Nhiều người sử dụng tiếng ồn giúp tập trung và dễ ngủ hơn. Ảnh: Shutterstock. |
Khi cần tập trung hoặc nghỉ ngơi, âm thanh chói tai của xe cộ hay công trình xây dựng sẽ làm phiền bạn. Tuy nhiên, một bản nhạc ưa thích hoặc tiếng mưa, sóng vỗ có thể đưa bạn vào giấc ngủ nhanh hơn. Chúng cũng là tiếng ồn.
Trong những âm thanh trên, tiếng ồn trắng được biết đến nhiều nhất. Tuy nhiên, đó không phải tiếng ồn duy nhất giúp bạn dễ ngủ. Trên thực tế, có nhiều màu âm thanh mang đến lợi ích riêng, ảnh hưởng đến người nghe theo cách khác nhau.
Lợi ích của tiếng ồn khi ngủ
Các loại tiếng ồn được phân biệt dựa vào tần số (Hz) và cường độ (dB), đặt tên theo màu sắc. Ví dụ, tiếng ồn trắng phát ra âm thanh với tần số mà tai người có thể nghe, giống như ánh sáng trắng gồm toàn bộ màu sắc mà mắt người có thể thấy.
Theo CNET, nhiều nghiên cứu cho thấy sử dụng tiếng ồn giúp bạn dễ ngủ hơn. Đầu tiên, những âm thanh này có thể lấn át tiếng động bất chợt (chó sủa, mở cửa...) gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Nhiều người còn khó ngủ vào ban đêm do lo lắng và căng thẳng. Nếu bật âm thanh phù hợp, bạn có thể tập trung và dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Các loại tiếng ồn phổ biến
Có thể phân biệt các loại tiếng ồn dựa vào tần số và cường độ âm, dành cho các mục đích sử dụng khác nhau. Đây là một số màu âm thanh phổ biến và lợi ích tương ứng.
Tần số (trục ngang) và cường độ (trục dọc) của 4 loại tiếng ồn phổ biến. Ảnh: Wikipedia. |
Tiếng ồn trắng
Loại tiếng ồn này bao gồm tất cả tần số mà con người có thể nghe (từ 20-20.000 Hz) với cường độ bằng nhau nên có tác dụng lấn át, ngăn chặn mọi âm thanh gây phiền nhiễu bên ngoài, giúp bạn chìm vào giấc ngủ nhanh hơn.
Những âm thanh được phân loại tiếng ồn trắng như cánh quạt quay, máy lạnh, TV, máy lọc không khí đang hoạt động...
Ngoài hỗ trợ giấc ngủ, một số nghiên cứu cho thấy tiếng ồn trắng còn giúp trẻ sơ sinh giảm quấy khóc. Dù vậy, người dùng cần tham khảo cách sử dụng âm thanh sao cho đúng cách, không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Tiếng ồn hồng
Tương tự tiếng ồn trắng, tiếng ồn hồng bao gồm tất cả tần số mà con người có thể nghe. Tuy nhiên, cường độ âm trầm của tiếng ồn hồng cao hơn, gồm các âm thanh sâu lắng như tiếng mưa rơi nhẹ hoặc sóng vỗ.
Tiếng ồn hồng cũng có thể lấn át những âm thanh gây mất tập trung như tiếng nổ động cơ xe hoặc bước chân.
Theo CNET, hiệu ứng êm dịu, sâu lắng khiến nhiều người thích tiếng ồn hồng hơn so với tiếng ồn trắng. Một số nghiên cứu còn cho thấy tiếng ồn hồng giúp kéo dài thời gian ngủ sâu, cải thiện trí nhớ với khả năng lọc âm thanh tần số cao.
Giao diện của ứng dụng tạo tiếng ồn Atmosphere. Ảnh: Atmosphere. |
Tiếng ồn nâu
Tiếng ồn nâu (hoặc tiếng ồn đỏ) được đặt tên theo nhà thực vật học Robert Brown, người đã ghi lại chuyển động ngẫu nhiên và nhanh chóng của các hạt trong chất lỏng.
Có thể xem tiếng ồn nâu là phiên bản trầm và sâu hơn tiếng ồn hồng, với cường độ tập trung cao nhất ở dải tần số thấp. Các âm thanh của tiếng ồn nâu khá mạnh, ví dụ như thác nước chảy hoặc mưa nặng hạt.
Một số nghiên cứu cho thấy tiếng ồn nâu giúp giảm triệu chứng ù tai, cải thiện khả năng tư duy. Tuy nhiên theo WebMD, cần thêm thời gian để nghiên cứu cụ thể tác động của âm thanh này lên giấc ngủ con người.
Tiếng ồn xanh
Trái ngược với tiếng ồn nâu, tiếng ồn xanh có cường độ tập trung ở dải tần số cao với rất ít âm trầm, do đó nghe chói tai hơn một chút so với tiếng ồn hồng hay trắng.
Tiếng rít vòi nước là một trong những ví dụ của tiếng ồn xanh. Nếu bạn không nhạy cảm với âm thanh cao độ, tiếng ồn xanh rất phù hợp để lấn át và ngăn chặn âm thanh bên ngoài.
Do khá chói tai khi nghe với âm lượng lớn, một số chuyên gia thường sử dụng tiếng ồn xanh để trộn vào bản nhạc, giúp giảm nhiễu và làm mượt âm thanh.
Không thể đánh giá tiếng ồn tốt nhất cho giấc ngủ bởi rất khó so sánh trong môi trường cùng điều kiện. Theo CNET, bạn có thể tải các ứng dụng như White Noise Lite hoặc Atmosphere để nghe thử và chọn âm thanh phù hợp với bản thân.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.