Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 13 người cùng hàng chục người bị thương. Là những người có mặt đầu tiên, trực tiếp giải cứu đồng nghiệp gặp nạn, các công nhân dù mệt nhưng vẫn miệt mài bới đống sắt vụn tìm kiếm.
Lực lượng cứu hộ vẫn tích cực tìm trong đống đổ nát với hy vọng tìm thêm được nạn nhân. Ảnh chụp lúc 12h trưa 26/3. Ảnh: Phạm Hòa. |
Công nhân Ngô Văn Huệ (47 tuổi, quê Nghệ An) cho biết, khi nghe tin sập giàn giáo, ông cùng mọi người lập tức chạy ra hiện trường. Ròng rã suốt đêm qua đến trưa nay, ông không ngừng tay tìm kiếm.
“Tôi không nhớ mình đã cứu được bao nhiêu người nhưng từ tối qua đến giờ chúng tôi vẫn tìm kiếm các đồng nghiệp. Tất cả công nhân được huy động vào hiện trường đều chỉ ăn bánh mỳ, uống nước lọc rồi bắt tay vào cứu nạn. Không ai nghỉ ngơi cả”, ông Huệ nói, giọng thấm mệt.
Còn anh Chu Văn Sáng (24 tuổi, ở huyện Yên Thành, Nghệ An) thì ngồi bệt uống nước thay cơm. Anh và các đồng nghiệp của mình đã đưa được hơn 10 người ra ngoài, trong đó, một số nạn nhân đã tử vong.“Nhiều nạn nhân được tìm thấy trong tình trạng gãy chân tay, máu chảy nhiều, mặt lem luốc không nhận ra nổi. Có lúc, chúng tôi đang bới đống gỗ, sắt thì nghe tiếng kêu, rên rỉ ngay bên dưới. Mọi người thấy thế càng làm khẩn trương hơn”, anh Sáng lau mồ hôi.
Vẫn chưa hết hoảng sợ khi nhìn thấy các nạn nhân trong đống đổ nát, anh Nguyễn Trọng Nghĩa (35 tuổi, ở Lộc hà, Hà Tĩnh) dù không gặp nạn nhưng vẫn cảm thấy ám ảnh. Anh cùng tốp công nhân mài đã đưa được 4 người ra ngoài, trong đó 2 người đã tử vong.
“Khi nghe tin đã lập tức đến và bắt tay vào công tác cứu hộ, cứu nạn. Lúc mới đến, tiếng kêu cứu, rên rỉ của nạn nhân vang lên khắp khu vực giàn giáo đổ sập. Chúng tôi lần lượt tìm cách đưa họ ra ngoài”, anh kể. Theo người đàn ông này, công trình giàn giáo này đã thi công được 2,5 năm. Công nhân chủ yếu là người Việt Nam.
Trong khi đó, theo công binh Nguyễn Hữu Thanh (31 tuổi), chưa bao giờ anh chứng kiến vụ tai nạn kinh hoàng như vậy. "Khi tới nơi, trước mắt là đống sắt thép hàng trăm tấn đổ nát, bên dưới lại nhiều người đang mắc kẹt", công binh này kể. Được tăng cường từ Quân khu 4 sang cứu hộ, anh Thanh và cùng đơn vị công binh 414 làm việc liên tục từ rạng sáng quá trưa vẫn chưa nghỉ.
Trung tá Mai Văn Thanh, Phó chỉ huy đoàn trưởng, Tham mưu trưởng đơn vị cho hay, lực lượng được huy động là gần 50 người. Đơn vị xuất phát từ Nghệ An và có mặt tại hiện trường vào lúc 3h sáng.
Công binh Nguyễn Hữu Thanh cho biết cứu hộ từ 3h sáng tới giờ chưa nghỉ ngơi. Ảnh Phạm Hòa |
Trực tiếp chỉ huy tại hiện trường, ông Đặng Quốc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ tối qua, tỉnh đã huy động gần một nghìn người cùng nhiều phương tiện, máy móc, hàn xì... phục vụ cứu nạn.
Đến 13h ngày 26/3, đội cứu hộ, cứu nạn đã tìm thấy 13 người tử vong, 29 người bị thương đưa đi cấp cứu. Khối lượng giàn giáo đổ sập đã giải phóng được khoảng 90%. Hiện, cơ quan chức năng đang nghi ngờ còn một người bị vùi lấp bên dưới.
Trước đó, khoảng 20h 25/3, hơn 50 công nhân đang tháo vật liệu ở cột bêtông (dùng để cắm ngoài biển) thì giàn giáo cao hàng chục mét bất ngờ đổ sập. Vụ tai nạn xảy ra khi công nhân của nhà thầu đang lắp giàn giáo thi công đúc giếng chìm để làm đê chắn sóng cảng Sơn Dương. Lúc này, công nhân đang đẩy những cấu kiện đã đúc được ra ngoài, đẩy thép vào khuôn để tiếp tục đúc bêtông thì bị sập. Khối bêtông rất lớn đã kéo sập cả hệ thống giàn giáo.
Vụ việc xảy ra tại công trình do nhà thầu Samsung đảm nhiệm.