Thể loại: Chính kịch
Đạo diễn: Alan Yang
Diễn viên chính: Tzi Ma, Christine Ko, Lý Hồng Kỳ
Zing.vn chấm điểm: 7/10
Sau đám tang của mẹ, Phẩm Thụy (Tzi Ma), người đàn ông xa quê quá nửa đời người, quay trở lại Mỹ và nhận ra bản thân đang chìm sâu trong cô độc. Hôn nhân đổ vỡ, không tìm được tiếng nói chung với cô con gái Angela (Christine Ko), tất cả những gì Phẩm Thụy có chỉ còn là những gian nhà trống vắng, nhịp sinh hoạt lặp đi lặp lại, và biết bao ký ức của một cuộc đời đã qua.
Đôi khi, giữa cuộc đời bận rộn, ta vô tình tìm lại được một đồ vật đã cũ - bức ảnh, lá thư, một đĩa nhạc, bất kể thứ gì. Món đồ vô tri ấy tỏa ra một sức mê hoặc lạ kỳ, buộc ta phải dành thời gian để gắm nhìn, khơi dậy những ký ức gắn liền với nó. Phần cuộc đời của Phẩm Thụy được kể lại trong Tigertail chính là chuỗi ngày suy tư hoài niệm như thế.
Người đàn ông tìm lại những người phụ nữ trong đời
Vốn mồ côi cha từ nhỏ, Phẩm Thụy lớn lên trong sự chăm sóc của mẹ và bà. Thời thơ ấu của ông là nỗi nhớ mẹ cha da diết, tới độ nhìn thấy cả ảo ảnh của họ thấp thoáng giữa cánh đồng lúa trĩu hạt. Tuổi thơ của ông còn là những lần bị bà giấu vào chạn bát, và tình bạn với cô bạn nhỏ A Viên.
Thời thanh niên, Phẩm Thụy (Lý Hồng Kỳ) chuyển về sống cùng mẹ. Anh gặp lại A Viên, giờ đã trở thành một cô gái thời thượng xinh đẹp. Tình bạn năm xưa phát triển thành tình đầu cháy bỏng.
Cùng lúc ấy, ở nhà máy nơi hai mẹ con cùng làm việc, Phẩm Thụy được đề nghị cùng Trân Trân, con gái của giám đốc, chuyển sang Mỹ sinh sống. Thương mẹ vất vả, lại sẵn giấc mộng đổi đời, Phẩm Thụy chấp nhận lấy Trân Trân. Đôi vợ chồng trẻ tới Mỹ, bắt đầu xây dựng cuộc sống ở miền đất hứa xa lạ.
Trong văn hóa truyền thống Á Đông, người đàn ông được coi là trụ cột, nắm trong tay mọi quyền quyết định việc gia đình. Hình ảnh người chồng, người cha cũng vì thế mà thường đi liền với tính cách gia trưởng và xa cách. Nhân vật Phẩm Thụy của Tigertail cũng được khai thác từ góc nhìn này.
Vì thương mẹ vất vả, Phẩm Thụy đã đồng ý lấy cô con gái nhà giàu và chuyển sang Mỹ sinh sống. |
Bằng sự cần mẫn, Phẩm Thụy đã xây dựng được một cuộc sống ấm no cho vợ và các con trên đất Mỹ. Nhưng mầm mống bất an vẫn luôn len lỏi trong gia đình nhỏ, và cuối cùng, đẩy nó tới bờ vực tan vỡ.
Ước muốn mẹ con đoàn tụ của Phẩm Thụy không thành vì mẹ ông không chấp nhận di cư, tuổi già trôi đi trong cô đơn vì vợ ông không muốn tiếp tục chung sống với người chồng lạnh nhạt. Người con gái – sống cách bố không xa trong cùng một thành phố - lại luôn xa cách vì bất đồng quan điểm với ông.
