Cuộc sống càng nhiều áp lực, bạn càng bị cuốn đi. Đến một lúc, bạn sẽ đứng giữa cuộc đời, không biết mình là ai, thuộc về nơi nào, đang muốn gì?
Những cuốn sách dưới đây có thể giúp bạn trở thành nhà trị liệu tâm lý của chính mình, từ đó thấu suốt và yêu thương bản thân mỗi ngày.
Sách Anh là ai tôi là ai. |
Anh là ai, tôi là ai - tác giả: Carl G. Jung
Có khi nào bạn hoang mang không biết mình là ai. Bạn lạc lõng vì mãi đi sai con đường, mất phương hướng vì không biết sức mạnh của mình nằm ở đâu.
Có khi bạn làm một điều không hiểu tại sao mình làm. Thấy bản thân quá phức tạp, ngay chính mình cũng không hiểu nổi mình. Cuộc đời trao cho bạn quá nhiều định danh và chính bạn đầy những hiểu lầm về bản thân.
Bạn không biết nhân cách mình được cấu thành như thế nào; hướng nội hay ngoại; là kiểu người nhất thành bất biến, hay chỉ là thái độ sống giúp xác lập bản thân?
Cuốn sách này sẽ giúp bạn thực sự nhận biết những nền tảng bí mật của nhân cách, trao cho bạn những tri thức kinh điển, giúp hiểu mình sâu sắc hơn bao giờ hết.
Carl Gustav Jung (1875-1961) là bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học, tâm lý trị liệu người Thụy Sĩ. Ông sáng lập trường phái mới là Tâm lý học Phân tích (Analytical Psychology), nhằm phân biệt Phân tâm học của Sigmund Freud.
Trong tự truyện của mình, ông viết: "Cuốn sách này xuất phát từ nhu cầu của tôi, xác lập cách nhìn khác của tôi so với Freud và Adler. Cố gắng trả lời câu hỏi về mẫu hình tâm lý này, tôi đã gặp phải rất nhiều vấn đề cần giải quyết".
Tác giả cho rằng tâm lý của một người, ngay từ đầu, đã xác định và hạn chế phán đoán của người ấy. Do đó, cuốn sách nhằm giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân với thế giới, với mọi người và mọi thứ. Đó là các thái độ khác nhau mà ý thức nảy sinh trước thế giới này.”
Cái tôi được yêu thương - tác giả Wilhelm Stekel
Chúng ta đều là những kẻ tự si mê bản thân, cùng lúc gần như không biết cách yêu bản thân thế nào, càng yêu, càng không thể hiểu chính mình.
Sự quyến rũ mạnh mẽ nhất của cuộc đời nằm trong sự thay đổi. Bạn sẽ trì trệ ở yên trong những vụn vỡ dở dang hay sẽ tự chữa lành cho chính mình? Sự lãng phí của hôm nay luôn là điều hối tiếc của ngày mai. Chúng ta cần phải vượt qua bản thân mỗi ngày.
Cuốn sách sẽ là chỉ dẫn tuyệt vời cho bạn để hiểu rõ muôn mặt của tâm hồn vị kỉ khổ đau, tổn thương và tan vỡ. Nó giúp bạn vượt qua cái tôi vị kỷ để nhìn thực tế với cuộc đời và tìm thấy mục tiêu cuộc sống.
Wilhelm Stekel (1868-1940) là bác sĩ, nhà phân tâm học người Áo. Sau khi tốt nghiệp trường tiếng Đức tại Czernowitz, Stekel, người này theo học ngành y tại Vienna.
Sketel đã sáng tạo hình thức trị liệu ngắn hạn mang tên Phép phân tích tích cực. Phương thức trị liệu này có nhiều điểm tương đồng các hình thức tư vấn và trị liệu hiện đại.
Sách Cái tôi được yêu thương. |
Những cảm xúc bị dồn nén - tác giả Isador Henry Coriat
Cuốn sách Những cảm xúc bị dồn nén là chìa khóa giúp con người tự thấu hiểu nỗi ấm ức vô hình bóp nghẹt trái tim bạn mỗi ngày.
Trước khi tìm đến nhà trị liệu, bạn hãy trở thành nhà trị liệu của chính mình. Bằng cách thấu hiểu khiếm khuyết tính cách nhất định trong con người mình, ý thức về những dồn nén của bản thân thay vì đóng tâm trí trước chúng, bạn hãy tận dụng sự hiểu biết có được để phát triển tính cách của mình.
