Chiều 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng lãnh đạo các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc đồng chủ trì Phiên toàn thể Đối thoại chính sách của Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS.
Tại phiên làm việc, các nhà lãnh đạo sẽ cùng xác định những nhân tố có khả năng trở thành động lực tăng trưởng kinh tế mới ít phụ thuộc vào lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, những động lực được đánh giá là chìa khóa thành công của các nước tiểu vùng Mekong mở rộng trong tương lai.
Bên cạnh xác định các động lực tăng trưởng, các lãnh đạo cũng thảo luận về biện pháp để tạo ra môi trường thuận lợi nuôi dưỡng và phát triển các động lực tăng trưởng này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tổng duyệt chuẩn bị Hội nghị GMS-6 và CLV-10 hôm 27/3. Ảnh: VGP. |
Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS là sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6.
Diễn đàn được kỳ vọng sẽ tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp và chính phủ, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới. Thông qua các mạng lưới kết nối, các doanh nhân có điều kiện chia sẻ tầm nhìn phát triển, học hỏi cơ hội từ những người đi trước, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mình.
Các hoạt động đầu tiên của Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS đã khởi động sáng 30/3, với Phiên họp Hội đồng Kinh doanh GMS. Ước tính, khoảng 2.000 doanh nhân và đại biểu tham dự Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS năm nay.
Các đại biểu tham dự Phiên họp Hội đồng Kinh doanh GMS sáng 30/3. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng được khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các nước thành viên gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây.
Cho tới nay, GMS đã tổ chức được 22 hội nghị Bộ trưởng và 5 hội nghị thượng đỉnh. Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng với mục tiêu dài hạn là thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc, đưa tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.