Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tìm kiếm hạnh phúc bằng lý trí

Hạnh phúc là một cảm giác mãn nguyện được thiết lập trong trái tim bạn. Vậy làm thế nào bạn có được điều đó?

bao giong moi la doi anh 1

Ảnh minh họa: Sergey Makashin/Pexels.

Hạnh phúc là gì? Người Trung Quốc xưa kia đã đưa ra câu trả lời hợp lý khi tạo ra các mẫu tự cho từ “hạnh phúc”. Trong mẫu tự đầu tiên có biểu tượng “đất” ở phía trên và biểu tượng “tiền” ở phía dưới. Trong mẫu tự thứ hai có biểu tượng “quần áo” nằm ở bên trái, biểu tượng “gia đình” ở phía trên bên phải và ở phía dưới bên phải là biểu tượng “cánh đồng”. Nói cách khác, hạnh phúc là có đất đai, tiền tài, quần áo, thực phẩm và gia đình.

Nhưng hạnh phúc có thực sự được xây dựng trên những thứ như vậy không? Một số người tin rằng thịnh vượng có thể mang lại hạnh phúc nhưng tôi biết rất nhiều người giàu có không thực sự hạnh phúc. Một số người tin rằng tình cảm có thể mang lại hạnh phúc và hạnh phúc là gặp được một người bạn đời tâm đầu ý hợp, người mà họ hòa hợp về tâm hồn. Những người khác lại tin rằng hạnh phúc là có sức khỏe tốt.

Tôi biết một ông già luôn cúng dường cho tu viện và quyên góp từ thiện. Ông làm điều này mà không vì một ý niệm nào khác ngoài việc cầu an và cầu sức khỏe cho gia đình. Hạnh phúc xuất hiện theo nhiều cách khác nhau theo những giá trị khác nhau. Điều không thay đổi là hạnh phúc là một cảm giác mãn nguyện được thiết lập trong trái tim bạn. Vậy làm thế nào bạn có được điều đó?

Các triết gia như Socrates, Plato và Hegel đều đồng ý rằng con người nên theo đuổi hạnh phúc một cách lý trí. Hạnh phúc dựa trên cảm xúc chỉ là một trải nghiệm nhất thời và giống như viết trên nước, nó không kéo dài.

Vì vậy, hãy cùng khám phá cuộc tìm kiếm hạnh phúc bằng lý trí. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc quan sát một số phẩm chất của thứ mà chúng ta thường gọi là hạnh phúc.

Cảm giác hạnh phúc của chúng ta là thoáng qua

Mặc dù tất cả chúng ta đều mong muốn hạnh phúc sẽ ở lại mãi mãi nhưng khi thời gian trôi qua và chúng ta dần quen với điều đã mang lại cho chúng ta hạnh phúc thì cảm giác tươi mới sẽ biến mất.

Ví dụ, ngồi trong ngôi nhà mới đầy đủ tiện nghi, chúng ta có thể cảm thấy phấn chấn, nhưng chẳng mấy chốc cảm giác này sẽ bắt đầu biến mất. Một người đàn ông có thể thấy mình là người hạnh phúc nhất thế gian khi mới kết hôn nhưng nhiều năm sau, anh ta sẽ thấy hôn nhân thật mệt mỏi và vợ chồng bỗng chốc như người xa lạ. Hạnh phúc của chúng ta không trường tồn hay bất biến.

Hạnh phúc giảm đi mỗi khi đạt được điều tương tự

Khi cuối cùng có được thứ gì đó mình mong muốn thì chúng ta thường cảm thấy hạnh phúc. Nhưng khi chúng ta nhận được điều tương tự lần thứ hai, cảm giác hạnh phúc không tuyệt vời như trước nữa. Cuối cùng, hiệu ứng tích cực của đối tượng gần như hoàn toàn mất đi.

Nỗ lực càng lớn, sự hài lòng càng lớn

Chúng ta có thể cảm thấy hạnh phúc khi có được thứ gì đó khó đạt được. Ví dụ, một Phật tử Tây Tạng hành hương đến Lhasa bằng cách thực hiện lễ lạy suốt đường đi và ai chịu đựng được gian khổ lớn lao sẽ cảm thấy hạnh phúc khi đến nơi.

