Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ngày đầu của Chính phủ sau Cách mạng tháng Tám

72 năm trước, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập gồm 13 bộ đã quyết sách nhiều vấn đề quan trọng đặt nền móng cho Chính phủ của nước Việt Nam độc lập, tự do.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng vạn đồng bào, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với thế giới và toàn thể quốc dân đồng bào về nền độc lập của dân tộc Việt Nam.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới đã được thành lập, một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc đã mở ra, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.

Chinh phu Viet Nam anh 1

"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập", Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mở đầu Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: "Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Kết thúc bản tuyên ngôn lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Bản Tuyên ngôn đã kế thừa giá trị truyền thống của dân tộc, khẳng định độc lập chủ quyền, ý chí tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng kế thừa giá trị tiến bộ của nhân loại.

Tuyên ngôn Độc lập không những có giá trị về chính trị, khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc Việt Nam mà còn có giá trị cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc trên thế giới. 

Chính phủ lâm thời gồm 13 bộ, 15 thành viên

Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ.

Chính phủ lâm thời gồm 13 bộ, 15 thành viên người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phiên họp được tiến hành giản đơn, không có nghi thức, song tính chất hết sức quan trọng, để giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ trong thời kỳ mới.

Chinh phu Viet Nam anh 2
Chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chính phủ lâm thời đã tiến hành phiên họp đầu tiên ngày 3/9/1945. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh Tư liệu.

Trong buổi họp quan trọng này, Chính phủ đã đề ra 6 vấn đề cấp bách cần giải quyết ngay.

Về giải quyết nạn đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ "phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại phát cho người nghèo".

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, cần đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ.

Thứ ba, phải có một hiến pháp dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ "tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống".

Chinh phu Viet Nam anh 3

Chính phủ lâm thời gồm 13 bộ, Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Chí Minh; Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp; Bộ trưởng Quốc phòng Chu Văn Tấn; Bộ trưởng Tuyên truyền Trần Huy Liệu; Bộ trưởng Thanh niên Dương Đức Hiền; Bộ trưởng Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà; Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe; Bộ trưởng Tư pháp Vũ Trọng Khánh; Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch; Bộ trưởng Giao thông Công chính Đào Trọng Kim; Bộ trưởng Lao động Lê Văn Hiến; Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng; Bộ trưởng Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố; Ủy viên Chính phủ Cù Huy Cận; Ủy viên Chính phủ Nguyễn Văn Xuân.

Ảnh tư liệu. 

Thứ tư, phải giáo dục nhân dân trừ bỏ những thói xấu do chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn để đầu độc và hủ hoá dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị "mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính".

Thứ năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò và "tuyệt đối cấm hút thuốc phiện".

Thứ sáu, đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do và Lương - Giáo đoàn kết.

Ấn định Quốc kỳ Việt Nam

Ngày 4/9/1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký số 5 ấn định quốc kỳ Việt Nam. Theo đó quốc kỳ có "nền màu đỏ tươi, ở giữa có sao năm cánh màu vàng tươi".

Chinh phu Viet Nam anh 4
Bản phụ Sắc lệnh số 05 về quốc kỳ. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia.

Chống "giặc đói", chống "giặc dốt" như chống ngoại xâm 

Trong thời kỳ đặc biệt này, nhiệm vụ cấp bách đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến là việc giải quyết nạn đói. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “chống đói cũng như chống ngoại xâm”.

Cùng với thực hiện những biện pháp cứu đói kịp thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: "Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập".

Chinh phu Viet Nam anh 5
Đoàn xe điện chở gạo cứu đói giúp đồng bào bị lũ ở Hà Đông, năm 1945. Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng kêu gọi: "Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo".

Tiếp sau việc giải quyết nạn đói và tăng gia sản xuất, một nhiệm vụ cấp bách quan trọng mà Chính phủ lâm thời đề ra là chống nạn mù chữ trong toàn quốc.

 Ngày 8/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành Sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ để "trông nom việc học của nhân dân". 

Điều đáng chú ý là cả 3 sắc lệnh này đều do Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký.

