Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tín hiệu xấu từ Bitcoin

Bloomberg chỉ ra đà tăng phi mã của Bitcoin đang hạ nhiệt. Đáng nói, lịch sử cho thấy đồng tiền số này từng tăng giá nhanh nhưng còn xuống nhanh hơn.

Theo Bloomberg, đà tăng kéo dài 2 tháng của Bitcoin đang phát đi tín hiệu xấu. Dữ liệu của trang tin chỉ ra mức tăng trong tháng 2 của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã thu hẹp còn 2%. Để so sánh, giá Bitcoin đã vọt lên 39% vào tháng 1.

Kể từ năm 2020, Bitcoin đã trải qua kịch bản tương tự 5 lần. Trong đà tăng kéo dài 2 tháng liên tiếp, mức tăng của tháng thứ 2 thường thấp hơn tháng đầu tiên. 4 lần trong số đó, giá Bitcoin đã lao dốc vào tháng thứ 3 với mức giảm trung bình 5,8%.

Trường hợp ngoại lệ duy nhất là giai đoạn tháng 2/2021, khi thị trường tiền mã hóa đang trong đợt tăng giá mạnh mẽ.

gia Bitcoin anh 1

Đà tăng kéo dài 2 tháng của Bitcoin đã hạ nhiệt. Ảnh: CoinMarketCap.

USD mạnh lên

Bitcoin kết thúc tuần qua trong sắc đỏ do giới đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất mạnh tay hơn dự đoán của thị trường.

Việc các cơ quan quản lý Mỹ thắt chặt quy định sau bê bối của sàn giao dịch FTX cũng đang đè nặng lên lĩnh vực này.

"Không ngạc nhiên khi thị trường tiền mã hóa điều chỉnh giảm vào tuần trước", ông Noelle Acheson - tác giả cuốn Crypto Is Macro Now - nhận định. Ông chỉ ra một phần nguyên nhân là đồng USD mạnh lên.

Chỉ số USD-Index - đo lường sức mạnh đồng bạc xanh với 6 đồng tiền tệ chính khác - đã vọt lên hơn 105 điểm, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 7 tuần.

gia Bitcoin anh 2

Biến động giá của Bitcoin trong vòng 7 ngày qua. Ảnh: CoinMarketCap.

Lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm của Mỹ cũng vừa chạm mức cao nhất kể từ năm 2007. Còn lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm được dự báo vượt ngưỡng 4%.

Theo dữ liệu của CoinMarketCap, giá Bitcoin đang dao động quanh 23.400 USD/BTC, giảm gần 2.000 USD/BTC so với mức cao nhất kể từ đầu năm nay (hơn 25.000 USD/BTC vào ngày 21/2).

Đây cũng là mức cao nhất kể từ giữa năm ngoái. Trong vòng 7 ngày qua, giá Bitcoin đã lao dốc 5,82%, trong khi giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 thế giới - cũng giảm 4,42%.

Đà tăng bất thường

Giá Bitcoin được cho là bước vào đợt điều chỉnh giảm sau nhiều tuần tăng một cách bất thường. Đà tăng của Bitcoin đi ngược với các tài sản rủi ro khác như chứng khoán và hàng hóa. Nói với Zing, ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại London - cho rằng: "Bitcoin như đang tồn tại trong một thế giới riêng của chúng".

"Như thường lệ, giá Bitcoin có thể tăng vọt bất kể các nền tảng cơ bản và tâm lý chung của nhà đầu tư trên những thị trường khác như thế nào", ông Erlam nhận định.

Nhưng việc thiếu đi yếu tố hỗ trợ cơ bản khiến đà tăng của Bitcoin thiếu bền vững, và dễ dàng lao dốc mạnh nếu áp lực bán tháo tăng lên.

Giá Bitcoin tăng nhanh nhưng còn xuống nhanh hơn

Chuyên gia tài chính Craig Erlam

"Giá Bitcoin tăng nhanh nhưng còn xuống nhanh hơn. Có một câu nói cũ là thị trường chứng khoán đi lên bằng thang bộ và xuống bằng thang máy. Nhưng riêng với tiền mã hóa, giá nhảy khỏi cửa sổ và rơi tự do", ông Erlam so sánh.

Giá Bitcoin đã lao dốc mạnh trong vòng một năm qua. Tháng 10 năm ngoái, giá của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới có lúc rơi xuống dưới ngưỡng 16.000 USD/BTC.

Áp lực về lãi suất cũng đang đè nặng lên Phố Wall. Giá vàng thế giới đã giảm xuống 1.809 USD/ounce, xóa sạch mức tăng kể từ đầu năm nay và giảm gần 150 USD/ounce trong tháng 2.

Trong khi đó, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 336,99 điểm (-1,02%) còn 32.746,46 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 42,28 điểm (-1,05%) và 195,46 điểm (-1,69%).

Giới đầu tư ngày càng nghiêng về kịch bản Fed buộc phải tăng lãi suất cao hơn dự đoán của thị trường, và việc cắt giảm lãi suất có thể bị lùi sang năm tới.

Theo báo cáo mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - tăng 0,6% trong tháng 1 và 4,7% so với một năm trước đó. Phố Wall cũng dự báo mức tăng lần lượt là 0,5% và 4,4%.

Chỉ số giá sản xuất trong tháng 1 đã ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2022 và cao hơn dự đoán. Chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng cao trong tháng 1 do chi phí nhà ở, giá xăng và nhiên liệu đi lên.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

'Đảo tỷ phú' được giới nhà giàu săn đón

Với những bãi cát trải dài, đầm phá ven biển trong xanh và việc không áp thuế thừa kế, đảo Mauritius từ lâu đã trở thành điểm đến yêu thích của giới nhà giàu. 

Fed chưa thể dừng tăng lãi suất?

Những dữ liệu mới nhất của kinh tế Mỹ cho thấy lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại. Các quan chức Fed cũng liên tục gửi đi thông điệp "diều hâu".

Thảo My

Bạn có thể quan tâm