưởng cán bộ trong cơ quan cung cấp dịch vụ công phải đo bằng sự hài lòng của người dân. Từ đó người dân sẽ được phục vụ, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn đúng như tinh thần của Tuyên ngôn độc lập nêu con người “có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".