3 giống thanh long mới do Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) của Việt Nam cùng phối hợp phát triển với Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm (PFR) của New Zealand. Ảnh: An Bình. |
Cụ thể, một số công ty đã nhận được quyền thương mại hóa trên toàn cầu đối với ba giống thanh long nói trên, thông cáo của Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội cho biết.
Ban đầu, các giống thanh long mới - gồm thanh long ruột trắng, thanh long ruột hồng, và thanh long có ruột màu đỏ thẫm - sẽ được trồng thương mại ở Việt Nam để phục vụ xuất khẩu, theo thông cáo. Sau đó, chúng sẽ được trồng thử nghiệm ở một số khu vực tiềm năng khác.
Các giống quả thanh long mới được kỳ vọng đến tay người tiêu dùng vào năm 2027, với mục tiêu trồng được 250 ha đến năm 2030.
Thông cáo cho biết 3 giống thanh long trên có vỏ đỏ, hương vị hấp dẫn hơn so với các giống thanh long hiện tại. Đây là các giống thanh long đầu tiên được bán ra thị trường có khả năng kháng bệnh đốm nâu - loại bệnh gây chết cây và ảnh hưởng đến quả.
Các giống thanh long mới do Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) của Việt Nam cùng phát triển với Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm (PFR) của New Zealand, thuộc khuôn khổ Dự án Phát triển giống cây ăn quả chất lượng cao.
Dự án này được thực hiện trong năm 2013-2021 và do Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand tài trợ.
Theo thông cáo ngày 10/2, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson bày tỏ vui mừng trước việc các giống cây mới được giới thiệu ra thị trường quốc tế, cho rằng đây là minh chứng cho quan hệ hợp tác tốt đẹp của Việt Nam - New Zealand.
“Chúng tôi mong muốn được chứng kiến sự tăng trưởng của thị trường xuất khẩu thanh long Việt Nam và các tác động tích cực của sự tăng trưởng này lên thu nhập của người nông dân", bà Dobson nói.