Không có hạnh phúc nếu thiếu lòng khát khao

Nếu chúng ta luôn nghĩ đến sự sung sướng khi chúng ta có được điều gì đó thì cuối cùng khi có được rồi, chúng ta sẽ cảm thấy vui mừng khôn xiết. Tuy nhiên, nếu chúng ta không quan tâm đến một thứ gì đó thì cho dù chúng ta có nhận được nó hay không cũng chẳng hề hấn gì. Bánh ngọt không phải là nguồn hạnh phúc của người không thích bánh ngọt.

Hạnh phúc không phụ thuộc vào môi trường

Hãy xét một người sống trong một khu ổ chuột và một người sống trong một cung điện xa hoa. Chỉ nhìn thấy như vậy, chúng ta không thể nói chắc chắn ai hạnh phúc hơn ai.

Hạnh phúc dễ bị lu mờ

Chẳng hạn chúng ta đang chìm ngập trong nỗi buồn vì một bi kịch trong cuộc đời. Nếu tại thời điểm đó, nhờ nỗ lực hết mình, cuối cùng chúng ta cũng có được cái gì đó mình hằng khao khát thì nó cũng sẽ không mang lại cho chúng ta nhiều hạnh phúc.

Hạnh phúc chúng ta thường nghĩ đến phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài nhưng khi nhìn nhận một cách đúng đắn, chúng ta sẽ nhanh chóng thấy rằng hạnh phúc không đáng tin cậy lắm.

Nếu chẳng bao giờ nhận ra điều này và cứ tiếp tục mong đợi những thứ bên ngoài mang lại sự hài lòng lâu dài thì cho dù cả đời nỗ lực, chúng ta cũng sẽ không thấy thỏa mãn và điều đó còn có thể ngăn cản hạnh phúc của chúng ta tăng trưởng.

Điều này là do ham muốn của con người là vô tận. Một kinh điển Phật giáo nói rằng ngay cả khi một cơn mưa trang sức từ trên trời rơi xuống và ngay cả khi ai đó trải nghiệm tất cả những dục lạc tuyệt vời trên thế gian, nếu ham muốn quá mạnh mẽ, họ vẫn không thể cảm nhận được sự thỏa mãn.

Tôi gặp rất nhiều doanh nhân thành đạt. Họ giàu có và nổi tiếng nhưng họ vẫn đang muốn có nhiều hơn nữa. Thay vì thấy hài lòng, họ cảm thấy lo lắng và trống rỗng, thậm chí chẳng có một chút hương vị của hạnh phúc.

Xưa kia có một phú ông quyết định lên đường đi tìm hạnh phúc. Ông ta chất lên lưng nào vàng bạc, trang sức. Sau khi leo qua biết bao núi, băng qua bao nhiêu sông, ông ta vẫn không thể tìm được hạnh phúc.

Một hôm, trong lúc tuyệt vọng, ông ngồi phịch xuống bên đường. Một lát sau, một người nông dân tình cờ đi ngang qua. Phú ông bèn hỏi ông ta: “Anh có thể vui lòng cho biết tôi có thể tìm thấy hạnh phúc ở đâu không? Dẫu đã tìm kiếm khắp nơi, tôi vẫn không thể tìm ra hạnh phúc ở chốn nào”.

Người nông dân đặt bó củi nặng đang mang xuống, lau mồ hôi nhễ nhại trên trán và nói: “Đặt cái này xuống là hạnh phúc rồi!” Điều này là một sự giác ngộ cho phú ông. Ông ta chợt hiểu ra làm thế nào buông bỏ những rắc rối của bản thân và đêm đó, lần đầu tiên kể từ khi lên đường, ông chìm vào một giấc ngủ an lành.

Có rất nhiều điều mà chúng ta cảm thấy bản thân không thể buông xuống. Nhưng khi chúng ta buông xuống được, chúng ta sẽ bắt đầu cảm nhận hạnh phúc chân thực. Với một tâm hài lòng, ngay cả khi cuộc sống của chúng ta không hoàn hảo và chúng ta không thể hoàn toàn đạt được mục tiêu, chúng ta vẫn có thể tìm thấy hạnh phúc lâu dài.

Khenpo Sodargye/NXB Hà Nội & Thái Hà Books.

SÁCH HAY