Giảm chi phí logistics, tận dụng 2 loại hình vận chuyển hàng không và đường sắt để thúc đẩy xuất khẩu nông sản là nội dung hội nghị kết nối trực tuyến doanh nghiệp nông sản - đường sắt - hàng không được Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 8/9.
Đường sắt ít vận chuyển hàng xuất khẩu
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết năm 2019 kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 25,5 tỷ USD, trong đó có 6/9 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, do tính đặc thù của một số loại nông sản như tính thời vụ theo mùa, chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng… nên hoạt động logistics phục vụ vận chuyển hàng nông sản đòi hỏi một quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, lưu trữ, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng.
Hàng nông sản Việt Nam khó vươn ra thế giới vì chi phí logistics. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong khi đó, chí phí logistics để vận chuyển nông sản hiện tại rất đắt đỏ, không có nhiều lựa chọn phương thức vận chuyển nên không cạnh tranh. Hiện tại, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông sản qua đường bộ và đường biển. Còn vận chuyển bằng đường hàng không và đường sắt rất hạn chế.
Ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch - Kinh doanh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết doanh nghiệp này có thể đáp ứng được việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt không chỉ đi Trung Quốc mà còn Nga, các nước EU và Trung Đông.
Vị này cho biết đường sắt có thể vận chuyển an toàn, ổn định hàng hóa từ Việt Nam đi châu Âu mất khoảng 20 ngày, trong đó bao gồm trọn gói dịch vụ xuất nhập khẩu, kho bãi… Trong khi đó, hàng hóa có thể vận chuyển từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Lào Cai hoặc Đồng Đăng (Lạng Sơn) mất khoảng 70 tiếng. Từ đó có thể vận chuyển đi các ga trong nội địa Trung Quốc mất khoảng 2-3 ngày.
Tuy nhiên, ông Nam cũng nêu thực trạng trong các tháng đầu năm, theo thống kê có 864.000 tấn rau quả của Việt Nam xuất khẩu qua Lào Cai và Đồng Đăng, nhưng lượng hàng đi bằng đường sắt rất khiêm tốn, chỉ khoảng 17.000 tấn.
Ngành đường sắt cho biết có thể tổ chức được 5 đôi tàu với trọng tải khoảng 6.300 tấn mỗi ngày để vận chuyển hàng hóa đi nước ngoài. Riêng vận chuyển Việt Nam sang châu Âu có thể tổ chức 2 đôi tàu liên vận, mỗi chuyến vận chuyển được 12 container riêng rẽ.
Kém cạnh tranh vì chi phí logistics
Ông Đỗ Xuân Quang, Phó tổng giám đốc VietJet Air, cũng cho biết ngoài đường sắt thì ngành hàng không cũng có nhiều tiềm năng để vận chuyển hàng hóa. Hàng không hoàn toàn có thể vận chuyển các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như hàng hóa điện tử, dệt may và sản phẩm nông nghiệp như hoa quả, rau củ, hoa cắt cành và thủy hải sản…
Tuy nhiên, hiện tại hàng hóa mới chỉ vận chuyển kết hợp với vận chuyển khách nên phụ tải không nhiều. Thực tế hiện tại, VietJet đã tổ chức một số chuyến bay vận tải nội địa Hà Nội - TP.HCM, nhưng lượng hàng lấp đầy chỉ đạt trên dưới 50%. Trong khi đó, chi phí vận chuyển hàng không vẫn rất đắt đỏ cũng là rào cản để thúc đẩy logistics trong lĩnh vực này.
Chi phí vận chuyển bằng đường sắt ở Việt Nam đang quá cao. Ảnh: Việt Hùng. |
Đồng tình, ông Vũ Tiến Dũng, Trưởng phòng Hàng hóa Bamboo Airways, cho biết hãng này đang sắp xếp một số chuyến bay vận tải hàng hóa kết nối với Đức, Hàn Quốc trong bối cảnh dịch. Ông mong muốn sắp tới sẽ có nhiều khách hàng chọn vận chuyển hàng không, để có thể tăng khối lượng và hạ giá thành.
Tuy nhiên, đại diện nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu nêu ra những khó khăn để có thể chọn vận chuyển hàng hóa bằng hàng không và đường sắt. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho biết giá cước vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không sang Mỹ và Canada vẫn rất cao, phụ thuộc vào các hãng bay nước ngoài.
Hiện có 4 hãng bay xuất phát từ Việt Nam có thể vận chuyển hàng vào Mỹ. Trong số này không có hãng bay nào của Việt Nam.
Về đường sắt, ông Tùng nêu thực trạng vận chuyển hàng sang Trung Quốc bằng đường bộ vẫn ổn định và cơ động. Trong khi đó, vận chuyển bằng đường sắt phải trung chuyển quá nhiều. Ông lấy ví dụ muốn bán thanh long từ Long An phải chuyển đến ga Sóng Thần, rồi trung chuyển ở ga Đồng Đăng rồi mới đi qua Trung Quốc.
“Trung chuyển quá nhiều, hàng hóa không bảo đảm chất lượng”, ông chia sẻ.
Ông Tùng cũng nêu thực trạng công nghệ bảo quản của các trái cây khác nhau nên để vận chuyển bằng đường sắt không đơn giản. Điển hình như chôm chôm sẽ bảo quản ở 5-6 độ C, nhãn 1 độ C, dừa 2 độ C…
Vị này cũng nêu thực trạng nông sản Thái Lan vươn ra thị trường thế giới là nhờ chi phí logistics rất cạnh tranh. Chính phủ Thái Lan cũng hỗ trợ lĩnh vực này để đưa hàng hóa ra thế giới dễ dàng hơn. Do đó, nếu không cải thiện khâu logistics, hàng hóa Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Đồng tình, ông Hoàng Văn Hoan, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần TMS Thương mại, cho rằng Việt Nam khá yếu về logistics, đặc biệt là đường sắt. Ông nhấn mạnh đường sắt phải giảm 50% giá thì mới có thể cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc.
Ông cho biết cùng là hàng hóa chất lượng, nhưng Trung Quốc có lợi thế về logistics tốt hơn, nên hàng Việt Nam không thể cạnh tranh.
“Hàng tốt, giá mua như nhau, nhưng sau đó chúng ta lại thua về giá logistics. Nông sản Việt chất lượng tốt nhưng vẫn bại trận vì chi phí logistics”, ông này nói.
Đề xuất có hãng hàng không chuyên vận chuyển
Đại diện VietJet Đỗ Xuân Quang đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp, làm thế nào để hạ giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm thị trường quốc tế.
Ông Quang đề xuất cần có một hãng hàng không (cargo airlines) với đội máy bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt (freighter) phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt như bưu điện.
"Có như vậy giá cước phí máy bay mới giảm được. Một hãng hàng không như vậy cũng phải được Chính phủ tài trợ với chính sách tài khóa phù hợp", ông nói.
Ngoài ra, ông cũng đề xuất cần đầu tư mạnh vào hệ thống logistics phục vụ lưu trữ, bảo quản, thông quan bảo đảm chất lượng xuất khẩu của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Về phía đường sắt, ông Hoàng Văn Hoan cho rằng ngành đường sắt phải chủ động tự tiết giảm chi phí, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hạ giá thành.