Cuộc đời của Phẩm Thụy gắn liền với bóng hình của những người phụ nữ: người bà thay mẹ chăm cháu, người mẹ dịu hiền mà ông luôn kính yêu, mối tình đầu nồng cháy ông quay lưng bỏ lại, người vợ cùng ông trải qua những tháng ngày khó khăn, và cô con gái đầu lòng ông yêu thương như mạng sống.
Bà, mẹ, bạn bè, vợ, con gái… những người phụ nữ đến bên cuộc đời Phẩm Thụy, yêu thương, chăm sóc, che chở, đồng cam cộng khổ và làm trọn vẹn cuộc sống của ông. Nhưng phải tới khi mẹ mất đi, đối mặt với sự thiếu vắng lớn lao ấy, Phẩm Thụy mới nhận ra, và thấm thía nỗi cô đơn khi đánh mất họ.
Tình cảm bình dị mà lắng sâu giữa cha và con gái
Phẩm Thụy đã xây dựng được sự nghiệp, gom góp được gia tài, mang lại cuộc sống sung túc vật chất cho vợ con và mẹ già, nhưng ông chưa bao giờ là người vun đắp nên những giá trị trong cuộc đời họ. Ngược lại, họ mới là những người mang lại ý nghĩa cho cuộc đời ông.
Phẩm Thụy gạt ý định đi học của vợ qua một bên, rồi oán trách khi mình đã vất vả vì gia đình mà không được đền đáp. Nhưng ông đâu nhận ra, chính vợ mình mới là người giữ cho gia đình ấy tồn tại khi ông bận rộn tối ngày.
Phẩm Thụy trách con gái bồng bột, không suy nghĩ kĩ càng trước khi quyết định chung sống với bạn trai, mà không nhận ra một phần nào đó của con người cô phản ánh chính con người ông thời trẻ.
Và thế là, khi tóc đã hoa râm, người cha phải học lại cách lắng nghe và đối thoại với con gái. Ông ngỡ ngàng nhận ra đằng sau vẻ ngoài rắn rỏi và trưởng thành ấy vẫn chỉ là cô con gái với biết bao nỗi bao hoang mang. Angela vẫn là cô con gái bị tổn thương chờ đợi được cha mình an ủi, như một ngày rất xa về trước, cả họ trở về nhà sau buổi biểu diễn piano không mấy thành công.
Mối quan hệ giữa cha và con gái trong phim cũng nhận nhiều đồng cảm. |
Tigertail mở ra bằng lời kể ở ngôi thứ nhất. Người kể xưng cha, thuật lại cho con câu chuyện đời mình. Phẩm Thụy chính là người cha đang cố hé lộ cho các con thấy cuộc đời, và tâm hồn mình. Người cha ấy có thể khắt khe tới mức vô lý, khó hiểu, xa cách… nhưng trên tất cả, ông vẫn yêu thương và mong cho con những điều tốt nhất.
Càng xem, khán giả càng dần vỡ lẽ, tất cả những trang quá khứ đã ngủ yên trong cuộc đời Phẩm Thụy bỗng dưng được lật giở, đều chỉ hướng tới một người - con gái ông. Cô bé khao khát tình thương lớn lên thành người phụ nữ với nỗi mặc cảm không được cha thấu hiểu.
Phẩm Thụy đã chứng kiến con gái mình lớn lên, nhưng cô thì không thể nhìn thấy những ngày tháng ấy của cha mình. Do đó, ông kể lại cho cô nghe tất cả. Tuổi thơ thiếu thốn tình thương, thời thanh niên đầy nuối tiếc, cuộc đời không diễn ra như kế hoạch…
Những lát cắt từ quá khứ không chỉ là món quà làm lành người cha dành tặng con gái mình, nó còn cho thấy những gian khó trong đời rồi cũng tới lúc chìm trôi, điều quan trọng là ta biết tha thứ cho chính mình.
