Chiều 8/3, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đinh Tiến Dũng có văn bản yêu cầu các Bộ Tài chính, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng và Ban chỉ đạo 389 các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai và các địa phương có liên quan tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu tăng cường siết chặt hoạt động nhập khẩu cá tầm Trung Quốc. Ảnh: HSTN. |
Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát trong thị trường nội địa, nhất là các trung tâm tiêu thụ lớn tại Hà Nội và TP.HCM, để đấu tranh, ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng cá tầm, như về nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép, sở hữu trí tuệ, kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo 389 giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố rộng rãi danh sách các loại cá tầm được phép nhập khẩu để lực lượng chức năng thuận lợi kiểm tra, kiểm soát.
Văn bản này của Ban chỉ đạo 389 quốc gia thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ngày 18/1 liên quan đến các thông tin phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam, vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ.
Ngay sau đó, trong tháng 1 và tháng 2, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan cũng lần lượt có công văn về việc kiểm soát hoạt động nhập khẩu cá tầm.
Tuy nhiên, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lượng cá tầm Trung Quốc nhập về Việt Nam qua 2 cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Kim Thành (Lào Cai) trong 2 tháng đầu năm nay đã đạt 812 tấn. Con số này tương đương 81,2% sản lượng năm 2020.
Trước đó, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng cho biết giá bán cá tầm Trung Quốc thời gian qua chỉ bằng 2/3 giá cá tầm trong nước, gây ra sự cạnh tranh khốc liệt. Đáng chú ý, khi bán ngoài thị trường, thương lái trộn lẫn cá tầm Trung Quốc vào cá tầm nuôi tại Việt Nam khiến người tiêu dùng không thể phân biệt, dù chất lượng kém, thịt nhão, không thơm ngon bằng.