Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tín hiệu đáng lo ngại đối với ngành địa ốc của Trung Quốc

Đợt bán tháo cổ phiếu Shimao Group khiến giới đầu tư lo ngại. Bởi tập đoàn được coi là một trong những nhà phát triển BĐS khỏe mạnh, có thể vượt qua cuộc trấn áp của Bắc Kinh.

Giá cổ phiếu của Shimao Group và đơn vị dịch vụ bất động sản của tập đoàn lao dốc mạnh trong phiên giao dịch hôm 14/12 trên sàn Hong Kong.

Bloomberg nhận định đà giảm của cổ phiếu và trái phiếu Shimao Group "đặc biệt đáng lo ngại". Bởi đến nay, tập đoàn vẫn được coi là một trong những nhà phát triển bất động sản khỏe mạnh nhất của ngành công nghiệp.

Giới quan sát cho rằng Shimao Group có thể chống chịu được những áp lực về nguồn vốn đã dẫn đến sự sụp đổ của China Evergrande Group và Kaisa Group Holdings Ltd.

Việc cổ phiếu Shimao lao dốc đã làm gia tăng lo ngại về quản trị công ty, nhất là khi ngành công nghiệp bất động sản đang vật lộn với cuộc khủng hoảng thanh khoản.

Khung hoang trong linh vuc bat dong san anh 1

Ngày càng nhiều công ty bất động sản gặp rắc rối khi chính quyền Trung Quốc tìm cách hạ đòn bẩy trong lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Reuters.

Đáng lo ngại

Hôm 13/12, đơn vị dịch vụ bất động sản của Shimao đã đồng ý mua một đơn vị khác của Shimao Group với giá 1,65 tỷ NDT (tương đương 259 triệu USD).

Một số nhà phân tích coi đó là dấu hiệu cho thấy tập đoàn địa ốc đang chuyển tiền từ những công ty mạnh hơn sang bộ phận yếu kém hơn.

Theo các nhà phân tích của JPMorgan Chase & Co., nhiều nhà đầu tư lo ngại về việc những đơn vị quản lý bất động sản được sử dụng như một "công cụ tài chính" của các tập đoàn bất động sản chung chủ.

Tính theo doanh thu hợp đồng, Shimao Group là nhà phát triển bất động sản lớn thứ 13 Trung Quốc. Nếu tập đoàn sụp đổ, tác động đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể ít hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng của China Evergrande.

Đà giảm của cổ phiếu và trái phiếu Shimao Group "đặc biệt đáng lo ngại". Bởi đến nay, tập đoàn vẫn được coi là một trong những nhà phát triển bất động sản khỏe mạnh nhất của ngành công nghiệp

- Hãng tin Bloomberg

Tuy nhiên, những rắc rối của Shimao Group sẽ làm xói mòn hy vọng rằng các nhà phát triển được đánh giá cao hơn sẽ vượt qua cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh.

Shimao Group đã vượt qua cả "ba lằn ranh đỏ" - những giới hạn được đưa ra nhằm tránh việc vay nợ quá mức của các tập đoàn bất động sản. Những giới hạn này được cho là một phần nguyên nhân đẩy China Evergrande đến bờ vực vỡ nợ.

Điều đó có nghĩa là công ty có thể có một vị thế tài chính vững chắc và khả năng tiếp cận thị trường nợ dễ dàng hơn.

Ngày càng nhiều công ty bất động sản gặp rắc rối khi chính quyền Trung Quốc tìm cách hạ đòn bẩy trong lĩnh vực bất động sản. Cùng với đó là hố nợ hơn 300 tỷ USD của China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc.

Ngành công nghiệp chao đảo

Theo các chuyên gia kinh tế tại Nomura, ngành công nghiệp bất động sản Trung Quốc đang ngồi trên núi nợ khổng lồ 5.200 tỷ USD. Quy mô nợ tăng gấp đôi kể từ cuối năm 2016 và lớn hơn GDP Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Bất động sản và các lĩnh vực liên quan như xây dựng chiếm ít nhất 25% GDP của Trung Quốc, theo Moody’s. Các tập đoàn địa ốc gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc xoay xở khoản nợ bằng đồng USD.

Ông Eddie Chia - Giám đốc danh mục đầu tư tại China Life Franklin - cảnh báo rằng có thể xảy ra nhiều vụ vỡ nợ hơn trong những tuần và tháng tới.

Hôm 9/12, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng của China Evergrande xuống "vỡ nợ giới hạn" sau khi tập đoàn không thể trả hai khoản lãi trái phiếu coupon trong khoảng thời gian ân hạn.

Đây là lần đầu tiên China Evergrande vỡ nợ trái phiếu bằng đồng USD. Bloomberg nhận định diễn biến này có thể đặt dấu chấm hết cho gã khổng lồ bất động sản được tỷ phú Hứa Gia Ấn thành lập cách đây 25 năm.

Khung hoang trong linh vuc bat dong san anh 2

China Evergrande chính thức vỡ nợ sau nhiều tháng rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt. Ảnh: Reuters.

Tính đến tháng 6, China Evergrande đối mặt với khoản nợ phải trả lên đến 300 tỷ USD. Theo dữ liệu của Bloomberg, tập đoàn có khoảng 19,2 tỷ USD trái phiếu nước ngoài phát hành đại chúng và 8,4 tỷ USD trái phiếu địa phương.

Theo báo cáo của bà Christina Zhu - nhà kinh tế học tại Moody's Analytics, chỉ riêng trong nửa đầu năm nay, 12 công ty bất động sản của Trung Quốc đã không thể thanh toán tổng cộng 19,2 tỷ NDT (gần 3 tỷ USD) trái phiếu.

"Con số đó chiếm 20% trong tổng số vụ vỡ nợ trái phiếu trong 6 tháng đầu năm, cao nhất trong tất cả lĩnh vực", bà nói thêm.

Những rắc rối trong lĩnh vực bất động sản là trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng trong những tháng tới, Bắc Kinh có thể thay đổi lập trường và nới lỏng các quy định chặt chẽ đối với ngành công nghiệp bất động sản.

Mới đây, giới chức Bắc Kinh vừa tiết lộ mục tiêu chính của họ trong năm tới là xử lý những rào cản đối với tăng trưởng và ổn định nền kinh tế.

"Trung Quốc có thể cắt giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc, tăng tốc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với lĩnh vực bất động sản và nợ của chính quyền địa phương", ông Larry Hu - nhà kinh tế trưởng tại Macquarie Group Ltd. - nhận định.

Cuộc khủng hoảng địa ốc kéo tụt nền kinh tế Trung Quốc

Giới quan sát cho rằng trong tháng 11, nền kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục suy yếu vì khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.

Bắc Kinh có thể thay đổi lập trường để cứu nền kinh tế

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc có thể bổ sung gói hỗ trợ tài khóa và nới lỏng một số hạn chế để giúp nền kinh tế phục hồi.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm