Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiếng tàu điện và âm thanh trên phố Hà Nội trăm năm trước

Tiếng leng keng của tàu điện, tiếng trẻ rao bán báo, tiếng chổi quét phố... tạo thành những âm thanh riêng có của phố phường Hà Nội xưa.

Con phố tôi ở không to lắm, không đẹp lắm, cũng không nhỏ lắm, không bẩn, không buồn; một con phố giống như nhiều phố khác, có những giờ lặng lẽ, có những giờ náo nhiệt, nhưng tất cả mọi ngày đều diễn ra “tấn kịch to rộng ấy gồm hàng trăm hồi khác nhau” đã giúp ông La Fontaine (nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng của Pháp) đôn hậu khuây khỏa rất nhiều.

Điều đó bắt đầu từ trước lúc buổi đêm kết thúc, khi hãy còn tối đen; một tiếng bánh xe lăn chậm, lóc cóc, cứ như là bánh xe hình vuông: đó là người phu quét đường cùng cái thùng đặt trên một loại xe ba gác; ta nghe thấy tiếng ông ta xỉ mũi, khạc nhổ, ngáp… cuối cùng, ông đụng chạm đôi chút vào đồ nghề, chuyện trò đôi câu với một người phu kéo xe đang ngồi giữa hai càng xe, nơi ngọn đèn vẫn sáng theo quy định, rồi cho tới sáng… loạt xoạt, loạt xoạt, loạt xoạt… tiếng quét chổi âm thầm của ông ta.

Buoi sang 'leng keng' Ha Noi cach nay... tram nam anh 1

Tàu điện ở Hà Nội nơi đường Petit Lac, tức đường Bờ Hồ. Ảnh: Flickr.

Chuyến tàu điện đầu tiên không chậm trễ kêu ken két ở chỗ ngoặt, trong khi từ xa vọng lên tiếng động của đồng quê: gà trống gáy, chó sủa, tiếng mõ (mảnh thân tre có rạch kẻ theo chiều dài) vang trầm đục mà người tuần phu nào đó đang gõ lên.

Chốc chốc lại có tiếng lốc cốc vội vã: tiếng guốc của một người đi đường sớm sủa; hoặc là tiếng chân bước thoáng nghe được của bàn chân trần. Đôi khi là âm sắc của xe đạp, một khúc hát ngân nga khe khẽ chứng tỏ một người đàn ông đang đi qua; có lúc chỉ là mùi khói thuốc lá; và ta tự hỏi những người trong đêm tối ấy đang đi làm việc gì…

Đúng lúc sau rạng đông người bán phở bước tới do có tiếng va lách cách khe khẽ của cái bát và mùi hương thơm ngon của nước dùng. Người đàn ông đặt cửa hiệu di động của mình ở góc phố và tỉ mỉ chuẩn bị nguyên phụ liệu trong khi đứa bé con phụ việc thổi vào cái ống tre để ngọn lửa bùng lên; và ngay tức thì mấy người phu tụ tập quanh bếp lửa đỏ bừng và được chiếu sáng bởi ánh lửa khiến cảnh tượng giống như một cuộc hội họp của những con ma.

Bập, bập, bập, người băm thịt đang băm những nhát dao gấp gáp, kèm theo tiếng rao của người bán phở: Phở… ở…” vang to lạ lùng trên con phố vẫn đang còn vắng vẻ.

Sau đó một chút, người bán cà phê đến; ngồi giữa hai thùng chứa, ông ta quạt liên tục bếp lửa nhỏ xíu trên có đặt một chiếc bình sắt; ông ta rao hàng với lối nói trống không bằng một nốt duy nhất: “Cà phê… ô lé” (tiếng Pháp bồi, nửa tây nửa ta. “Ô lé” (au lait) nghĩa là “kèm theo sữa”) - sữa không còn, nhưng tiếng rao vẫn thế.

Đó là lúc tiếng chuông buổi sáng vang lên trong ngôi chùa bên cạnh dường như để xua tan bóng tối cuối cùng và chấm dứt việc xua đuổi hẳn tà ma.

Giờ đây bắt đầu ngược xuôi những người đầy tớ đi từ nhà nọ sang nhà kia để lấy lửa và chú tâm mang về những mảnh đuốc tre có ngọn lửa nhỏ rung rinh; với cách làm ấy, chỉ cần một cái bếp của khu phố giữ lại suốt đêm những hòn than vùi tro là có thể nuôi mọi bếp lò; cách tiết kiệm những que diêm thật tốt!

Đồng thời những phụ nữ cung cấp nước bắt đầu đi lại, kèm theo lúc đi là tiếng động vui vẻ của những thùng rỗng, còn khi trở về vạch ra cả một con đường của những giọt hoặc những vũng nước do chốc chốc dừng lại cho một người phu vội vã uống ngay trên mặt nước sóng sánh.

Đó cũng là lúc quét cửa, ngay tức thì và cố định như một nghi thức: trước mặt mỗi ngôi nhà, vài đứa bé con hoặc một con sen, mang chổi xể cọ sạch kĩ lưỡng những bậc thềm và mảng vỉa hè dưới đó; bã mía và các loại rác rơi xuống rãnh nước liên tục đầy ắp.

Buoi sang 'leng keng' Ha Noi cach nay... tram nam anh 2

Báo Đông Pháp được trẻ bán báo reo vang mời gọi người mua mỗi sáng. Ảnh: Trần Đình Ba.

Một ông láng giềng hẳn là không có nước máy và còn thiếu đường ống dẫn ra cống đang rửa mặt ngoài cửa sổ ở tầng trên, nhổ một bãi đầy bọt của thứ kem đánh răng màu hồng; tiếp theo là một chậu nước to hắt ra mà chẳng cần nhìn xem có ai đi qua, tất nhiên.

Tiếp đó là cuộc dạo chơi của hai con chó bên cạnh một cậu nhóc con lấm lem đang nóng lòng kiềm chế bọn hăng máu bằng cách giật dây xích; một vòng nhỏ dạo quanh bãi cỏ dốc trước mặt, bọn gâu gâu (nguyên văn “toutou”: chó, theo lối gọi của trẻ con) tội nghiệp bị cưỡng chế đưa về cái lều của những người chăn giữ.

Cứ như thế, ngày càng sáng, mọi hoạt động và tiếng ồn càng tăng thêm. Đường phố đã tràn ngập tiếng động hàng ngày ngay lúc tiếng rao của chú bé bán báo vang lên khi chú chạy hộc tốc tay chìa ra một tờ báo: “Ai Đông Pháp, Tin Mới ơi…”, đúng là tiếng kèn đồng lanh lảnh kết thúc bằng đoạn nhạc đệm luyến láy âm cuối với độ rung yếu dần theo nhịp của cuốc chạy.

Hilda Arnhold / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY