Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là cựu sinh viên Khoa Ngữ Văn, khóa 8, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (người đứng thứ hai từ trái sang, chụp tháng 2/1965 ở ký túc xá Mễ Trì, Hà Nội). Nguồn: vnu. |
Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến, bạn đồng môn lớp Văn khóa 8 với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, kể về "bạn Trọng" trong bài viết "Một người bạn ân tình".
Trong nửa thế kỷ kể từ khi rời ghế trường đại học, bạn bè lớp Văn khóa 8 chúng tôi vẫn có nhiều dịp gặp nhau bởi phần lớn anh em đều làm trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, văn hóa - văn nghệ, tuyên giáo,… vẫn thường có mặt trong các cuộc hội thảo, các hội nghị sơ kết, tổng kết ở Trung ương.
Từ sau năm 2000, nhiều bác, anh, chị lớn tuổi đã nghỉ hưu hoặc ở xa vẫn gặp nhau ở Hà Nội tại các cuộc họp thường niên, gặp để thăm hỏi sức khỏe các thầy, cô giáo, chia sẻ chuyện vui, buồn với nhau, tặng sách, đọc thơ, giới thiệu các công trình nghiên cứu, sản phẩm sáng tạo của nhau.
Anh Phú Trọng tuy đảm trách nhiều công việc quan trọng của Đảng và Nhà nước nhưng hầu như không vắng buổi gặp mặt nào. Với các đồng môn, anh vẫn là “bạn Trọng” giản dị và mộc mạc trong quan hệ, vẫn lễ phép với các thầy, cô giáo, với các anh, chị lớn tuổi vốn là cán bộ cử đi học.
Đi dự họp lớp, anh vẫn có thói quen đem theo quà để kính biếu các thầy, gói bánh, chai rượu “quê” để góp vui với lớp. Còn nhớ, ngày được tin anh tham gia Ban Chấp hành Trung ương, lớp Văn khóa 8 đã qua máy fax gửi lời chúc mừng đến anh. Anh gọi điện cảm ơn và tỏ ý tiếc không dự họp lớp đột xuất được vì đã hứa về gặp thầy giáo và Trường cấp III Nguyễn Gia Thiều, nơi anh học trước khi vào đại học. Được biết, vợ chồng anh chị đã về trường thăm các thầy bằng xe máy.
Khi là Chủ tịch Quốc hội, anh đã cùng cả lớp thăm lại xã Vạn Thọ (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) nơi lớp Văn sơ tán thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Biết việc đi lại không dễ dàng, anh đã nhờ giúp cho xe ôtô nhiều chỗ “để cả lớp cùng đi cho vui” nhưng không quên nhắc nhở ban tổ chức chăm sóc chu đáo việc ăn nghỉ cho đồng chí lái xe bởi “đây chỉ là việc riêng của lớp mình”.
Gia đình anh đã mua đem theo chiếc tivi 19 inch để tặng thầy trò trường học nơi sơ tán. Nhưng khi trao tặng cho Trường Tiểu học Tràng Dương (xã Vạn Thọ), anh nói với tôi là đừng giới thiệu đó là quà riêng của anh mà nói là quà chung của cả lớp.
Trên đường ghé qua thành phố Thái Nguyên, ban tổ chức chuyến đi không báo lịch trình chuyến thăm lại nơi sơ tán cũ cho lãnh đạo và báo chí truyền thông của tỉnh. Tính anh vẫn vậy, việc công, việc tư rõ ràng, suy nghĩ và hành động, xử lý các mối quan hệ hàng ngày luôn lấy lợi ích chung là mục đích, luôn giữ nghiêm các quy chế,...
