Một số nhà văn có những giấc mơ sống động, tạo nên cảm hứng để họ đặt bút lên giấy và tạo ra những tác phẩm lớn cho văn học. Dưới đây là những tiểu thuyết nổi tiếng đã được lấy cảm hứng từ những giấc mơ của tác giả.
Twilight (Chạng vạng) - tác giả Stephenie Meyer
Tháng 6/2003, ở ngoại ô Arizona, Stephenie Meyer thức dậy từ một giấc mơ mãnh liệt, và nó là khởi nguồn của Chạng vạng nổi tiếng thế giới.
Meyer mô tả về một giấc mơ cô có năm 2003 trên trang web của mình: “Tôi bừng tỉnh (ngày 2/6 đó) sau một giấc mơ vô cùng sinh động. Trong giấc mơ, hai người có một cuộc nói chuyện khá căng thẳng trên bãi cỏ trong rừng. Một người chỉ là cô gái bình thường, nhưng người kia lại là chàng ma cà rồng đẹp trai, ngời sáng.
Họ đang bàn luận về những khó khăn bắt nguồn từ việc yêu nhau. Chàng ma cà rồng đặc biệt bị cuốn hút với mùi máu của cô gái, và đang vất vả để kiềm chế bản thân khỏi việc sát hại ngay lập tức”.
Giấc mơ ấy chính là cơ sở cho loạt tiểu thuyết nổi tiếng về ma cà rồng của Meyer. Đến nay, tiểu thuyết đã bán được 17 triệu bản trên thế giới, liên tiếp 91 tuần đứng trong danh sách sách bán chạy nhất của New York Times.
Bộ sách Twilight. Ảnh: Mèo Kat. |
Misery - tác giả Stephen King
Stephen King cũng sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên khi biết rằng ông sáng tạo cốt truyện và những hình ảnh hiện hữu trong một vài tiểu thuyết của mình trong khi ngủ.
Trường hợp cuốn tiểu thuyết Misery, Stephen King ngủ gật ở sân bay và mơ thấy một nhà văn bị người hâm mộ bắt cóc và giữ làm con tin.
Khi tỉnh dậy, ông rất căng thẳng, lập tức tìm mọi cách để nắm bắt câu chuyện. Ông đã ngồi ở sân bay và viết luôn 50 trang đầu tiên của cuốn tiểu thuyết.
Misery nhanh chóng được phát hành và nổi tiếng khắp thế giới. Bộ phim được chuyển thể từ Misery cũng trở thành tác phẩm kinh điển, đem về cho nữ diễn viên chính của bộ phim giải thưởng Oscar danh giá.
Sách Misery. Ảnh: Johannslibrary. |
Frankenstein - tác giả Mary Shelley
Năm 1816, Mary Shelley 18 tuổi, đang tận hưởng kỳ nghỉ hè với người yêu tại Lord Byron, Thụy Sĩ. Một đêm khi ngồi quanh đống lửa, những người bạn trong nhóm của họ cùng chơi trò kể chuyện về những người đã chết.
Mary Shelley kể lại cô đã không thể nảy được ý tưởng cho đến nửa đêm, giờ của “ma thuật”.
Shelley đi ngủ và thức dậy từ giấc mơ đáng sợ về người đàn ông đã cố gắng sử dụng khoa học để tạo ra sự sống và sinh ra nhân vật đáng sợ. Khi cô mở mắt và bắt gặp ánh trăng qua cửa sổ của mình, cảm giác ma mị càng trở nên đáng sợ.
Shelley tỉnh dậy, bắt đầu viết truyện ngắn về giấc mơ của mình. Cuối năm đó, chồng cô, cũng là nhà thiên văn học, khuyến khích cô nên mở rộng câu chuyện với cuốn tiểu thuyết. Cô bắt tay thực hiện và kiệt tác văn chương Frankenstein được công bố khi Shelley 19 tuổi.
Sách Frankenstein. Ảnh: Ozbooksnai. |
Dr. Jekyll and Mr. Hyde (Bác sĩ JeKyll và ông Hyde) - tác giả Robert Louis Stevenson
Robert Louis Stevenson đã mơ về bác sĩ mắc chứng rối loạn nhân cách và khi thức dậy, ông cảm thấy một sự thôi thúc sáng tạo mạnh mẽ.
Ông nhanh chóng ghi lại những cảnh tượng xuất hiện trong giấc mơ của mình, sau đó viết bản thảo cuốn tiểu thuyết trong 3 ngày.
Sau khi hoàn thành sơ lược bản thảo, ông cho vợ mình đọc lại. Ông sử dụng những gợi ý của bà để chỉnh sửa và viết lại những phần chưa hoàn thiện của cuốn sách. Ông đã hoàn thành toàn bộ tiểu thuyết trong 10 ngày, kể từ lúc thức dậy với giấc mơ của mình.
Sách Dr. Jekyll and Mr. Hyde. Ảnh: Flickr. |
Tiến sĩ JeKyll và ông Hyde đã vượt qua được thử thách thời gian, trở thành cuốn sách nổi tiếng truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm sân khấu và điện ảnh.