Đại diện Cơ quan Tình báo Quốc gia đã trình bày phát hiện này trong một buổi báo cáo định kỳ, đóng cửa với truyền thông, trước quốc hội Hàn Quốc. Thông tin tình báo được tiết lộ bởi một nhà lập pháp đảng đối lập vốn là thành viên Ủy ban Tình báo Quốc hội.
"Trong các vụ tấn công mạng, có một trường hợp nhằm đánh cắp công nghệ vaccine và điều trị Covid-19. Đối tượng bị tấn công chính là Pfizer", nghị sĩ Ha Tae Keung ngày 16/2 tiết lộ với truyền thông Hàn Quốc.
Ông cho biết cơ quan chức năng Hàn Quốc còn ghi nhận số vụ tấn công mạng từ Triều Tiên tăng khoảng 32% so với một năm trước.
Nhân viên y tế Triều Tiên phun xịt khử trùng tại nhà ga Bình Nhưỡng vào năm 2020 để ngăn ngừa lây nhiễm virus corona. Ảnh: KCNA. |
Giới chức Hàn Quốc chưa xác định vụ tấn công mạng của tin tặc Triều Tiên nhắm vào Pfizer đã thành công hay thất bại. Một đại diện của hãng dược Mỹ trả lời Washington Post rằng bà chưa thể đưa ra bình luận vào thời điểm này.
Vào tháng 11/2020, Microsoft từng cáo buộc tin tặc Triều Tiên và Nga tìm cách đánh cắp dữ liệu của nhiều công ty dược và nhà nghiên cứu vaccine trên thế giới. Phần lớn những âm mưu này đều thất bại.
Chính phủ Mỹ cũng cáo buộc tin tặc Trung Quốc nhắm vào những nhà sản xuất vaccine. Hàn Quốc còn ngăn chặn thành công một cuộc tấn công của tin tặc Triều Tiên nhắm vào nhiều nhà sản xuất vaccine tại nước này vào năm 2020.
Triều Tiên đến nay vẫn tuyên bố không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm nào. Tuy nhiên, chính phủ Bình Nhưỡng vẫn đề nghị Liên Hợp Quốc hỗ trợ vaccine Covid-19 và dự kiến nhận gần 2 triệu liều vaccine ngừa virus corona AstraZeneca/Oxford.