Một người chỉ trở nên mạnh mẽ và sáng suốt khi đã thực sự nhận biết và thấu hiểu tất cả cảm xúc dồn nén, nỗi đau khổ và bất hạnh. Mọi sự trốn mình trong nơi nào đó đều không có tác dụng. Mọi sự vỗ về đều bất khả trước cái xấu, cái ác của con người.
Bằng ý chí dám đối diện bóng tối trong mình, con người dần trở nên hùng mạnh hơn. Người ta chỉ có thể đẩy lùi bóng tối bằng ánh sáng của trí tuệ, của lý trí sáng suốt và hướng đến điều cao thượng.
Isador Henry Coriat (1875-1943) là bác sĩ tâm thần và nhà thần kinh học người Mỹ gốc Ma-rốc. Ông là một trong những nhà phân tâm học đầu tiên của Mỹ, cũng là một trong những người sáng lập Hiệp hội Phân tâm học Boston.
Sách Những cảm xúc bị dồn nén. |
Tiến trình thành nhân - tác giả Carl Rogers
Với những ai đang tìm kiếm câu trả lời khi bản thân trải qua giai đoạn khủng hoảng tuổi đôi mươi, Tiến trình thành nhân của Carl Rogers là người bạn lớn, tâm tình bao chuyện ban sơ, thiết thực, giúp đỡ chính bạn bước vào con đường trưởng thành.
Cuốn sách này dành cho mỗi người trong chúng ta, đang trên hành trình trở thành con người: Một bản thể tự do và toàn vẹn, một cá nhân độc lập và sáng tạo. Điều ta sáng tạo nên là chính mình và cuộc sống của mình.
Đây là cuốn sách sẽ cho bạn những chỉ dẫn để đến gần hơn với nội tâm, dù cho là khó khăn hay khổ đau, dù cho khỏe mạnh hay tật bệnh, dù bất kể hoàn cảnh nào chăng nữa.
Thực hiện những mối tương giao giữa người với người một cách chân thành, ấm áp và hữu hiệu, nó giúp cho sự trưởng thành của mỗi người.
Hãy tin rằng dù là ai, từng trải qua điều gì, ở đâu và làm bất cứ gì, bạn luôn có những giọt vàng quý giá, giúp hàn gắn những mảnh vỡ tâm hồn và trong bạn luôn có nguồn sáng chỉ lối dẫn đường.
Carl Rogers (1902-1987) là một trong những nhà trị liệu tâm lý có ảnh hưởng nhất thế kỉ XX. Liệu pháp thân chủ - trọng tâm của ông - đánh dấu bước ngoặt trong sự phát triển của tâm lý trị liệu.
Triết lý của ông trở thành hòn đá tảng cho một phương pháp tiếp cận mới được gọi là Tâm lý học nhân văn, mà ông đã cùng Abraham Maslow và Rollo May thiết lập trong những năm 1950.
Sách Tiến trình thành nhân. |
Sâu trong ta một bông hoa luôn rực sáng - tác giả: M. D. Wilhelm Stekel
Vượt lên bóng tối và chính mình chưa bao giờ là hành trình hiền hòa, cũng không thể vội vã, phải thật kiên trì và tỉnh táo.
Đừng để bóng tối của sự đố kỵ bao trùm những ánh sáng lấp lánh của sự thiện lương trong tâm hồn. Đừng để những ấm ức nhỏ nhặt biến mất vào chân trời tổn thương và khuất sau bóng đêm mờ mịt.
Những hạt giống bị vùi sâu rồi sẽ có ngày đơm hoa. Hãy mạnh mẽ và cất bước đi. Cuốn sách này giúp bạn thấu hiểu những điều thẳm sâu trong tâm hồn, cho thấy lối đi của cảm xúc, con đường thổi đi những tăm tối và thắp lên ánh sáng trong chính bạn.
Sách Sâu trong ta một bông hoa luôn rực sáng. |
Wilhelm Stekel (1868-1940), bác sĩ, nhà phân tâm học người Áo, theo học ngành y tại Vienna. Ông cũng chính là người đi tiên phong trong cách thức và lý thuyết về phân tâm học.
Ông đã sáng tạo hình thức trị liệu ngắn hạn mang tên Phép phân tích tích cực. Phương thức trị liệu này có nhiều điểm tương đồng các hình thức tư vấn và trị liệu hiện đại. Ông cũng cực lực cho rằng tất cả chứng cuồng loạn đều liên quan rối loạn thần kinh.