Trong lễ cầu nguyện ngày 3/1, hàng nghìn tín đồ Hồi giáo ở Iran đã đồng loạt hô khẩu hiệu phản đối cuộc không kích ám sát thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, theo Reuters. |
Trong buổi lễ, các tín đồ nhiều lần đồng thanh hô: "Cái chết cho nước Mỹ". "Mỹ và kẻ thù Israel chịu trách nhiệm vụ giết chết Tư lệnh dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis và Tư lệnh lực lượng Quds Qassem Soleimani”, Ahmed al-Assadi, người phát ngôn của Lực lượng Huy động Nhân dân (Popular Mobilization Forces) ở Iraq do Iran hậu thuẫn, nói trước đó. |
Đối với người Iran, tư lệnh Soleimani vừa thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ hôm 3/1 là người hùng bảo vệ họ khỏi các thế lực bên ngoài, bao gồm cả lực lượng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). |
Tướng Soleimani cũng là nhân vật quyền lực thứ hai tại Iran, chỉ đứng sau lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Nhiều người dự đoán tướng Soleimani có tiềm năng trở thành nhà lãnh đạo tương lai của nước cộng hòa Hồi giáo. |
"Ông Soleimani không chỉ là một chiến binh hay người chỉ huy, ông ấy là hy vọng cho những người đang tuyệt vọng trên thế giới", một tín đồ Hồi giáo Iran nói với tờ Telegraph. Hàng trăm người khác cũng đến trước nhà của vị tư lệnh này hôm 3/1 để khóc than trước sự ra đi bất ngờ của ông. |
Trong cuộc thăm dò năm 2018 của Đại học Maryland, 64,7% người Iran có quan điểm ủng hộ Tướng Soleimani, trong khi đó Tổng thống Rouhani chỉ nhận được 23,5%. Điều này cho thấy vị chiến lược gia của Iran là người được ủng hộ mạnh mẽ nhất trong số các quan chức của nước này. |
"Sự nổi tiếng của ông ấy xuất phát từ việc trở thành một anh hùng trong chiến tranh nhưng không khoe khoang về điều đó trên truyền thông. Ông ấy giống như một đại sứ cho sức mạnh của Iran. Tôi nghĩ tất cả người Iran đều tự hào về ông ấy. Ai lại không được chứ?", Ramin Mozafarian, 42 tuổi, chủ sở hữu một cửa hàng vàng ở thủ đô Tehran, nói với Wall Street Journal. |
Cái chết của tư lệnh Soleimani được coi là mất mát lớn đối với người dân Iran. Ali Alfoneh, nhà nghiên cứu cộng tác với viện nghiên cứu Atlantic Council ở Washington, nói với Wall Street Journal: "Sự xuất hiện công khai của Soleimani là cách huy động người Hồi giáo Shia trên toàn thế giới ủng hộ cho cuộc chiến của Iran tại Trung Đông. Đây là kiểu anh hùng mà chế độ cộng hòa Hồi giáo này cần". |
Trong khi đó, Mỹ xem ông Soleimani là một mối đe dọa. "Soleimani đã tích cực âm mưu thực hiện nhiều hoạt động trong khu vực... điều đó sẽ khiến hàng chục, thậm chí hàng trăm người Mỹ gặp nguy hiểm", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết sau vụ ám sát. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ra tuyên bố cho rằng tướng Soleimani đang tích cực phát triển kế hoạch tấn công các nhà ngoại giao và nhân viên Mỹ ở Iraq và trên toàn khu vực. |