Tìm về nguồn cội, để hướng tới tương lai
Khi cả hai cha con đều đã trưởng thành, khi thời gian cho những âu yếm và gần gũi đã bị bỏ phí, khi ai cũng mang trong mình những vết thương, thì “nguồn cội” trở thành một khái niệm chung tương đối để cả hai cùng hướng về.
Angela hỏi Phẩm Thụy, sau khi mẹ cô bỏ đi ông đã làm gì. Phẩm Thụy trả lời “Bố trở về quê nhà”. Không phải tự nhiên mà những người đi xa luôn đau đáu mong được trở về, hay những lúc khó nhất luôn khiến ta nhớ về những ngày bình yên đã xa.
Độ lùi thời gian biến quá khứ thành miền an ủi vĩnh hằng, xóa nhòa những nỗi đau và khiến người ta không còn khao khát sự ăn năn từ người làm mình đau khổ. A Viên chào đón Phẩm Thụy bằng sự ấm áp, và Angela cùng bố thực hiện chuyến trở về Đài Loan – mảnh đất thân thuộc với ông, nhưng hoàn toàn xa lạ với cô.
Trong chuyến đi này, ẩn ý nằm sau cái tên Tigertail cũng được làm sáng tỏ. Tigertail, hay Hổ Vĩ, chính là tên gọi nơi đã lưu dấu thanh xuân của Phẩm Thụy. Nơi ấy có mái nhà nơi mẹ con ông đã sống, có quán rượu nơi ông và A Viên từng hẹn hò… Hổ Vĩ cũng là nơi Phẩm Thụy lần cuối cùng trông thấy bóng dáng thời thanh xuân của mối tình đầu.
Chuyến trở về Đài Loan dẫn hai cha con tới một phát hiện đau lòng. |
Hành trình tìm về quá khứ dẫn khán giả tới một cảnh phim, tuy tĩnh lặng nhưng lại gợi nhiều sóng gió trong lòng. Phẩm Thụy và con gái đứng trước mái nhà xưa, giờ chỉ còn cái khung hoang tàn đổ nát. Người đàn ông nói với con gái, lần trước đây ông quay trở lại, mọi thứ trông không giống thế này. Rồi người đàn ông bật khóc. Cô con gái im lặng chạm vào vai cha.
Người đàn ông nhận ra cây cầu dẫn về quá khứ đã đứt gãy. Những điều tuyệt vời ấy giờ đây đã mắc kẹt mãi mãi trong ông. Phẩm Thụy không thể chia sẻ nó với ai nữa. Tất cả những gì người đàn ông còn lại lúc này, khi đứng giữa con đường vắng, chỉ còn là cô con gái – người bạn, và cũng là người duy nhất cùng ông trải qua cơn bẽ bàng, cùng tương lai sắp tới.
Tigertail duy trì mạch phim chậm rãi, bình lặng xuyên suốt. Mọi thứ đều ngân lên một giai điệu của riêng nó, tựa chuỗi hợp âm ngắn ngủi duy nhất mà Phẩm Thụy có thể chơi trên cây đàn organ cũ: Nhịp đóng mở cửa hàng, những bữa tối cô đơn của hai cha con, hay sự lặp lại chuỗi hành động trồng hoa, nấu cơm, xem tin nhắn…
Rất khó để chỉ ra cao trào lớn nhất, kéo theo mọi đổ vỡ trong cuộc sống của Phẩm Thụy giữa bộ phim này. Bởi dường như, mọi thứ trong cuộc đời ông đã đổ vỡ tan tành từ rất lâu trước khi bộ phim bắt đầu.
Tigertail là hành trình mà Phẩm Thụy phải thực hiện để nối lại liên kết đã đứt gãy với những người phụ nữ trong cuộc đời mình. Và thông qua đó, ông tìm lại sự cân bằng cần có cho cuộc sống độc thân đã nghiêng quá sâu về phía cô đơn.