Cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và thương mại là 3 lĩnh vực được thảo luận trong các phiên họp chuyên đề của Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS.
|
Trong khuôn khổ Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS ngày 30/3, ba phiên thảo luận chuyên đề đã diễn ra với các chủ đề: "Phát triển và Tài chính cho cơ sở hạ tầng", "Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực GMS" và "GMS và thương mại toàn cầu".
|
|
Tại phiên thảo luận "Phát triển và Tài chính cho cơ sở hạ tầng", các diễn giả đều đưa ra quan điểm cơ sở hạ tầng đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của các quốc gia khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng. |
|
"Cơ sở hạ tầng chất lượng cao bao gồm chuẩn mực chất lượng cao và chi phí môi trường thấp sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô việc làm, chuyển dịch kỹ thuật cho địa phương, từ đó đóng góp cho phát triển bền vững", Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio nhận định. |
|
Các diễn giả cho rằng trong bình minh của cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối cơ sở hạ tầng cũng đồng nghĩa với kết nối các nền kinh tế. Những thách thức và xung đột về phát triển cơ sở hạ tầng, thông qua hợp tác cùng có lợi, sẽ tạo ra cơ hội phát triển cho tất cả các quốc gia GMS. |
|
Trước nhu cầu rất lớn về phát triển cơ sở hạ tầng của các quốc gia trong khu vực, các chuyên gia chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của khu vực tư nhân, cũng như lợi ích mà nhóm này có thể thu được trong phối hợp cùng các chính phủ. "Thời gian đối với khu vực tư nhân là vàng, họ sẽ chỉ tập trung thực hiện những gì sinh lợi. Chính bởi vậy, các dự án khu vực tư nhân triển khai sẽ có hiệu quả cao", ông Ulrich Zachau, giám đốc Ngân hàng Thế giới phụ trách Quan hệ đối tác khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, đánh giá. |
|
Trong phiên thảo luận "GMS và thương mại toàn cầu", các diễn giả nhất trí các quốc gia tiểu vùng Mekong đã hưởng lợi to lớn từ toàn cầu hóa và lưu chuyển thương mại và dịch vụ xuyên biên giới. Khi bối cảnh thương mại quốc tế liên tục thay đổi, các quốc gia GMS cần bắt kịp những phát triển mới và tiếp tục tận dụng được các cơ hội phát triển kinh tế thông qua thương mại, từ đó rút ngắn khoảng cách phát triển với các quốc gia khác. |
|
Tại phiên thảo luận "Ứng dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp khu vực GMS", các diễn giả nhất trí nông nghiệp là một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và động cơ của phát triển bền vững ở các quốc gia GMS. Các nước cần phát triển ngành công nghiệp có tính cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập tốt vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. |
|
Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS là sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6. Trong lần đầu tiên được tổ chức, Diễn đàn thu hút sự tham gia của khoảng 2.000 doanh nhân và đại biểu đến từ nhiều quốc gia.
|
|
Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS được kỳ vọng sẽ tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp và chính phủ, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới. Thông qua các mạng lưới kết nối, các doanh nhân có điều kiện chia sẻ tầm nhìn phát triển, học hỏi cơ hội từ những người đi trước, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mình. |
Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng mekong GMS
Mekong
Mekong
GMS
hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng mekong mở rộng
cơ sở hạ tầng