Những câu chuyện nhỏ nhặt hàng ngày cùng chuỗi thắc mắc rất đỗi hồn nhiên của hai anh em Mem và Kya được người ông quan sát tường tận và ghi chép lại như một “thư ký trung thành” của hai cháu.
Khi viết Chuyện của anh em nhà Mem và Kya, nhà văn Nguyễn Quang Thiều luôn nhắc nhở các cháu của mình: “Trở thành người tử tế là lời cảm ơn sâu sắc nhất của các cháu dành cho mọi người”. Những cung bậc tình thân ấm áp ấy được thể hiện bằng lối kể trong trẻo và đầy chất thơ.
Tác phẩm lấy cảm hứng từ chính câu chuyện hàng ngày của cháu nội Mem và cháu ngoại Kya của tác giả. Sách do họa sĩ Kim Duẩn vẽ minh họa, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
Tập truyện Chuyện của anh em nhà Mem và Kya của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Huế Trần. |
“Người thư ký trung thành” của các cháu
Chuyện của anh em nhà Mem và Kya là lời ghi chép của người ông tự xưng danh “thư ký trung thành”. Câu chuyện xoay quanh thế giới trẻ thơ thú vị, khiến người lớn ngẫm ra nhiều điều ý nghĩa về cuộc đời, sự gắn kết giữa con người với nhau, cách dẫn dắt một đứa trẻ lớn lên để tiếp cận thế giới rộng lớn.
Chia sẻ với Zing, tác giả Nguyễn Quang Thiều cho biết sự liên thông với thế giới bên ngoài cần được chuẩn bị từ nhỏ, nhất là trong giai đoạn 5 năm đầu đời. Khi viết cuốn sách này, hai cháu Mem và Kya của ông đều đang ở những năm đầu đời ấy. Đây cũng là độ tuổi có nhiều thay đổi, thế giới mới lạ đang mở ra với chúng.
Khi mang danh xưng “thư ký”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều luôn cố gắng ghi chép một cách trung thành nhất có thể những gì xảy ra xung quanh cuộc sống của hai cháu, đồng thời ông cũng muốn được hòa mình vào trí tưởng tượng của trẻ thơ.
Bản thân ông, cũng như nhiều người trưởng thành, luôn khao khát quay trở lại tuổi thơ và nhìn ngắm những năm tháng đầu đời của mình. Ông viết tập truyện này với mong muốn khi các cháu lớn lên, có thể đọc và hồi tưởng về những gì tuổi thơ đã đi qua.
“Nhiều bậc phụ huynh thường lưu trữ kỷ niệm về con bằng hình ảnh, video; còn bằng văn bản thì rất ít. Tôi muốn quan sát hành trình lớn lên của những đứa cháu và viết nên một bộ hồ sơ dài tập. Ở đó, người ông này sẽ kể cho chúng nghe chúng lớn lên ra sao, trong một gia đình thế nào, đời sống xung quanh có gì hay”, tác giả Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.
Tác giả viết: “Cuốn sách này ra đời, Kya và Mem lại lớn thêm một chút và thấy cuộc sống có thêm bao điều tốt đẹp. Còn ông nội Mem và ông ngoại Kya lại già đi thêm một chút, nhưng ông đã hứa với hai anh em Mem và Kya sẽ là thư ký trung thành nhất của hai anh em để viết tiếp những cuốn sách về hai đứa cháu yêu thương vô hạn của mình”.
Hiện, ông tiếp tục viết cuốn thứ hai, nối tiếp câu chuyện thường ngày của Mem và Kya. Ông dự định kể lại cả hành trình từ giờ đến lúc các cháu bước vào trường học.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều và cháu nội Mem. Hiện, cháu ngoại Kya sống cùng bố mẹ tại nước ngoài. Ảnh: NVCC. |
Hòa mình vào thế giới trẻ thơ
Những câu chuyện giản dị trong gia đình Mem và Kya được quan sát bằng góc nhìn trong trẻo, khơi gợi bao điều thú vị. Chính xúc cảm của con trẻ, cùng loạt câu hỏi ngây thơ, hóm hỉnh đã thôi thúc nhà văn viết nên tập truyện này: “Mỗi độ tuổi, Mem và Kya lại mang đến cho tôi một trải nghiệm mới. Người làm ông này cứ thế lần theo và viết”.
Trong truyện, hai đứa trẻ liên tiếp có những câu hỏi như: Sao quê nội của người này lại là quê ngoại của người khác? Tại sao người ít tuổi hơn lại là anh nhỉ? Sao mình lại không có mặt trong ngày cưới của bố mẹ? Sao răng mình lại mọc chậm hơn răng người lớn? Làm thế nào để trở thành một cô gái Việt Nam?... Những câu hỏi ấy thoáng nghe đơn giản nhưng lại khiến người lớn phải suy nghĩ hồi lâu mới có thể giải thích cặn kẽ cho con trẻ.
Tưởng như những câu chuyện của hai đứa trẻ chỉ xoay quanh một gia đình, song chúng lại mở ra nhiều bài học ý nghĩa cho con trẻ về tình thân, quan hệ xóm làng, văn hóa dòng họ và tình yêu thương, sự chăm lo cho hạnh phúc.
Ở đây, tôi viết về những người thân ruột thịt. Khi viết, tôi được sống trong một thế giới trong trẻo và đầy trí tưởng tượng.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Trong tác phẩm, nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết: “Đây là cuốn sách quan trọng nhất và hạnh phúc nhất trong số các cuốn sách đã viết”.
Lý giải về điều này, ông nói: “Ở đây, tôi viết về những người thân ruột thịt. Khi viết, tôi được sống trong một thế giới trong trẻo và đầy trí tưởng tượng. Cuốn truyện không mang đến những dày vò, trăn trở về số phận, bất bình trong xã hội như những tác phẩm khác. Nó chỉ mang lại cho tôi thứ cảm xúc duy nhất: Hạnh phúc”.
Qua cuốn sách, nhà văn nhắn nhủ tới hai cháu và độc giả thông điệp hãy sống với một tâm hồn trong trẻo và biết yêu thương mọi điều xung quanh. Bên cạnh đó, mỗi người con, cháu cần hiểu được nền tảng giá trị của gia đình truyền thống, không rời bỏ tổ ấm nơi mình đã lớn lên, được che chở và yêu thương.
“Khi lớn lên, nếu hai cháu Mem và Kya của tôi có xa rời vòng tay gia đình vì hoàn cảnh nào đó, chúng đọc lại cuốn sách này và tôi tin rằng sẽ có một sợi dây tình cảm vô hình mang tên ‘người thân’ gắn kết chúng lại với nhau, đưa chúng trở về bên mái ấm gia đình, tình thân”, tác giả Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.
Tác giả Nguyễn Quang Thiều là cây bút hiện đại có tiếng trên văn đàn. Ngoài lĩnh vực thơ ca tạo nên tên tuổi, ông còn là nhà văn với các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, ký và tham gia vào lĩnh vực báo chí.
Ông đã xuất bản trên 10 tập thơ; trên 20 tiểu thuyết, truyện ngắn, ký; 3 tập sách dịch và nhận được nhiều giải thưởng văn học trong và ngoài nước.
Tên ông gắn với các tác phẩm đặc sắc, mang tính triết lý, bàn luận và đong đầy tình cảm như Mùi của ký ức, Trong ngôi nhà của mẹ, Người kể chuyện lúc nửa đêm, Cô gái áo xanh và những chuyện kỳ bí của làng… Hiện, ông là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.