Facebook hiện tại được biết đến như một nền tảng đầy rẫy tin giả. Kể từ sau khi phải đối diện với những chỉ trích vì thất bại trong việc ngăn chặn phát tán tin giả ở cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 12/2016, Facebook đã phải làm việc với khá nhiều các tổ chức fact-checking (xác minh dữ kiện) nhằm đánh giá và gỡ bỏ thông tin sai lệch.
Một trong số đó là Full Fact, tổ chức từ thiện có trụ sở tại London. Full Fact kiểm tra các thông tin trong bài viết đã công bố một báo cáo sau quá trình hợp tác kéo dài 6 tháng với “gã khổng lồ” công nghệ.
Full Fact này đã tiến hành kiểm tra 96 trường hợp trong quá trình hợp tác với Facebook. Trong đó, có 59 trường hợp bị đánh dấu là sai sự thật, 19 trường hợp vừa có cả thông tin thật và giả, 7 trường hợp là ý kiến chủ quan và 6 trường hợp khác được đánh giá có tính châm biếm.
Bất chấp nhiều tuyên bố của CEO Facebook Mark Zuckerberg về việc thanh lọc nội dung, tin giả vẫn tràn ngập trên mạng xã hội này. Ảnh: Cnet. |
Chỉ có 5 trong tổng số tất cả các bài đăng được đánh giá bởi những người dùng quan tâm đến tính xác thực là đúng sự thật. Các bài đăng được đánh giá bao gồm một loạt các vấn đề hiện tại, từ thông tin chính trị sai lệch cho đến những tuyên bố giả về vấn đề vaccine.
Theo một báo cáo của tờ The Times, phần lớn các thông tin đáng ngờ này cũng sẽ dẫn tới những tác hại đến sức khỏe. Chẳng hạn như một bài đăng cho rằng các nạn nhân bị đau tim nên ho “một cách liên tục và rất mạnh” cho đến khi có sự trợ giúp y tế. Quỹ Tim mạch Anh sau đó đã phải bác bỏ lời khuyên này nhưng đến nay bài đăng vẫn còn xuất hiện trên Facebook.
Vấn đề hiện tại được đánh giá phần lớn nằm ở những thuật toán của Facebook. Giám đốc Full Fact Will Moy cho biết Facebook “vẫn chưa hoàn thiện công đoạn giúp họ xác định một cách chính xác thông tin sai lệch”.
Thêm vào đó, thông tin được gắn cờ bởi các thuật toán và sau đó bị những người làm công việc kiểm tra đánh giá sai vẫn còn hiện diện trên trang, mặc dù phạm vi tiếp cận đã giảm tới hơn 80%.
Theo ông Moy, Facebook đã “miễn cưỡng” trong việc cung cấp cho các tổ chức thông tin chi tiết về sự tác động của quá trình fact-checking với các nội dung sai lệch. Nhiều tổ chức fact-checking như Snopes đã phàn nàn về việc này và sau đó dừng hợp tác vì lo ngại sự thiếu minh bạch từ phía Facebook.
Báo cáo cũng đề cập đến việc mặc dù Facebook đã mở rộng chương trình fact-checking tới nhiều quốc gia hơn, nhưng họ vẫn cần phải tăng cường khối lượng nội dung và tốc độ phản hồi.
Full Fact lưu ý rằng sáng kiến fact-checking là “đáng giá” và “các nền tảng Internet khác cũng cần một thứ tương tự”. Sau cùng, tổ chức này kết luận: “Chúng tôi muốn Facebook chia sẻ nhiều dữ liệu hơn với những người làm công việc kiểm tra để chúng tôi có thể giúp họ đánh giá các nội dung tốt hơn”.