Theo nhà sinh vật học vũ trụ Dirk Schulze-Makuch từ Đại học bang Washington (Mỹ), con người đang tìm kiếm những hành tinh có thể cung cấp môi trường để sự sống phát triển. Tuy nhiên, sai lầm mà chúng ta thường mắc phải là cứ loay hoay đi tìm một Trái Đất thứ 2, trong khi có khả năng tồn tại những hành tinh cung cấp sự sống tốt hơn cả Trái Đất.
Các nhà khoa học đang rất quan tâm tìm "ngôi nhà mới" cho nhân loại. Ảnh: ESA. |
Các nhà thiên văn học đã đề cập về khái niệm “hành tinh siêu sống” (superhabitable planet - hành tinh có khả năng cung cấp điều kiện sống tốt hơn Trái Đất) được đánh giá thông qua các tính chất môi trường của hành tinh đó và chia thành 4 tiêu chí (già hơn, lớn hơn, ẩm ướt/ấm áp hơn cũng như quay quanh ngôi sao có tuổi thọ lớn hơn Trái Đất).
Schulze-Makuch và các cộng sự đã tìm ra 24 hành tinh cung cấp sự sống tốt hơn Trái Đất ở ít nhất một trong những tiêu chí nêu trên.
Một số hành tinh được tìm thấy cách Trái Đất rất xa và chưa từng có xác nhận chính thức nào. Thậm chí một số hành tinh dù đã được phát hiện và xác nhận, khoảng cách của chúng quá xa để có thể nghiên cứu chuyên sâu. Điển hình như một tiểu hành tinh có khả năng mang sự sống với kích thước tương tự Trái Đất đã được phát hiện cách chúng ta 124 năm ánh sáng.
Tuy nhiên, điều mà Schulze-Makuch hướng đến không phải tìm ra vị trí chính xác của những hành tinh đó. Ông chỉ muốn cho thấy rằng hành tinh siêu sống có thể nằm trong số các hành tinh mà ta đã tìm ra.
Ở Trái Đất, mất 3,5 tỷ năm để sự sống vĩ mô hình thành. Sau đó 5 tỷ năm, Mặt Trời sẽ vụt tắt. Tuy nhiên nếu có hành tinh quay quanh một sao lùn vàng, với khả năng phát sáng trong 70 tỷ năm thì hệ sinh thái của hành tinh đó sẽ đa dạng hơn khi so sánh với Trái Đất.
Đó chính là điều các nhà thiên văn học quan tâm để tìm kiếm một "ngôi nhà" tốt hơn cho nhân loại sinh sống trong tương lai.
Trong 24 hành tinh được đánh giá là siêu sống, chỉ có 9 hành tinh quay quanh sao lùn vàng, 16 hành tinh có độ tuổi 5-8 tỷ năm và 5 hành tinh có nhiệt độ lý tưởng (khoảng 19 độ C). Tất cả chúng nằm trong vùng cho phép để sự sống tồn tại quanh một ngôi sao.
Trong số này, chỉ có một hành tinh đạt đủ 4 tiêu chí của hành tinh siêu sống. Đó là hành tinh KOI 5715.01 với kích thước gấp 1,8 lần Trái Đất, cách chúng ta 3.000 năm ánh sáng.
Tuy số lượng không nhiều, các nhà thiên văn học vẫn ưu tiên "săn lùng" hành tinh siêu sống thay vì tìm kiếm hành tinh tương tự Trái Đất. Theo ông Schulze-Makuch, chúng ta sẽ có thêm nhiều thông tin hơn về các hành tinh này khi những kính thiên văn vũ trụ tiếp theo được vận hành.