Thực trạng "review" (thực chất là "recap") phim trong video ngắn 3-5 phút hoặc 10 phút tràn lan trên mạng xã hội TikTok đang là vấn nạn đối với sự phát triển của nền điện ảnh, truyền hình nội địa và để lại nhiều hệ lụy về cách thưởng thức nghệ thuật.
Với các nền tảng cung cấp dịch vụ giải trí trực tuyến trong nước có bản quyền, đây thực sự là bài toán đau đầu. Ngoài vấn nạn xem phim lậu, các nhà phát hành trực tuyến còn đối mặt với những khó khăn khi hàng loạt bộ phim sau khi được đăng tải trên nền tảng đã ngay lập tức bị các kênh TikTok cắt ghép, tiết lộ toàn bộ nội dung hình ảnh.
Video tóm tắt phim trên TikTok là độc hại, ăn cắp
Trao đổi với Zing, bà Võ Ngọc Hân - Giám đốc nội dung bản quyền Galaxy Play - cho rằng việc TikTok tràn ngập những video "review" tổng hợp hoặc các đoạn cắt từ phim điện ảnh trong vài phút ảnh hưởng tiêu cực đối với thói quen thưởng thức phim của khán giả.
Đối với những người dùng thiếu kiên nhẫn, họ chỉ cần bỏ ra chưa đầy 5 phút để xem review và không có nhu cầu theo dõi trọn vẹn một tác phẩm điện ảnh trên các nền tảng phim trực tuyến có tính phí hoặc rạp chiếu. Tùy vào cách thức review phim mà việc ảnh hưởng đối với nhà phát hành lớn hay nhỏ.
Mắt biếc là một trong những phim Việt bị xâm hại trên TikTok. |
Với cách thức gắn mác review phim nhưng dùng lời kể sai lệch, chủ quan sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng về cái nhìn của khán giả đối với nội dung và thông điệp của một bộ phim. Điều này không chỉ gây thiệt hại về doanh thu cho nhà phát hành mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về uy tín, danh dự cho nhà sản xuất phim.
Theo vị này, hiện nay một bộ phận người dùng đang bị phụ thuộc khá nhiều vào sự lan truyền tin tức từ mạng xã hội. Họ dễ bị tác động và mang theo định kiến với các luồng thông tin được lan truyền và chưa có kiểm chứng. Điều này dẫn đến cái nhìn sai lệch đối với các sản phẩm trí tuệ nói riêng và gây ảnh hưởng chung đến thói quen, đam mê và sự thích thú của khán giả đối với các tác phẩm phim ảnh.
Các video review hoặc trích phim tràn ngập trên TikTok. |
Ngoài ra, theo đại diện của công ty sở hữu bản quyền nhiều phim Việt, việc các kênh TikTok sử dụng video trích từ bộ phim rồi lồng ghép lời dẫn và đăng trên kênh cá nhân là hành vi vi phạm bản quyền. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các công ty kinh doanh về cả doanh thu lẫn lượng người dùng.
"Khi nhà cung cấp bỏ chi phí đầu tư ra mà các bên ăn cắp bản quyền một cách ngang nhiên mà không có sự quản lý, kiểm soát nào thì sẽ dẫn đến một môi trường độc hại cho việc sở hữu bản quyền trí tuệ. Thay vì mang đến những sản phẩm trí tuệ cao, chất lượng thì các nhà cung cấp sẽ e dè trong việc đầu tư. Điều này gây thiệt hại cho người dùng", bà Hân trao đổi.
Ngoài ra, vấn nạn review phim theo hướng sai lệch, có nội dung dung tục mà không phân loại độ tuổi sẽ gây ra sự nhận thức sai lệch, ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý của khán giả nhỏ tuổi.
Cần quản lý các nội dung đưa lên mạng xã hội
Từ thực trạng trên, bà Ngọc Hân cho rằng các cơ quan có thẩm quyền nên yêu cầu các nhà mạng đưa ra quy định và chế tài rõ ràng để quản lý các nội dung đưa lên mạng xã hội. Ví dụ, vi phạm quá 2 lần sẽ khóa vĩnh viễn tài khoản đó, để tạo nên một sân chơi kiến thức lành mạnh, bổ ích cho người dùng mạng và nhất là giới trẻ.
"Chúng tôi luôn tha thiết mong các cơ quan có thẩm quyền hãy xem xét nhiều hơn đến việc quản lý chặt chẽ các sản phẩm trí tuệ. Điều này sẽ mang đến không gian mạng an toàn cho giới trẻ và giúp các doanh nghiệp Việt như chúng tôi có thể dám mạnh dạn sáng tạo, sản xuất được nhiều nội dung tốt phục vụ người xem", vị này chia sẻ.
Vấn nạn review phim trên TikTok gây hệ lụy tiêu cực cho nền điện ảnh Việt Nam. |
Đại diện một doanh nghiệp khác xác nhận với Zing về việc hiện tại TikTok chưa làm chặt vấn đề bản quyền. Hiện tại, để giải quyết vấn đề xâm hại bản quyền, doanh nghiệp thường chủ động tự quét mỗi khi chương trình được đăng lên app. Nếu thấy xâm phạm đến bản quyền sẽ báo cáo và chủ động xử lý.
Trao đổi với Zing về vấn nạn review phim trên TikTok, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nói: "Những video như thế này không được coi là phim, theo khái niệm của luật. Để giải quyết vấn đề này thuộc về thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông".
Về phía nhà phát hành, đại diện BHD Star cho biết việc sử dụng những hình ảnh cắt ghép mà không có sự cho phép của đơn vị sở hữu bản quyền phim là hành vi vi phạm bản quyền. Theo Nghị định số 131/2013/NĐ-CP - Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, hành vi "tóm tắt toàn bộ phim" là trái pháp luật.
"Hiện nay các công ty công nghệ lớn đều làm rất chặt việc bảo vệ bản quyền. Chúng tôi hy vọng sắp tới đây, công ty chủ quản TikTok cũng sẽ dần áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn để bảo vệ bản quyền không chỉ âm nhạc mà còn là hình ảnh, phim ảnh", người này cho biết.