Trong một cuộc họp kín gần đây với các lãnh đạo của trung tâm chống khủng bố, phó giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) khẳng định rõ việc chống lại Al Qaeda và các nhóm cực đoan khác vẫn sẽ là một ưu tiên.
Tuy nhiên, vị này khẳng định tài chính và nguồn lực của cơ quan này sẽ ngày càng tập trung hơn vào Trung Quốc, theo AP.
Một năm sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Tổng thống Joe Biden và các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu ít nói về chủ nghĩa chống khủng bố.
Họ đề cập nhiều hơn về các mối đe dọa chính trị, kinh tế, quân sự mà Trung Quốc và Nga gây ra. Các cơ quan tình báo đã âm thầm “xoay trục”, chuyển hàng trăm sĩ quan sang các vị trí tập trung vào Trung Quốc. Nhiều người trong số này từng tham gia chống khủng bố.
Ưu tiên hàng đầu
Các quan chức tình báo nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống khủng bố không nên bị ngó lơ. Chỉ vài tuần trước, nhiều nguồn tin tiết lộ CIA đã không kích tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahri ở Kabul (Afghanistan).
Tuy nhiên, vài ngày sau, Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn và đe dọa cắt đứt liên lạc với Mỹ sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Điều đó nhấn mạnh thông điệp mà Phó giám đốc CIA David Cohen đã đưa ra tại cuộc họp đó vài tuần trước: Ưu tiên hàng đầu của cơ quan này là cố gắng tìm hiểu và đối phó với Bắc Kinh.
Mỹ từ lâu đã lo lắng trước những tham vọng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc. Một số chuyên gia cũng cho rằng trong những năm tới, Bắc Kinh sẽ cố gắng thống nhất Đài Loan.
Ngoài ra, xung đột ở Ukraine đã nhấn mạnh việc Nga cũng là mục tiêu của giới chức tình báo Mỹ. Washington đã sử dụng thông tin được giải mật để nắm bắt kế hoạch của Nga trước khi xung đột tại Ukraine xảy ra, đồng thời tập hợp sự ủng hộ về mặt ngoại giao cho Kyiv.
CIA đã không kích tiêu diệt thủ lĩnh Al QaedaAyman al-Zawahri (phải). Ảnh: Reuters. |
Những người ủng hộ cách tiếp cận của chính quyền ông Biden nhận định việc Mỹ có thể theo dõi và tiêu diệt al-Zawahri là bằng chứng về khả năng nhắm vào các mối đe dọa ở Afghanistan từ nước ngoài. Tuy nhiên, nhóm chỉ trích cho rằng việc al-Zawahri sống ở Kabul thể hiện có sự trỗi dậy của các nhóm cực đoan mà Mỹ vẫn chưa đủ khả năng chống lại.
Hạ nghị sĩ Jason Crow, lính đặc nhiệm từng phục vụ tại Afghanistan và Iraq, cho biết ông tin rằng Mỹ đã quá chú trọng vào hoạt động chống khủng bố trong vài năm qua.
“Một mối đe dọa hiện hữu lớn hơn nhiều là Nga và Trung Quốc", ông Crow cảnh báo.
Tuy nhiên, người phát ngôn CIA Tammy Thorp nhận định rằng chủ nghĩa khủng bố “vẫn là một thách thức rất thực tế”.
"Xoay trục" sang Trung Quốc
Quốc hội Mỹ đã thúc đẩy CIA và các cơ quan tình báo khác coi Trung Quốc trở thành ưu tiên hàng đầu, theo một số nguồn tin thân cận. Tuy nhiên, "xoay trục" về phía Trung Quốc cũng đòi hỏi việc cắt giảm nguồn lực ở những nơi khác, kể cả trong lĩnh vực chống khủng bố.
Đặc biệt, các nhà lập pháp Mỹ muốn có thêm thông tin về sự phát triển của Trung Quốc ở lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào khoa học lượng tử, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác. Chúng có thể ảnh hưởng đến tác chiến trong tương lai, cũng như nền kinh tế.
Phó giám đốc CIA David Cohen. Ảnh: AP. |
“Chúng tôi đã chậm chân, nhưng thật tốt là cuối cùng chúng tôi cũng đang thay đổi trọng tâm của mình sang khu vực đó”, Hạ nghị sĩ Chris Stewart, một đảng viên Cộng hòa làm việc trong Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho biết.
Năm ngoái, CIA tuyên bố sẽ thành lập hai “trung tâm sứ mệnh” mới - một về Trung Quốc, một về các công nghệ mới nổi - để tập trung hóa và cải thiện việc thu thập thông tin tình báo về những vấn đề này.
CIA cũng đang cố gắng tuyển dụng nhiều người nói tiếng Trung hơn và giảm thời gian chờ đợi liên quan đến kiểm tra an ninh để tuyển người nhanh hơn.
Nhiều sĩ quan cũng đang học tiếng Trung và chuyển sang các vai trò mới để tập trung vào Trung Quốc, theo nguồn thạo tin.
Giới chức nhận định rằng các sĩ quan tình báo được đào tạo để đáp ứng thách thức mới, và nhiều người từng nhanh chóng chuyển sang nhiệm vụ chống khủng bố sau vụ tấn công ngày 11/ 9/2001. Những tiến bộ từ công tác chống khủng bố cũng hữu ích để Mỹ đối phó với những thách thức mới, các cựu sĩ quan cho biết.
Trung tâm Chống Khủng bố của CIA, được đổi tên thành Trung tâm Nhiệm vụ Chống Khủng bố, vẫn là một điểm đáng tự hào đối với nhiều người Mỹ.
Nhiều người ghi nhận công lao của tổ chức này trong việc bảo vệ người Mỹ khỏi lực lượng khủng bố sau ngày 11/9/2001. Các nhân viên CIA hạ cánh xuống Afghanistan vào ngày 26/9/2001 và tham gia quá trình lật đổ Taliban, tìm và tiêu diệt các thủ lĩnh của Al Qaeda, bao gồm cả Osama bin Laden.
Tuy nhiên, CIA cũng dính vào bê bối trong cuộc chiến chống khủng bố. Tổ chức này vận hành các nhà tù bí mật ở “khu vực đen” để giam giữ các nghi phạm khủng bố. Nhiều người trong số đó đã bị bắt nhầm.
Một cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ phát hiện họ đã sử dụng các phương pháp thẩm vấn tương đương với tra tấn. Lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Afghanistan do CIA huấn luyện cũng bị buộc tội giết hại dân thường và vi phạm luật pháp quốc tế.
Một cuộc tranh luận từ lâu đã xuất hiện liên quan đến việc liệu hoạt động chống khủng bố có kéo các cơ quan tình báo đi quá xa khỏi hoạt động gián điệp truyền thống, và liệu một số hoạt động của CIA trong việc nhắm mục tiêu khủng bố có nên được các lực lượng đặc biệt thuộc quân đội thực hiện.
Marc Polymeropoulos là một sĩ quan CIA đã nghỉ hưu và là cựu chỉ huy căn cứ ở Afghanistan. Ông cho biết bản thân ủng hộ việc tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc và Nga, nhưng nói thêm “không có lý do gì để giảm bớt những gì chúng tôi phải làm”.
Việc định hướng lại các cơ quan theo hướng tập trung hơn vào Trung Quốc và Nga cuối cùng sẽ mất nhiều năm, Douglas Wise, cựu quan chức cấp cao của CIA, nói.
Điều đó cũng đòi hỏi cả sự kiên nhẫn và sự công nhận rằng văn hóa của cơ quan này sẽ cần thời gian để thay đổi, ông Wise nói thêm.