Không lâu sau khi anh Nguyễn Phú Trọng được bầu làm lãnh đạo cao nhất của Đảng, chúng tôi đã có vài cuộc gặp ở Hà Nội và có lần vào cuối tháng 12/2018, tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau những lời khen, hài lòng vì lứa học trò gương mẫu, có đóng góp cho sự nghiệp phát triển của đất nước, các thầy giáo và nhiều bạn bè trong lớp đã cùng nhắc lại nhiều kỷ niệm đẹp của thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Anh Phú Trọng, nguyên Bí thư Chi đoàn lớp tâm sự: “Điều quý nhất ở mỗi chúng ta, đặc biệt khi tuổi đã cao là nghĩa tình, sự kính trọng và biết ơn với các thầy, cô giáo, những thế hệ đi trước và giữ gìn tình bè bạn”. Phát biểu của người bạn qua hơn nửa thế kỷ làm tôi nhớ đến các dịp gặp khác khi cả lớp cùng nhau đọc lại các bài thơ văn, truyện ngắn, truyện ký đã được in vào hai tập sách vừa là kỷ yếu vừa là tuyển chọn những sáng tác tiêu biểu của các thành viên lớp Văn khóa 8.
Trong số đó có bài thơ “Bạn cũ” của nhà báo, nhà thơ Dương Đức Quảng, phóng viên chiến trường, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí, Văn phòng Chính phủ. Đọc bài thơ, đã có nhiều bạn không cầm được nước mắt vì nhớ lại nghĩa tình đồng chí, đồng đội của những con người có chung lý tưởng sống.
Như một số đồng chí, bạn đồng môn khác làm việc ở Hà Nội, tôi gặp anh Phú Trọng hồi anh còn là biên tập viên Tạp chí Cộng sản, ở các cuộc họp do Ban Tuyên giáo tổ chức, các lớp học nghị quyết của Đảng mà anh là báo cáo viên, lần anh tới thăm giới văn học nghệ thuật hoặc cuộc gặp mặt đầu Xuân của Tổng bí thư với các văn nghệ sĩ tiêu biểu toàn quốc…
Vẫn chẳng hề quên lần đèo anh bằng chiếc xe máy cũ đi họp lớp khi anh đang giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Vì nơi gặp mặt chỉ cách nhà công vụ gia đình anh ở chừng hơn 1 km nên anh muốn đi bằng xe máy. Tôi đã dùng chiếc xe Suzuki GN125 đón và đưa anh đi họp. “Việc của lớp mình, lại là Chủ nhật, đi lại như thế này cho tiện” - anh nói.
Anh vẫn như hồi nào, bình dị, không màu mè, khoa trương. Nhiều bạn đồng môn lúc gặp nhau ở quán xá thường kể những lần anh đến thăm nhà, vẫn cứ như hồi nào, thân tình, dí dỏm mỗi khi nhắc đến chuyện vui buồn của lớp.
Đến chơi nhà tôi cũng vậy, anh kể cho các con tôi về những ngày học ở nơi sơ tán, những ngày đi làm đường với thanh niên xung phong ở Lạng Sơn. “Lớp bác diễn vở “Nổi gió” của Đào Hồng Cẩm, chú Trần Đức Chính đóng vai Trung úy Phương, cô Hồng Duệ đóng vai chị Vân, chú Ngọc Trung đóng vai lính ngụy. Bố Huyến cháu trước đó hai ngày đã vác loa điện đi alo báo cho các thôn chương trình diễn kịch, còn bác thì chỉ lo việc xách bình ắc quy cho loa mà thôi”.
Anh Phú Trọng không có tài lẻ về văn nghệ, thể thao như một số bạn trong lớp nhưng là sinh viên gương mẫu trong suốt cả bốn năm học, tiêu biểu trong học tập, giữ gìn nhân cách và là người có nghị lực, phấn đấu toàn diện.
Cùng lứa sinh viên, học sinh phổ thông như chúng tôi xuất thân trong gia đình nghèo nhưng anh là người duy nhất được kết nạp Đảng ngay trên ghế trường đại học. Lớp Văn khóa 8 tự hào vì có nhau, vì những việc từng cống hiến sau khi ra trường, tự hào vì có những người bạn, những người đồng chí ân tình, mà anh Phú Trọng là người trong số đó.