Tối 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các thành viên Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và các đối tác phát triển đã có phiên thảo luận trao đổi về các động lực mới cho phát triển kinh tế của các nước tiểu vùng Mekong mở rộng.
Tiểu vùng Mekong mở rộng GMS, khu vực rộng lớn, với số dân 340 triệu người, bao gồm 5 quốc gia Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc nhiều năm qua gắn tăng trưởng kinh tế với lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và môi trường phát triển đang có chuyển đổi sâu sắc, lãnh đạo các nước GMS cùng chia sẻ nhận định khu vực cần có những động lực mới cạnh tranh mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của mình.
"Nguồn lực mới cho phát triển, trước hết đến từ việc phát huy tốt nội lực của chính mình, mỗi nền kinh tế chúng ta cần tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, để giải phóng mọi nguồn lực tiềm năng, sức sáng tạo của các doanh nghiệp, người dân", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tối 30/3.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nội lực của mỗi nước cũng là nền tảng cho thành công của hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế khu vực, thu hút sự hỗ trợ của các đối tác phát triển quốc tế.
Một động lực phát triển quan trọng khác đó là tiến bộ, đột phá của khoa học công nghệ. Thủ tướng cho rằng bản thân các doanh nghiệp hiểu rõ hơn ai hết cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ mới sẽ là yếu tố tiềm năng kết nối các nền kinh tế GMS và CLV lại với nhau theo cách phi truyền thống, vượt ra ngoài sự tưởng tượng của những nhà khởi xướng GMS cách đây 25 năm.
Thủ tướng phát biểu trong phiên thảo luận trao đổi về các động lực mới cho phát triển kinh tế của các nước tiểu vùng Mekong mở rộng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Thủ tướng nhận định phát triển nhanh và bền vững phải là yêu cầu hàng đầu, là mệnh lệnh của các thế hệ tương lai. Tăng trưởng nhanh nhưng phải gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong quý báu.
Thủ tướng cho rằng đất nước phát triển trước hết dựa trên sự phát triển của các doanh nghiệp. Để đảm bảo sự phát triển, cần duy trì môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh mạnh mẽ, cắt bỏ các cầu phần, quy định không cần thiết. Việt Nam cần giải quyết 3 điểm nghẽn phát triển, bao gồm cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách pháp luật.
Các đoàn đại biểu đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh GMS 6 ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Thủ tướng cũng đề cao tiếng nói của doanh nghiệp, từ đó hoàn thiện các quy tắc, hoạt động tại các cấp địa phương, đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế.
Thủ tướng nhận định có 3 trụ cột của phát triển bền vững: Thứ nhất là bền vững về kinh tế, trong đó đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và người dân. Thứ hai là bền vững về môi trường, trong đó đảm bảo môi trường tốt cho người dân và xã hội. Thứ ba là đảm bảo bền vững về văn hóa và xã hội cho người dân và đất nước, đảm bảo nhân dân sống hài hòa, thân thiện.
Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS là sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6.
Khung cảnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh GMS 6. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Diễn đàn được kỳ vọng sẽ tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp và chính phủ, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới. Thông qua các mạng lưới kết nối, các doanh nhân có điều kiện chia sẻ tầm nhìn phát triển, học hỏi cơ hội từ những người đi trước, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mình.
Các hoạt động đầu tiên của Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS đã khởi động sáng 30/3, với Phiên họp Hội đồng Kinh doanh GMS. Ước tính, khoảng 2.000 doanh nhân và đại biểu tham dự Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS năm nay.