Tìm hoa tôi tìm ngón thơm xoè nắng
em vẫy gọi tôi mùa tình trong trắng.
***
tìm hoa tôi tìm cánh môi thần tiên
em truyền sang tôi nóng bỏng lửa thiêng.
***
tìm hoa tôi tìm gót hài vũ điệu
em dìu tôi say thụ cầm huyền diệu.
***
tìm hoa tôi tìm yếm thắm váy nhung
một nẻo tân hôn vời vợi muôn trùng.
***
mùa hạ trôi qua tơi bời phượng đỏ
mùa thu trôi qua cúc tàn ngõ nhỏ.
***
em bỏ tôi đi dằng dặc mùa đông
tôi tìm gầy guộc gặp em bạc lòng.
***
mùa xuân thương ai tươi ròng muôn sắc
cả một trời hoa sương nhoà nước mắt...
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Cổ nhân thường nói “thi trung hữu nhạc” (trong thơ có nhạc) quả không sai. Điều đó thể hiện rất rõ trong bài Tìm hoa của Nguyễn Trọng Tạo. Ở đây, những rung động trong trái tim thi sĩ đã được điệu hồn nhạc sĩ nâng đỡ, hòa quyện vào nhau ngân lên những nốt dặt dìu. Nhịp 4/4 của bài thơ định hình trạng thái cảm xúc. Cấu trúc nhịp đều đặn, có tính lặp lại cùng với khả năng hài âm, hòa thanh từ những lời thơ nhiều vần bằng, vang ngân và rộng mở đã tạo nên nhạc tính của bài thơ.
Tìm hoa cũng chính là tìm em, bài thơ cũng là bản nhạc. Ngón thơm xòe nắng, cánh môi thần tiên, gót hài vũ điệu, yếm thắm váy nhung là nốt cao mơ mộng và hy vọng. Tiếp sau đó trong một chuyển động không ngừng, nẻo tân hôn vời vợi, tơi bời phượng đỏ, ngõ nhỏ cúc tàn, mùa đông dằng dặc là quãng trầm buồn bã và thất vọng. Tìm hoa để rồi một trời sương hoa nhòa nước mắt là thanh âm còn thánh thót, run rẩy trước khi rơi vào im lặng…
Tìm hoa giàu nhạc tính đến mức có thể hát lên được. Nhưng không thể nói rằng bài thơ không làm ta nhớ đến Đóa hoa vô thường của Trịnh Công Sơn.