Thẩm phán Carl Nichols, thuộc Tòa án quận Columbia, Washington ở Mỹ đã quyết định chặn lệnh cấm TikTok từ Bộ Thương mại Mỹ. Như vậy, TikTok sẽ không bị xóa khỏi các kho ứng dụng App Store trên iOS và Google Play trên Android từ 23h59 ngày 27/9 (giờ Mỹ, tương đương 13h59 ngày 28/9 theo giờ Việt Nam).
Ứng dụng TikTok sẽ có thêm thời gian tại thị trường Mỹ chứ không bị cấm sau ngày 27/9. Ảnh: Getty. |
Ông Nichols đã chấp thuận yêu cầu từ phía TikTok về việc tạm ngưng lệnh cấm đối với công ty này, sau khi cân nhắc các tài liệu mà chính quyền Mỹ cung cấp. Tuy nhiên, đây chỉ là thắng lợi tạm thời của TikTok, bởi lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ còn nêu rõ tất cả giao dịch đối với TikTok sẽ bị chặn từ ngày 12/11.
Điều đó đồng nghĩa ứng dụng này sẽ không được lưu trữ trên các máy chủ tại Mỹ, gây khó khăn cho việc sử dụng, truy cập. TikTok cho rằng điều đó sẽ khiến app gần như không thể sử dụng tại Mỹ. Phán quyết vừa đưa ra của tòa không đề cập tới lệnh cấm giao dịch này.
Trước đó, ngày 24/9 Thẩm phán Carl Nichols tại tòa án quận Columbia, Washington đã yêu cầu chính quyền Mỹ cân nhắc lại lệnh chặn TikTok. Đây là quyết định của Thẩm phán Nichols sau khi nhận đơn yêu cầu tạm hoãn lệnh cấm từ ByteDance, công ty sở hữu TikTok. Trong đơn đề nghị, TikTok cho rằng lệnh cấm được đưa ra vì "những toan tính chính trị liên quan cuộc bầu cử sắp tới" thay vì lo ngại an ninh quốc gia.
Bộ Tư pháp Mỹ sau đó đã cung cấp các bằng chứng để ủng hộ quyết định chặn TikTok. Các luật sư của chính phủ Mỹ, trong phản hồi đệ trình lên tòa ngày 25/9, lập luận TikTok không chứng minh được lệnh cấm ngày 27/9 sẽ gây ra "tổn hại không thể khắc phục" cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Lệnh cấm ban đầu với TikTok và WeChat được áp dụng từ ngày 20/9. Tuy nhiên, TikTok được gia hạn một tuần sau khi Tổng thống Donald Trump đồng ý với các thỏa thuận mua lại TikTok ở Mỹ của Oracle và Walmart. Ông Trump muốn các công ty Mỹ phải chiếm đa số ở TikTok Global, công ty mới được thành lập, và ByteDance phải từ bỏ phần lớn cổ phần ở công ty này.
Sức ép từ Mỹ là một phần lý do khiến CEO Kevin Mayer của TikTok từ chức sau hơn 3 tháng nhận vị trí. Ảnh: FT. |
Dù vậy, cơ cấu phức tạp của thỏa thuận được tiết lộ sau đó khiến cho 2 bên chưa đi đến sự đồng thuận cuối cùng. Ông Trump lại tuyên bố sẽ không chấp nhận thỏa thuận nếu Oracle và Walmart không nắm "toàn quyền kiểm soát". Oracle cũng khẳng định ByteDance không sở hữu bất kỳ cổ phần nào của TikTok Global.
"Nếu chúng tôi nhận thấy họ không có toàn quyền kiểm soát, chúng tôi sẽ không thông qua thỏa thuận", ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn vào trên chương trình Fox & Friends.
Những tuyên bố mâu thuẫn khiến cho thương vụ mua lại TikTok vẫn chưa có tiến triển. Bên cạnh đó, thỏa thuận vẫn có thể bị Trung Quốc làm gián đoạn. China Daily, tờ báo tiếng Anh chính thức của chính phủ Trung Quốc, gần đây đã gọi thỏa thuận TikTok là “không công bằng, dựa trên bắt nạt và ép buộc để thu lợi”.
Vào ngày 24/9, ByteDance cho biết công ty này đã đệ đơn hợp tác với Oracle và Walmart lên Bộ Thương mại Trung Quốc. Với quy định được giới thiệu vào cuối tháng 8, mọi công ty Trung Quốc muốn xuất khẩu công nghệ, đặc biệt là thuật toán trí tuệ nhân tạo, sẽ phải xin giấy phép.
Lệnh cấm tải ứng dụng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của TikTok. Trong đơn gửi tòa án, các giám đốc điều hành TikTok nói tốc độ tăng trưởng của công ty đã tăng vọt trong vài năm qua, với hơn hai tỷ lượt tải ứng dụng. Kể từ khi tin tức về việc cấm ứng dụng ở Mỹ bắt đầu lan truyền, các nhà quảng cáo đã rút khỏi TikTok, làm giảm doanh thu của công ty.