Chinh phu Viet Nam anh 6
Lớp học Bình dân học vụ

Sau khi các Sắc lệnh được ban hành, phong trào toàn dân tham gia Bình dân học vụ phát triển rộng khắp, lôi cuốn được mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi giới tham gia. Ở các địa phương, nơi nào cũng có thể trở thành lớp học, từ đình chùa đến cổng làng, bờ ruộng, xưởng máy.

Nhờ đó, chỉ sau một năm thực hiện, ta đã mở được 15.000 lớp học, đào tạo 95.000 giáo viên. Nạn mù chữ được thanh toán một bước quan trọng.

Tuần lễ vàng

Ngay sau phiên họp đầu tiên, Chính phủ đã phát động “Tuần lễ vàng” (17-24/9/1945) đã quyên góp được 370 kg vàng và 40 triệu đồng cho Quỹ Quốc phòng và 20 triệu đồng cho Quỹ Độc lập.

Cùng với việc vận động nhân dân chung tay giải quyết nạn đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi nhân dân cả nước tham gia “Tuần lễ Vàng”. Tuần lễ vàng được tổ chức vào 8h00 ngày 16/9/1945 tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội.

Đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tuần lễ Vàng đã được tổ chức trong cả nước với tiêu chí “Tuần lễ vàng cho quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng cho Quỹ cứu quốc”, “Tuần lễ vàng vì Nam Bộ”…

Chinh phu Viet Nam anh 7
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng giới Công thương Hà Nội trong Tuần lễ Vàng. Ảnh tư liệu.

Trong một tuần từ 16/9 đến 22/9/1945, người dân cả nước không phân biệt giai cấp, tôn giáo, người nhiều tiền góp nhiều, người có ít góp ít, đã tự nguyện góp được 370 cân vàng, 20 triệu đồng cho Quỹ độc lập, 40 triệu đồng cho Quỹ Đảm phụ Quốc phòng.

Trong ngày vàng đầu tiên (16/9), nhân dân Hà Nội đã ủng hộ 835,2 lạng vàng vào Quỹ Độc lập để giúp người giúp nước với sự góp mặt của những nhà tư sản lớn ở Hà Thành như: ông bà Lê Cường ủng hộ 50 lạng, cụ bà Trịnh Phúc Lợi và ông Trịnh Văn Bô ủng hộ 102 lạng, bà Nguyễn Hữu Tiệp ủng hộ 26 lạng… riêng trong ngày vàng đầu tiên đã có 8.000 người đến tặng vàng.

Tính trong cả nước, “Tuần lễ Vàng” từ 17 đến 24/9/1945, Chính phủ đã huy động được tổng cộng 60 triệu đồng và 370 kg vàng. Trước đó, sau khi giành chính quyền, quốc khố chỉ có 1,2 triệu đồng.

Những kết quả thu được từ Tuần lễ vàng cuối mùa Thu Ất Dậu 1945 không chỉ có ý nghĩa to lớn về tài chính, mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Đó là sự ra đời của giấy bạc tài chính Việt Nam - phương tiện đắc lực để chính quyền cách mạng huy động sức người, sức của ứng phó với muôn vàn khó khăn.

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên 

Một nhiệm vụ cấp bách nữa mà Chính phủ lâm thời đặt ra là tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. 

Làm theo lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. 

Chinh phu Viet Nam anh 8
Nhân dân đi bỏ phiếu trong ngày tổng tuyển cử đầu tiên 6/1/1946. Ảnh tư liệu.

Trong tình thế cách mạng muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng lãnh đạo tổng tuyển cử bầu Quốc hội để có cơ sở xây dựng Hiến pháp 1946.

Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra trên đất nước Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ đều được hưởng quyền bầu cử và ứng cử Quốc hội.

Cử tri cả nước đã nô nức đi bỏ phiếu, bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 và sự ra đời của Hiến pháp 1946  khẳng định sự ra đời hợp Hiến của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước cộng đồng quốc tế.

Mười lăm ngày xác tín một dự báo: ‘1945 Việt Nam độc lập’

Cách mạng tháng Tám vừa là sản phẩm của quá trình 15 năm vận động tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền, vừa xác tín một dự báo kết quả của một cuộc cách mạng xã hội đích thực.


Khánh An

Bạn có thể quan tâm